Báo Công An Đà Nẵng

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng bộ xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng (22-2-1942 – 22-2-2022):

Quyện hòa “ý Đảng, lòng dân”

Thứ hai, 21/02/2022 18:03

Theo sử liệu, chi bộ Bánh Tổ Chiên được thành lập vào ngày 22-2-1942 tại khu vực Bến Suối là tiền thân của Đảng bộ xã Hòa Phong ngày nay. Đây là tổ chức đảng ra đời sớm nhất ở vùng nông thôn Hòa Vang. Ngày đầu thành lập, chi bộ chỉ có 3 đảng viên do đồng chí Lê Kỉnh làm Bí thư. Hoạt động ngay giữa sào huyệt của địch, chi bộ ngày càng được củng cố và mở rộng cả về tổ chức, chất lượng và số lượng, đủ sức lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống áp bức, bóc lột, đòi quyền dân sinh, dân chủ mà đỉnh cao là kêu gọi toàn dân Tổng An Phước khởi nghĩa, cướp chính quyền thành công từ ngày 16-8-1945 cùng với các phong trào “Truyền bá quốc ngữ”, “Đời sống mới”...

 Lãnh đạo xã Hòa Phong qua các thời kỳ dâng hương tại di tích Bến Suối (nơi thành lập chi bộ Bánh Tổ Chiên).

Sau cách mạng tháng Tám, chi bộ tiếp tục lãnh đạo nhân dân đóng góp sức người, sức của, tham gia kháng chiến, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong những năm tháng anh hùng đó, Hòa Phong được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; ghi công 540 liệt sĩ, 140 Mẹ VNAH, hơn 2.000 thương bệnh binh, người có công cách mạng. Nhiều năm liên tục được công nhận “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh”, chính quyền vững mạnh toàn diện. Đến nay, địa phương đã trải qua 14 lần đại hội Đảng bộ với 525 đảng viên, sinh hoạt ở 21 chi bộ trực thuộc.

Trở lại Hòa Phong trong những ngày này, mỗi câu chuyện kể của những người từng tham gia kháng chiến, những con người sinh ra, lớn lên trên mảnh đất anh hùng, niềm tự hào về lịch sử đấu tranh đều pha lẫn niềm vui khi quê hương đổi mới. Để có được diện mạo như hôm nay là cả một câu chuyện dài, không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Song, cốt lõi vẫn là làm thế nào để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nông nghiệp phát triển bền vững, bộ mặt nông thôn đổi mới, văn minh mà vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống… Và, một trong những nguyên nhân quan trọng đó là các chủ trương của Đảng bộ xã đều sát với thực tế đời sống nên đã tạo được sự đồng thuận rất cao, tạo nên “dòng chảy” có sức lan tỏa rộng trong nhân dân. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương là một minh chứng điển hình. Một khi đã “thông” thì người dân tích cực hưởng ứng bằng chính những hành động thiết thực của mình, như tự nguyện đóng góp kinh phí, hiến đất theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để mở rộng 104km đường giao thông nông thôn, 5,3km giao thông nội đồng; xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, dân sinh; kéo điện thắp sáng đường quê, thực hiện hiệu quả các tiêu chí “Xã nông thôn mới nâng cao”. Thu nhập bình quần đầu người từ 14,3 triệu đồng/năm 2011 tăng 55,45 triệu đồng/năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,2%...

Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phong (giai đoạn 1985-1991) Đặng Thị Túy Phong trải lòng, hiện rõ trong tâm thế và đời sống tâm lý của người dân địa phương là niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quyện hòa “ý Đảng, lòng dân”. Đó là chủ trương áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng giá trị sản phẩm đã tạo nên “làn gió mới” trong nông nghiệp, góp phần tạo thêm thu nhập, cải thiện đời sống và hơn thế nữa là tạo nên diện mạo mới ở nhiều vùng nông thôn. Vì vậy, nhân dân rất kỳ vọng vào đội ngũ lãnh đạo xã hiện nay, với tư duy đột phá chắc chắn sẽ có những quyết sách đúng đắn hơn nữa. Địa phương cũng cần xác định các khu vực tiếp tục đầu tư hạ tầng đô thị để thu hút phát triển thương mại - dịch vụ; đồng thời xác định vùng để tiếp tục giữ lại bản sắc và phát triển không gian văn hóa làng quê với điểm nhấn là các di tích, làng cổ, làng nghề, lễ hội truyền thống, các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp với du lịch.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phong Nguyễn Thanh Quảng, phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương luôn chung sức, chung lòng, chú trọng công tác xây dựng Đảng, gắn với phát triển kinh tế - xã hội nhằm từng bước làm thay đổi diện mạo quê hương. Bên cạnh việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, Đảng ủy xã còn luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; trong đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên được đặt lên hàng đầu. Đảng bộ chỉ đạo các chi bộ thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giữ vững vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới... “80 năm qua, Đảng bộ Hòa Phong luôn khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo các phong trào thi đua yêu nước. Ở thời kỳ nào, trong giai đoạn lịch sử nào, Đảng bộ, chính quyền địa phương cũng luôn đoàn kết, quy tụ lòng dân chung sức đồng lòng xây dựng, phát triển quê hương. Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, mỗi người dân xích lại gần nhau hơn, chia sẻ những khó khăn để mọi nhà được đón Tết đầm ấm, không bỏ ai lại phía sau. Nối tiếp những thành công, hòa vào niềm vui đất trời, Đảng bộ xã tiếp tục vững tay chèo lái “con thuyền” vượt qua mọi khó khăn để vươn đến tầm cao mới, vì mục tiêu xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”, ông Nguyễn Thanh Quảng cho biết thêm.

VY HẬU