Báo Công An Đà Nẵng

“Quyền” được hy vọng!

Thứ sáu, 25/03/2016 09:46

(Cadn.com.vn) - Mặc dù bàn đàm phán hòa bình cho Syria tại Genève, Thụy Sĩ, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ bước đột phá nào, thậm chí có nguy cơ tạm dừng, sự hợp tác ngày càng tăng giữa các bên trong vấn đề của quốc gia Trung Đông này, nhất là giữa hai ông lớn Nga và Mỹ vẫn khiến người ta có quyền hy vọng về một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh. Bất chấp lệnh trừng phạt và các cuộc khẩu chiến cay đắng giữa Washington và Moscow, những tiến bộ về Syria, đã chứng minh rằng, hai nước là đối tác không thể thiếu trong việc giải quyết các xung đột tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.

Trong động thái cho thấy sự sốt sắng của Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry ngày 23-3 (giờ địa phương) đã đến Moscow để thảo luận một nghị quyết về cuộc xung đột tại Syria và Ukraine với người đồng cấp Sergei Lavrov và cả Tổng thống Vladimir Putin. Đây là chuyến thăm Nga lần thứ ba của ông Kerry trong vòng chưa đầy một năm - và là chuyến đi đầu tiên kể từ khi Moscow quyết định rút quân ra khỏi Syria. Ngoài mục tiêu đạt một thỏa thuận với Điện Kremlin trong việc giải quyết cuộc xung đột kéo dài ở Syria, chuyến thăm của thủ lĩnh ngoại giao Mỹ cũng mang đến thông điệp rõ ràng: mong muốn một mối quan hệ thắt chặt hơn giữa hai cường quốc này trong vấn đề Syria và nhiều vấn đề khác.

Kể từ khi ông Putin tuyên bố rút quân khỏi Syria sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ, Mỹ tỏ ra quan tâm hơn trong việc thúc đẩy hợp tác với Nga để giải bài toán Syria. Nhiều người cho rằng, tất nhiên dù không bằng lòng, nhưng Nhà Trắng buộc phải làm việc với Điện Kremlin trong khung giải pháp Syria. Điều này có thể dẫn đến một kỷ nguyên mới của việc “tham gia chọn lọc” - nơi đối thoại mang tính xây dựng được áp dụng đối với các vấn đề mà hai bên có thể hợp tác cùng nhau, trong khi những chỉ trích gay gắt về các vấn đề khác vẫn không suy giảm.

Tất nhiên, có thể thấy rõ, vấn đề then chốt cho cuộc thảo luận tại Moscow lần này là Syria, nơi mà sự can thiệp kéo dài 6 tháng của Nga dường như đã làm thay đổi cục diện quân sự và thiết lập một con đường ngoại giao bước ngoặt. Và tất nhiên, ông Kerry có thể mang nhiều tham vọng hơn thế. Có thể, mục đích quan trọng nhất của Ngoại trưởng Mỹ là tìm cách thăm dò liệu Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin có sẵn sàng thảo luận về cách thức để hạn chế quyền lực của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad hay không.

Tuy nhiên, đây là con đường khá chông gai đối với ông Kerry bởi chính nó đã gây chia rẽ sâu sắc hai nước. Nhà Trắng xem động thái liên quan đến tương lai của Tổng thống Assad là yếu tố then chốt để tạo đà cho cuộc hòa đàm do LHQ bảo trợ tại Genève trong khi Điện Kremlin khẳng định, chỉ có người dân Syria mới có thể quyết định số phận của ông Assad. Hy vọng, chuyến thăm của ông Kerry sẽ dẫn đến một sự hòa giải rộng lớn hơn, từ đó đi đến một giải pháp cho Syria.

Bước đi tiếp theo trong vấn đề Syria sẽ liên quan đến việc thiết lập quy trình chính trị để kéo tất cả các lực lượng đối lập Syria ngồi vào bàn đàm phán với chính phủ Tổng thống Assad. Và đó cũng là nhiệm vụ được đặt lên vai Nga và Mỹ.

Thanh Văn