Báo Công An Đà Nẵng

Quyết định khó khăn của Thủ tướng

Thứ năm, 16/04/2020 07:43

Chiều 15-4, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các bộ, ngành, địa phương dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị 16 và thảo luận các biện pháp thực hiện cách ly xã hội trong giai đoạn tiếp theo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho rằng đây là quyết định khó khăn, hiện trong dư luận có một số ý kiến về việc tiếp tục kéo dài thực hiện cách ly xã hội trong một thời gian nữa và cũng có ý kiến mong chờ “tháo ngòi” Chỉ thị 16 để tiếp tục làm ăn.

3 nhóm nguy cơ

Cho biết đã lắng nghe thông tin đại chúng và ý kiến của nhóm chuyên gia, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về thời điểm và cách thức để đưa các hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân trở lại bình thường vào “lúc nào, hoạt động thế nào” và việc phân loại 3 nhóm địa phương, bắt buộc đối với địa phương nào phải cách ly nghiêm ngặt, những ngành lĩnh vực nào sẽ được mở cửa, được làm với điều kiện gì.

Nhấn mạnh việc đưa ra chủ trương, biện pháp, lộ trình, Thủ tướng cho rằng, sự bình tĩnh, chặt chẽ là hết sức quan trọng lúc này. Không được sai lầm để dịch bệnh quay lại nước ta. Mọi ý kiến đều phải tính toán, cân nhắc.

Sau khi lắng nghe ý kiến Thường trực Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh tại các địa phương trên cơ sở các phân tích dịch tễ học, khả năng ứng phó với dịch bệnh… Do đó, Thủ tướng đồng ý chia làm 3 nhóm tỉnh có nguy cơ cao, có nguy cơ và có nguy cơ thấp; thống nhất nhóm này không phải là bất biến và sẽ được xem xét, đánh giá lại.

Nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình (Trường Yên), Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Tĩnh. Các địa phương này sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22-4 hoặc 30-4 tùy tình hình cụ thể và có thể kéo dài hơn nữa nếu tình trạng có lây nhiễm xảy ra.

Các tỉnh thuộc nhóm nguy cơ: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước và Đồng Tháp cần có lộ trình thực hiện Chỉ thị 16 và thực hiện nghiêm Chỉ thị 15 căn cứ tình hình thực tiễn đến ngày 22-4.

Nhóm nguy cơ thấp gồm các   địa phương còn lại tuy có nguy cơ thấp nhưng khả năng lây nhiễm còn rất cao do đó cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Mong người dân tiếp tục ủng hộ Chính phủ

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cảm ơn toàn dân đã khắc phục khó khăn, ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thủ tướng đánh giá, trên góc độ chung, toàn xã hội đã thực hiện tốt, triển khai quyết liệt Chỉ thị 16, đạt kết quả tốt, đáng mừng. Do đó, việc khoanh ổ dịch, việc chữa trị có tiến triển tốt. Việt Nam chưa có người tử vong vì Covid-19 cho đến thời điểm này. Đây là điều rất đáng tự hào cần tổng kết, báo cáo.

“Chỉ có chế độ ta, Đảng và nhân dân chúng ta mới làm được những điều như vậy”, Thủ tướng nói đồng thời biểu dương những tấm lòng nhân ái đã giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Thủ tướng mong muốn người dân tiếp tục ủng hộ Chính phủ, tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Khẳng định Việt Nam đã đạt được những thành tích trong phòng, chống Covid-19, song Thủ tướng cũng chỉ rõ vẫn tiềm ẩn những nguy cơ lây nhiễm trong xã hội; trở thành những ổ dịch mới làm bùng phát dịch. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được lơi lỏng, chủ quan, không được phép lơ là, mất cảnh giác; quán triệt tinh thần chống dịch như chống giặc, tiếp tục giãn cách xã hội; thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Đã lấy 11.847 mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ở thôn Hạ Lôi

Liên quan đến ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội, đã ghi nhận 13 trường hợp mắc Covid-19. Các cơ quan y tế đã lấy 11.847 mẫu xét nghiệm, thực hiện xét nghiệm 8.010 mẫu; đối với 581 trường hợp tiếp xúc gần (F1), đã thực hiện xét nghiệm 466 người, kết quả xét nghiệm có 462 trường hợp âm tính với SARS-CoV-2 và 4 trường hợp dương tính; thực hiện rà soát 700 đối tượng đến Chợ hoa Mê Linh.

Đối với trường hợp bệnh nhân làm việc tại Công ty Samsung, Bắc Ninh, các cơ quan đã đã tiến hành rà soát 177 trường hợp tiếp xúc gần (F1) và 525 trường hợp F2; tiến hành cách ly 109 người tại khu tập trung, 63 người cách ly tại nhà; lấy 93 mẫu xét nghiệm, hiện đang chờ kết quả.

Trường hợp mắc mới có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, qua điều tra dịch tễ, bệnh nhân có đến thăm người nhà tại Khoa Phục hồi Chức năng ngày 10-3-2020; đã cách ly tại nhà từ ngày 30-3; lấy mẫu xét nghiệm ngày 12-4-2020 và có kết quả xét nghiệm xác định dương tính với virus SARS-COV-2 ngày 14-4-2020.

Từ 1 đến 14-4, Việt Nam ghi nhận thêm 59 trường hợp mắc mới (chỉ bằng 40% so với 2 tuần trước đó), trong đó có 30 trường hợp tại khu cách ly và 29 trường hợp tại cộng đồng (chiếm gần 50% tổng số mắc); trong 14 ngày vừa qua kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cách ly xã hội, 3 ngày đầu tiên (1 đến 3-4) ghi nhận 30 trường hợp mắc mới, sau đó số mắc mới chỉ từ 1-5 ca mỗi ngày.

QUỲNH NHƯ – TTXVN

Gần 1.600 tỷ đồng ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 15-4, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đại diện tiếp nhận ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đến thời điểm này, số tiền, hiện vật ủng hộ và đăng ký ủng hộ tại Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã lên tới trên 850 tỷ đồng; tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 63 tỉnh, thành phố đạt hơn 719 tỷ đồng. Trong đó, số tiền nhắn tin qua Cổng Thông tin nhân đạo quốc gia đầu số 1407 đạt trên 143 tỷ đồng. Để tiếp thêm nguồn lực, niềm tin cho các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, ông Trần Thanh Mẫn khẳng định, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ công khai, minh bạch và kịp thời phân bổ số tiền, hiện vật được ủng hộ tới đúng đối tượng, địa chỉ, chung tay cùng Đảng, Nhà nước đẩy lùi đại dịch.

P.V

--------

ĐÀ NẴNG CHO PHÉP CƠ SỞ KINH DOANH ĂN UỐNG ĐƯỢC BÁN TRỰC TUYẾN VÀ MANG VỀ

Tối 15-4, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ký Công văn số 2494/UBND-VHXH về việc tiếp tục triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19.

Theo Công văn, ngày 15-4, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có một số chỉ đạo quan trọng về công tác phòng, chống dịch; trong đó xếp TP Đà Nẵng vào nhóm địa phương có nguy cơ cao. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các Sở, ban ngành, UBND các quận, huyện tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo liên quan của Thành ủy, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 thành phố đã được triển khai trong thời gian qua với tinh thần không chủ quan, buông lỏng, không để dịch bùng phát trên địa bàn thành phố, kịp thời báo cáo, đề xuất xử lý ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đồng thời, UBND TP Đà Nẵng cũng cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống được hoạt động trở lại từ 0 giờ ngày 16-4-2020 theo hình thức bán trực tuyến (bán online) và bán mang về, tuyệt đối không phục vụ tại chỗ.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh, người vận chuyển thức ăn, người dân đến mua thức ăn mang về phải tuân thủ, bảo đảm tuyệt đối các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn phòng, chống dịch, đặc biệt là về giãn cách xã hội, vệ sinh phòng dịch tại nơi bán và trong quá trình vận chuyển, đảm bảo cự ly theo quy định và tuyệt đối phải đeo khẩu trang; đóng cửa đối với các cơ sở không thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch và giãn cách xã hội. Sở Công Thương yêu cầu các đơn vị vận chuyển hàng (NOW, Grab…) thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch.

LÊ HÙNG