Quy trình Quốc hội miễn nhiệm, bầu Thủ tướng và Chủ tịch nước diễn ra thế nào?
Theo Chương trình kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV (khai mạc ngày 24/3, bế mạc ngày 8/4), bắt đầu từ ngày 30/3, Quốc hội sẽ tiến hành công tác nhân sự. Đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (ảnh TTXVN).
Cũng trong buổi chiều ngày 30/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia thay bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Đến sáng ngày 31/3, Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau đó Chủ tịch Quốc hội mới được bầu sẽ tuyên thệ nhậm chức.
Đến 16 giờ 30 ngày 1/4, Chủ tịch nước trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Đến sáng ngày 2/4, sau khi thực hiện xong các quy trình, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Cũng trong buổi sáng ngày 2/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước. Đến buổi chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Như vậy, việc bỏ phiếu miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước được Quốc hội tiến hành trong cùng một ngày.
Nếu theo quy trình thông thường quá trình kiện toàn nhân sự với 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt (Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội) sẽ được thực hiện thứ tự: Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giới thiệu nhân sự để Quốc hội xem xét, bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội mới.
Tiếp theo, Chủ tịch Quốc hội sẽ thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước. Sau khi Chủ tịch nước được miễn nhiệm, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội sẽ đọc tờ trình giới thiệu nhân sự để Quốc hội xem xét, bầu giữ chức Chủ tịch nước.
Tiếp đến, Chủ tịch nước mới được bầu sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Thủ tướng được miễn nhiệm, Chủ tịch nước sẽ đọc tờ trình giới thiệu nhân sự để Quốc hội xem xét, bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ.
Nếu thực hiện kiện toàn nhân sự với 3 chức danh chủ chốt theo quy trình nêu trên sẽ xảy ra tình huống đặc biệt. Bởi đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ được giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Như vậy sau khi được bầu chức giữ chức Chủ tịch nước xong khi Quốc hội miễn nhiệm nhân sự Thủ tướng thì ông Nguyễn Xuân Phúc lại trình Quốc hội miễn nhiệm chính mình.
Chính vì thế, chương trình của kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV đã được sắp xếp để không có tình huống trên.
Trong buổi chiều ngày 2/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Đến sáng ngày 5/4 (ngày thứ hai), Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Sau khi công bố kết quả bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch nước mới được bầu sẽ tuyên thệ nhậm chức. Tiếp đó tân Chủ tịch nước sẽ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ. Đến chiều ngày 5/4, Quốc hội tiến hành bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ mới được bầu sẽ tuyên thệ nhậm chức.
Như vậy việc Quốc hội bầu Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ cũng diễn ra trong cùng một ngày.
Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ kiện toàn tổng cộng 25 chức danh lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Nhà nước.
Theo Dân Việt