Quý nhơn “đi xin” ở thành phố 5 không
(Cadn.com.vn) - Có thể ví von một chút về Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Hiền như vậy, khi nhắc đến công việc và hành trình không mệt mỏi của bà trong cuộc vận động tài trợ cho những đứa trẻ mà bà coi như con.
Trong căn phòng làm việc bé nhỏ, bề bộn quà lưu niệm từ các nơi gửi về, bà Hiền dành tình cảm trìu mến, gần gũi cho những người lính nữ Trung tâm xử lý bom mìn và môi trường Quân khu 5 đến thăm. Câu chuyện của bà bắt đầu từ những ngày làm cô giáo ở Quế Sơn (Quảng Nam), cơ duyên gắn bó với công tác từ thiện ở Hội chữ thập đỏ Đà Nẵng, rồi Hội nạn nhân chất độc da cam... suốt 20 năm qua, khó có thể kể hết những đóng góp của bà cho cộng đồng, nhất là cho những phận trẻ thiệt thòi.
Nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn Đà Nẵng có đến 5.000 người, trong đó xấp xỉ 1.400 trẻ em. Bằng đôi chân dẻo dai và tiếng nói đầy thuyết phục, bà Hiền đi hết nơi này nơi kia tìm kiếm nguồn tài trợ. Con đường không phải lúc nào cũng thuận lợi mà lắm đỗi đắng cay. Có người thấy bà đã quay ngoắc đi. Có đơn vị chỉ hứa suông, gọi điện năm lần bảy lượt không hồi âm. Nhưng chính lòng tự trọng không cho phép bà đầu hàng, bà dấn thân đến cùng. Nhờ thế, bà đã cùng Hội vận động hơn 45 tỷ đồng hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân chất độc da cam, sửa chữa hàng trăm ngôi nhà, trợ giúp thường xuyên 900 nạn nhân; xây dựng 3 trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ em nghèo bất hạnh. Bà thuộc nằm lòng gần hết lai lịch của từng bệnh nhân. Có cháu mất tại gia đình mồng 1 Tết, bà loay hoay mấy ngày Tết với cháu. Nhắc đến đây bà lại rơm rớm nước mắt: “Không biết có phải nhờ cháu phù hộ hay không, mà năm nay xin đâu được đó, quý nhơn giúp đỡ rất nhiều”.
Bà Nguyễn Thị Hiền giới thiệu các nạn nhân chất độc da cam được Hội giúp đỡ. |
Bà kể, có lần tại một hội nghị của thành phố, đã gần 12 giờ trưa, mọi người đã chuẩn bị ra về, bà “liều lĩnh” lên diễn đàn để xin đất xây Trung tâm xông hơi, tẩy độc, phục hồi chức năng dành cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Bây giờ thì Trung tâm đã được khởi công với kinh phí xây dựng hơn 100.000 USD, như một phần thưởng cho những cố gắng không mệt mỏi cho người phụ nữ này. Hội phối hợp với các ngành, cơ quan tổ chức triển lãm “Da cam-lương tri- công lý” gây được tiếng vang lớn, tổ chức nhiều đêm giao lưu, ca nhạc “Mùa xuân cho em” đưa tiếng hát của các nạn nhân chất độc da cam đến với công chúng. Đến nay, Hội có hơn 1.700 hội viên, trong đó có 50 hội viên danh dự là người nước ngoài. Con số này sẽ nhiều hơn nữa bởi theo bà Hiền, tình yêu thương không có biên giới.
Khi được hỏi về chuyến đi mới đây làm rung chuyển lương tri nước Mỹ, bà Hiền vẫn chưa nguôi xúc động. 34 ngày với 2 cuộc biểu tình, 51 cuộc gặp gỡ tại các thành phố lớn của nước Mỹ đã là sự kiện của cả cuộc đời bà. Cô giáo trường quê ngày nào đã tự tin ra biển lớn, mạnh mẽ đấu tranh đòi công lý, thức tỉnh hàng triệu tấm lòng yêu hòa bình. Có ngày bà tiếp 5-6 đoàn khách, có hôm bà di chuyển hàng chục địa điểm trong thành phố, làm việc không kể sớm trưa. Ngỡ như công tác xã hội đã vắt kiệt sức của bà, nhưng bước chân vào nhà, bà là người mẹ đảm đang, dịu dàng của hai cô con gái nhỏ. Bà dành thời gian ít ỏi có thể để vào bếp làm cho các con bữa ăn ngon, lắng nghe con tíu tít chuyện trường, chuyện lớp. Bà tự hào về đồng nghiệp và cơ quan đã giúp bà đón đưa con cái, chăm sóc chúng khi bà vắng mặt. Đó chính là nguồn động viên để bà tiếp tục hành trình của mình.
Bằng sự đóng góp của các hội viên, đề xuất xin nguồn kinh phí của Ban lãnh đạo Trung tâm, vận động các cơ quan, đơn vị có mối quan hệ công tác, đến nay Hội phụ nữ cơ sở Trung tâm xử lý bom mìn và môi trường Quân khu 5 đã ủng hộ gần 30 triệu đồng giúp nạn nhân chất độc da cam, nhiều lần tham gia sinh hoạt giao lưu, tặng quà với các cháu ở cơ sở 3 Hòa Nhơn H. Hòa Vang. “Đó là nghĩa cử sẻ chia với các nạn nhân chất độc da cam và cũng do chúng tôi quá cảm phục tấm lòng vì trẻ thơ của bà Nguyễn Thị Hiền”, chị Trần Thị Thủy, hội viên bộc bạch như vậy.
Có doanh nghiệp đã nói như thế này, trong số hàng trăm người đến vận động tài trợ, người họ mà vừa “sợ” vừa quý nhất vẫn là “bà Hiền da cam”. Bà là một trong những quý nhơn "đi xin” công khai, được đón nhận và thừa nhận nhiệt tình ở thành phố “5 không” này.
Hồng Vân