Báo Công An Đà Nẵng

Quyền lực mềm của Ấn Độ

Thứ hai, 01/06/2015 12:09

(Cadn.com.vn) - Quốc gia Nam Á đông dân này có rất nhiều lợi thế, nhưng họ vẫn sẽ cần một cách tiếp cận chiến lược hơn để khai thác những giá trị tiềm ẩn chưa được phát huy.

Ngày 21-6 tới, cả thế giới sẽ tập trung chú ý vào sự kiện Ngày Quốc tế Yoga lần đầu tiên. Một nghị quyết của LHQ đã đi đến quyết định cho ra đời ngày kỷ niệm này vào năm ngoái theo đề xuất của Ấn Độ và được 170 quốc gia ủng hộ, một con số lớn chưa từng có. Giới quan sát cho rằng, điều này phản ánh sự phổ biến rộng rãi của yoga trên toàn thế giới, nhấn mạnh sự phong phú của bộ môn này như là một nguồn tài nguyên quyền lực mềm.

Rõ ràng, New Delhi đang dần chú trọng vào các "nguồn năng lượng mềm" dồi dào để giành thế chủ trọng hơn trong các cuộc đụng độ ngoại giao ở nước ngoài, đặc biệt là với nước láng giềng lớn mạnh Trung Quốc. Yoga cũng là một trong những chủ đề ưu tiên được thảo luận trong chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Trung Quốc, Mông Cổ, và Hàn Quốc.

Nhưng quyền lực mềm là gì và tại sao các nước đang tìm cách tận dụng nó trong các chính sách ngoại giao? Theo nhà khoa học chính trị Harvard, người đặt ra thuật ngữ này - quyền lực mềm - là khả năng một quốc gia thuyết phục người khác làm những gì họ muốn mà không ép buộc hay sử dụng vũ lực. Quyền lực mềm, theo ông, nằm trong sự hấp dẫn của một quốc gia và đến từ 3 nguồn: văn hóa - giá trị chính trị - và chính sách đối ngoại. Dù mang lại kết quả chậm hơn, quyền lực mềm là phương tiện ít tốn kém hơn so với việc dùng lực lượng quân đội hay kinh tế.

Ấn Độ tự hào có hàng loạt nguồn lực sức mạnh mềm phong phú và  tuyệt vời. Thuyết tâm linh, yoga, điện ảnh Bollywood, các phim truyền hình nhiều tập, các món ăn... của nước này đã thu hút tất cả mọi người trên toàn thế giới. Nhà phân tích chính sách đối ngoại của Ấn Độ Raja Mohan nhận định, New Delhi nắm giữ "quân bài mạnh mẽ trong lĩnh vực của sức mạnh mềm" để tiếp tục các mục tiêu chính sách đối ngoại.

Và trên thực tế, chỉ trong thập kỷ qua, quốc gia Nam Á này bắt đầu chơi quân bài quyền lực mềm có hệ thống hơn. Bên cạnh việc thiết lập một bộ phận ngoại giao công trong Bộ Ngoại giao vào năm 2006 và mở rộng Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ (ICCR) trên toàn thế giới, New Delhi mở rộng vai trò của Bộ Du lịch, nơi đứng đằng sau những chiến dịch "Không thể tin được của Ấn Độ".

Những "diễn viên chính phủ" này đang nỗ lực làm việc để tận dụng sức mạnh mềm của Ấn Độ, chẳng hạn như Chính sách hướng Đông, các chính sách "Kết nối Trung Á"... Và thật sự, quyền lực mềm của Ấn Độ đang dần dần phát huy tính hiệu quả hiếm có.

Thanh Văn