Quốc hội Mỹ trước thỏa thuận hạt nhân Iran
(Cadn.com.vn) - Quốc hội Mỹ đang đứng trước bài toán nan giải: thông qua hay bác bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran lịch sử.
Những người chỉ trích thỏa thuận hạt nhân với Iran đang nỗ lực kêu gọi Quốc hội “hãy bác bỏ nó”. Theo họ, “một cú sốc” từ Quốc hội sẽ mở ra con đường để đưa Iran trở lại bàn đàm phán, quan điểm mà Ngoại trưởng John Kerry cho là “quá tưởng tượng”.
Quốc hội Mỹ còn khoảng 7 tuần (tức là đến giữa tháng 9 tới) trong giới hạn 60 ngày để xem xét thỏa thuận quốc tế bước ngoặt nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp chế tài tài chính đối với Tehran.
Những người ủng hộ xuống đường kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran. Ảnh: Reuters |
Ở Mỹ, các chương trình truyền hình được phát sóng trên toàn quốc, từ Washington đến Honolulu đều quay quanh chủ đề: thỏa thuận hạt nhân Iran là một “điều tồi tệ” trước khi kết luận: “Chúng tôi muốn có một thỏa thuận tốt hơn”. Và nhiều câu hỏi đang được đặt ta. Liệu một thỏa thuận thai nghén nhiều năm giữa Iran và các cường quốc thế giới P5+1 có thể được thương lượng lại nếu Quốc hội bác bỏ. Liệu Tổng thống Barack Obama có sử dụng quyền phủ quyết để “cứu” thỏa thuận này?
Mới đây, trong phiên điều trần tại Quốc hội, Ngoại trưởng John Kerry cảnh báo, nước Mỹ sẽ không an toàn hơn nếu không có thỏa thuận kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran. Thủ lĩnh ngành ngoại giao Mỹ khẳng định, thỏa thuận ký ngày 14-7 vừa đạt được mục tiêu lớn nhất là ngăn chặn được khả năng Tehran chế tạo bom hạt nhân. Ông Kerry một lần nữa khẳng định việc Quốc hội quay lưng lại với thỏa thuận sẽ khiến nước Mỹ bị cô lập, và bị mất đi niềm tin từ các đối tác.
Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các nghị sĩ tại Quốc hội Mỹ, cả những nghị sĩ của đảng Dân chủ, vẫn phản đối hoặc bày tỏ lo ngại về thỏa thuận. Các nghị sĩ đang nỗ lực kêu gọi Đồi Capitol hãy “nói không” với thỏa thuận này. Nghị sĩ Grace Meng ở New York mới đây thẳng thừng tuyên bố sẽ phản đối thỏa thuận này đến cùng vì tin rằng, “thế giới có thể và cần phải có một thỏa thuận tốt hơn”. Nghị sĩ đảng Cộng hòa Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho rằng, thỏa thuận này sẽ mang lại cho Tehran khoản tiền khổng lồ, làm giảm khả năng gây áp lực của Washington với Tehran.
Nhiều nghị sĩ khác lo ngại về mối đe dọa cho quan hệ với Israel – đồng minh lâu năm của Mỹ ở Trung Đông. Và trên thực tế, ở ngoài nước Mỹ, Israel đang lên kế hoạch vận động Đồi Capitol không thông qua thỏa thuận mới đạt được giữa P5+1 và Iran. Tel Aviv lo sợ một khi nền kinh tế Iran phục hồi khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ, họ sẽ không còn an toàn. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với P5+1 sẽ giúp cải thiện an ninh khu vực Trung Đông, bởi chính nó đã ngăn chặn Tehran không thể sở hữu vũ khí hạt nhân. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho rằng, thỏa thuận đó bao gồm cả “những cam kết chắc chắn, chương trình hạt nhân Iran sẽ chỉ phục vụ mục đích hòa bình”.
Thật vậy, thực tế cho thấy, thỏa thuận hạt nhân lịch sử này không những tạo bước đột phá về chính trị sau hơn 1 thập kỷ đàm phán, mà nó còn giúp làm dịu những lo ngại trong khu vực về chương trình hạt nhân của Iran, và quan trọng hơn là loại dần những bất ổn ở Trung Đông. Một thành công ngoại giao như vậy, sau nhiều năm thất vọng, hỗn loạn và xung đột, xứng đáng là cơ hội để các bên hy vọng và chúc tụng nhau.
Khả Anh