Báo Công An Đà Nẵng

Quyền được yêu và quyền được nói

Thứ bảy, 28/11/2015 10:05

(Cadn.com.vn) - Trận bán kết giữa U21 Báo Thanh niên Việt Nam và U21 HAGL tại giải U21 quốc tế 2015 trên sân Thống Nhất thật đong đầy cảm xúc. Đó là một trận đấu chất lượng, đẹp và cống hiến của những cầu thủ trẻ chất lượng bậc nhất bóng đá nước nhà hiện nay. Xem xong trận đấu, chắc hẳn nhiều người cảm thấy vui và kỳ vọng tương lai bóng đá Việt Nam sẽ được cậy nhờ vào lứa cầu thủ này. Thế nhưng, những câu chuyện bên lề  trận đấu thật đáng ngẫm.

1. Xem trận đấu, khán giả truyền hình đều có thể nhận thấy khán giả trên sân Thống Nhất phần đông cổ vũ cho các cầu thủ U21 HAGL, mặc dù ai cũng biết các cầu thủ U21 Báo Thanh niên Việt Nam đang khoác lên mình màu cờ sắc áo Tổ quốc.

Có thể cảm nhận rất rõ các khán đài sân Thống Nhất như nổ tung khi Công Phượng mở tỷ số rồi gỡ hòa 2-2 cho U21 HAGL. Trong khi đó, Xuân Mạnh và Lâm Ti Phông ghi bàn cho U21 Báo Thanh niên Việt Nam thì các khán đài như câm lặng. Rõ ràng, có một sự thiên vị không hề nhẹ của phần đông khán giả ở Thống Nhất. Chưa hết, sau trận đấu, một số cầu thủ của U21 Báo Thanh niên Việt Nam ngậm ngùi chia sẻ rằng họ buồn vì thua trận thì ít mà do khán giả mới nhiều. Họ bảo đá trên sân Thống Nhất mà cảm giác như ở Thái Lan, Myanmar, vì bị nhiều khán giả chửi thậm tệ mỗi khi họ nằm sân vì chấn thương...

  Yêu đội bóng nào và cổ vũ cho ai là quyền của khán giả. Cũng không quá khó hiểu vì sao các cầu thủ U21 HAGL được cổ vũ nhiều đến thế. Đó là vì họ sở hữu lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... từng làm nên thương hiệu U19 Việt Nam một thời.

Chúng ta không có quyền phê phán hay buộc khán giả phải cổ vũ công tâm, đừng chia rẽ trên khán đài. Nhưng thiết nghĩ, các cầu thủ U21 Báo Thanh niên Việt Nam cũng là những tài năng của bóng đá nước nhà, họ cũng đá rất hay và tử tế nên cũng xứng đáng được khán giả đối xử công bằng, nhất là khi họ đại diện cho đội tuyển. Càng đáng nói, cách đây 1 năm tại Cần Thơ, cũng ở trận bán kết của giải U21 quốc tế, khán giả đã thiên vị U19 HAGL khiến các cầu thủ U21 Báo Thanh niên Việt Nam rất tủi thân.

Thực sự cảm thấy chạnh lòng và sẻ chia với nỗi buồn của các cầu thủ U21 Báo Thanh niên Việt Nam. 

HLV Quốc Tuấn (phải) đã có những phát biểu dìm hàng đồng nghiệp Minh Đức. Ảnh: Đ.V

2. Câu chuyện đáng ngẫm, đáng buồn nữa bên lề trận đấu này là màn "đấu khẩu" (qua giới truyền thông) của HLV Nguyễn Quốc Tuấn (U21 HAGL) và Phạm Minh Đức (U21 Báo Thanh niên Việt Nam).

Có lẽ việc HLV Phạm Minh Đức "nổ" rằng các học trò của mình không có điểm yếu trước trận bán kết chính là nguyên nhân khiến ông bị đồng nghiệp Nguyễn Quốc Tuấn "dìm hàng" sau đó. Cụ thể, ông Tuấn "đá đểu" rằng: "Nếu U21 Báo Thanh niên Việt Nam được dẫn dắt bởi một nhà cầm quân khác thì có thể đã vào đến trận chung kết...". Tệ hơn, ông Tuấn còn chê đồng nghiệp: "Tôi không lạ gì Phạm Minh Đức, thậm chí chúng tôi từng là đồng đội. Bản chất như vậy thật khó để cầu thủ của mình chơi phóng khoáng. Hồi còn thi đấu cùng nhau, anh ấy chỉ dẫn bóng đến giữa sân rồi chuyền về vì vậy mà CLB (HAGL) đã không giữ cậu ấy lại làm gì".

HLV Phạm Minh Đức đã lập tức phản pháo: "... Nói thật khi còn là cầu thủ, anh Tuấn không có cửa so với tôi, nếu cần cứ hỏi anh ba Đức xem tại sao mua tôi về... Anh Tuấn nói vậy là cố tình châm chọc tôi...".

Ông Tuấn và đồng nghiệp đều có quyền được nói, được phát ngôn với báo chí. Thế nhưng, phát ngôn theo kiểu châm chọc, dìm hàng nhau trên mặt báo là chẳng hay ho chút nào. Thử hỏi các cầu thủ nghĩ gì về HLV của mình? Giới HLV nghĩ gì về đồng nghiệp của mình? Người hâm mộ nghĩ gì và liệu có sự tôn trọng, niềm tin vào hai vị HLV này?

Đặt giả thiết, hai HLV này có cơ hội dẫn dắt các đội tuyển trẻ QG thì tình trạng quân anh, quân tôi làm sao tránh khỏi. Khi đó, cầu thủ làm sao có được cơ hội tốt để thể hiện, phát triển?

Khánh Hòa