Báo Công An Đà Nẵng

Quốc hữu hóa các ngân hàng yếu kém?

Thứ năm, 08/08/2013 12:59

(Cadn.com.vn) - Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg (1-8) vừa hé mở khả năng NHNN sẽ can thiệp mua cổ phần (CP) của những tổ chức Tín dụng (TCTD) bị kiểm soát đặc biệt (KSĐB). Khi tiến trình M&A (mua bán và sáp nhập) chưa đạt được tốc độ như mong muốn, con đường ngắn nhất để kết thúc câu chuyện này là giải thể, sáp nhập, bán lại, chủ động tự tái cấu trúc hoặc quốc hữu hóa các nhà băng quá yếu kém. Đây được xem như một công cụ mạnh nhất trong tái cơ cấu hệ thống NH.

Nỗ lực “vượt cạn”

Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 20-9. Theo đó, Thống đốc NHNN sẽ có thẩm quyền quyết định việc chỉ định TCTD tham gia góp vốn, mua CP hoặc trực tiếp tham gia góp vốn, mua CP của TCTD bị KSĐB.

KSĐB là việc một TCTD bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của NHNN có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc có nguy cơ mất khả năng thanh toán bắt nguồn từ việc quản trị, điều hành yếu kém. Đó là các TCTD có tình trạng tài chính không lành mạnh, đủ nguồn vốn để thực hiện góp vốn, mua CP theo yêu cầu của NHNN, không đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn trong hoạt động NH. TCTD này cũng không thỏa mãn được các yêu cầu của NHNN về hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ, không có khả năng quản trị, điều hành và thực hiện cơ cấu lại TCTD được tham gia góp vốn, mua CP.

NHNN sẽ can thiệp mua cổ phần của những TCTD bị kiểm soát đặc biệt. Ảnh minh họa

TCTD được KSĐB được góp vốn, mua CP bắt buộc trong trường hợp không thực hiện được các nội dung quy định tại Luật các TCTD (Khoản 2 Điều 149). Điều này có nghĩa, NHNN có quyền yêu cầu sáp nhập, hợp nhất, mua lại đối với TCTD được KSĐB nếu chủ sở hữu không có khả năng hoặc không thực hiện việc tăng vốn chủ sở hữu xây dựng, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu. Ngoài ra, TCTD thuộc diện nêu trên khi NHNN xác định số lỗ lũy kế của TCTD đã vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất và việc chấm dứt hoạt động của TCTD được KSĐB có thể gây mất an toàn hệ thống TCTD.

Can thiệp mạnh!

Vấn đề được đặt ra, vì sao NHNN can thiệp mua CP các TCTD yếu kém, nằm trong diện bị KSĐB? Dễ dàng nhận thấy, ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư nội địa không đủ can đảm “chia bài” với các NH yếu kém. Nỗi ám ảnh lớn nhất của họ là giá cổ phiếu (kể cả các NH lớn, hoạt động lành mạnh) đang xuống thấp. Với góc nhìn đầy cẩn trọng, các tổ chức nước ngoài cũng lo ngại nợ xấu nên chần chừ không dám bỏ vốn vào. Như thế, không sớm thì muốn, kịch bản “mẹ cứu con” sẽ xảy ra với mục đích tối thượng là sự an toàn của hệ thống. Vấn đề còn lại, NHNN sẽ mua CP ra sao? Công cụ nào sẽ được sử dụng trong thời gian đến?

Tất nhiên, NHNN sẽ tính đến việc sử dụng “tứ trụ” trong hệ thống NHTM Nhà nước hoặc các NHTM CP mạnh để “bày binh, bố trận” khi hữu sự xảy ra. Bởi thế, trong cơ chế góp vốn, mua CP của TCTD được KSĐB này, NHNN đã có hẳn một chính sách hỗ trợ đối với TCTD được chỉ định trong thời gian tham gia góp vốn, mua CP bắt buộc của TCTD được KSĐB. Đó là cho vay tái cấp vốn, cho vay đặc biệt, cho phép tạm thời áp dụng một số chỉ tiêu về an toàn trong hoạt động NH ở mức không tương đương như các TCTD bình thường trong một thời gian nhất định.

Các TCTD được chỉ định thực hiện góp vốn, mua CP bắt buộc bằng tiền hoặc thông qua việc chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ dư nợ các khoản tiền gửi, cho vay tại các TCTD được KSĐB. TCTD được chỉ định sử dụng vốn điều lệ, quỹ dự trữ để góp vốn, mua CP theo quy định của pháp luật. NHNN có thể sử dụng các công cụ nợ do NHNN phát hành để thực hiện việc góp vốn, mua CP tại các TCTD được KSĐB.

Quốc hữu hóa?

Điều được quan tâm là CP của TCTD bị KSĐB sẽ được bán với giá nào? Theo quy định, căn cứ kết quả kiểm toán độc lập về thực trạng tài chính, giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ, Ban KSĐB sẽ trình Thống đốc NHNN quyết định giá trị thực của các nguồn vốn nói trên và mức vốn cần bổ sung để đáp ứng được mức vốn pháp định, các quy định về an toàn trong hoạt động NH của TCTD đó. Theo Quyết định 48, trong trường hợp thực hiện việc góp vốn, mua CP, NHNN có trách nhiệm thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại TCTD được tham gia góp vốn, mua CP; chỉ đạo việc xây dựng, phê duyệt và giám sát việc triển khai Phương án cơ cấu lại TCTD được tham gia góp vốn, mua CP. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời để vượt qua khủng hoảng.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, NHNN có thể mua CP của các NHTM nhưng là CP ưu đãi. Điều này có nghĩa, NHNN không tham dự vào Hội đồng quản trị, quản lý mà chỉ hưởng cổ tức ấn định trước hằng năm. Cổ tức đó được hưởng giống như một loại vốn cho vay. Nói cách khác, thay vì hưởng cổ tức theo năng lực sinh lời của NH, NHNN sẽ được hưởng cổ tức cố định, cổ phiếu ưu đãi. Khi các TCTD yếu kém phục hồi trở lại thì Chính phủ và NHNN bán cổ phiếu ưu đãi đó cho đối tác nước ngoài và tư nhân có nhu cầu.

Có thể nói, đây là chủ trương đúng, quyết liệt và các biện pháp can thiệp này là khả thi, giữ được niềm tin của nhà đầu tư và người gửi tiền, giúp các NH nhanh chóng ổn định, hoạt động hiệu quả. Quốc hữu hóa các NH yếu kém kết hợp với việc nâng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các TCTD sẽ tạo cộng hưởng, thúc đẩy tiến trình tái cấu trúc hệ thống NH bước qua một trang mới với nhiều thành công hơn.

Văn Khoa