Quyền hưởng dụng tài sản theo di chúc
* Bạn đọc hỏi: ông Nguyễn Đức Cảnh, trú Q.Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), hỏi: Tôi có căn nhà và có 2 người con (1 trai và 1 gái) đã lập gia đình. Tôi đang sống với vợ chồng con trai và nay muốn lập di chúc để lại toàn bộ căn nhà đó cho con trai được quyền sử dụng trong suốt cuộc đời mà không được quyền bán, chuyển nhượng. Tôi làm như vậy vì muốn tài sản (TS) này sẽ để lại cho cháu nội và cũng vì sợ rằng nếu con trai tôi bán căn nhà đi thì sẽ không còn chỗ thờ tự ông bà. Tôi muốn hỏi việc lập di chúc như vậy có phù hợp với pháp luật hay không?
* Thạc sĩ, Luật sư Lê Ngô Hoài Phong - Trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, trả lời: Để trả lời câu hỏi của ông Cảnh, trước tiên, chúng ta cần hiểu rõ bản chất của di chúc (DC) và thừa kế. Khi một người chết, TS của người đó sẽ chuyển sang cho người thừa kế theo DC hoặc theo pháp luật. Như vậy, nếu nội dung DC không thể hiện rõ ai có quyền sở hữu khối TS mà người chết để lại thì nội dung này có thể không được công nhận dưới góc độ pháp lý và việc xác định quyền thừa kế sẽ thực hiện theo pháp luật mà không theo nội dung DC.
Xét nội dung DC mà ông Cảnh muốn lập, ông chỉ cho quyền sử dụng chứ không để thừa kế TS đó cho người con trai. Do vậy, nội dung DC này sẽ không đáp ứng được mong muốn của ông, chưa xác định ai là người thừa kế TS. Thậm chí, với nội dung DC này, ông có thể tạo mầm mống cho sự tranh chấp của các con ông về sau. Theo tôi, ông có thể lập DC theo hình thức khác để đạt được mong muốn của mình. Một trong những hình thức đó là để lại toàn bộ TS đó cho cháu nội và người con trai được quyền hưởng dụng TS đó trong suốt cuộc đời. Theo quy định của pháp luật, quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với TS thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định; quyền hưởng dụng được xác lập theo quy định của pháp luật, theo thỏa thuận hoặc theo DC; thời hạn của quyền hưởng dụng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên nếu người hưởng dụng là cá nhân. Đối với chủ sở hữu TS, pháp luật quy định về quyền và nghĩa vụ như sau: định đoạt TS nhưng không được làm thay đổi quyền hưởng dụng đã được xác lập; yêu cầu tòa án truất quyền hưởng dụng trong trường hợp người hưởng dụng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình; không được cản trở, thực hiện hành vi khác gây khó khăn hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng dụng; thực hiện nghĩa vụ sửa chữa TS để bảo đảm không bị suy giảm đáng kể dẫn tới TS không thể sử dụng được hoặc mất toàn bộ công dụng, giá trị của TS.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456; 0905102425