Quyết liệt đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trộm cắp, móc túi tại sự kiện, lễ hội
ăm nay, khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi hơn, người dân đến du lịch và tận hưởng các sự kiện, lễ hội tại thành phố biển Đà Nẵng cũng có dấu hiệu tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, DIFF 2024 diễn ra thu hút hàng trăm ngàn du khách cả trong và ngoài nước đến trải nghiệm, khám phá. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mà các loại tội phạm thường lợi dụng yếu tố đông người và sơ hở, lơ là mất cảnh giác của người dân để thực hiện hành vi phạm tội.
Đối với loại tội phạm trộm cắp, móc túi, cướp giật…, ngay từ trước khi diễn ra lễ hội, Công an TP Đà Nẵng đã phối hợp Công an các tỉnh, thành phố lên danh sách, sàng lọc và in bản ảnh các đối tượng hình sự, trộm cắp, móc túi có khả năng hoạt động tại lễ hội. Đồng thời Công an TP cũng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, theo dõi, giám sát di biến động của các đối tượng trong diện nghi vấn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật.
Thực tế là tội phạm thì luôn tìm mọi phương thức, thủ đoạn để hoạt động. Thủ đoạn của các đối tượng là thường đi theo nhóm, phân chia nhiệm vụ rõ ràng rồi trà trộn vào đám đông, giả làm người đến tham gia lễ hội, có khi dẫn theo cả trẻ em và người già để làm "bình phong", sau đó chen lấn, xô đẩy và thực hiện giật dây chuyền, túi xách, điện thoại rồi nhanh tay tẩu tán cho đồng bọn…
Có thể thấy, việc đảm bảo tốt an ninh, trật tự trong thời gian diễn ra DIFF là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vì vậy lực lượng Công an TP chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa. Là người trực tiếp chỉ đạo công tác đấu tranh với tội phạm trong lễ hội, Đại tá Nguyễn Văn Tăng- Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng đã chỉ đạo kết hợp tổ chức lực lượng cả công khai và bí mật, phân chia theo từng mét vuông và cùng hòa vào dòng người đi xem pháo hoa để thời phát hiện, "bóc gỡ" đối tượng có biểu hiện phạm tội.
Theo báo cáo, trong đêm thi đầu tiên, có người dân đã báo tin mất tài sản tại khu vực người dân tập trung đông người xem pháo hoa như cầu sông Hàn, cầu Rồng, Chợ đêm Sơn Trà, Công viên Biển Đông, sự kiện bên lề của lễ hội. Với trách nhiệm của mình, lực lượng Công an đã tổ chức xác minh, truy tìm các đối tượng liên quan. Tuy nhiên, qua xác minh thì đa phần là người dân để quên tài sản tại nơi lưu trú nhưng nghĩ là bị mất nên báo cơ quan Công an.
Trung tá Trần Văn Tín - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng thông tin, qua các vụ việc, Phòng Cảnh sát hình sự đã rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế trong đêm khai mạc, tổ chức rà soát, khảo sát kỹ lưỡng các tuyến, khu vực tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng lợi dụng để hoạt động phạm tội; bố trí lực lượng phù hợp, kịp thời nắm thông tin, tổ chức truy vết, ngăn chặn, xử lý tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là trộm cắp, móc túi tại các khu vực tập trung đông người.
Trong những đêm thi sau, Công an các quận, huyện như Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và Hòa Vang sẽ tăng cường cho Công an TP để triển khai phương án phòng chống tội phạm, làm nhiệm vụ hóa trang, mật phục. Đồng thời triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ khác để đấu tranh với các loại tội phạm, tăng cường hoạt động của lực lượng tuần tra 911, 8394 ở vòng ngoài.
Với quyết tâm bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân dân và du khách thập phương đến tham gia du lịch, trải nghiệm các hoạt động văn hóa, thể thao trong Lễ hội pháo hoa quốc tế 2024, Công an TP Đà Nẵng đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai phương án bảo đảm an ninh, trật tự đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật và cảnh báo những phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng trong các lễ hội để người dân nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức cảnh giác bảo vệ người và tài sản.
Để một mùa lễ nữa diễn ra an toàn, lành mạnh, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng, mỗi người dân cần có ý thức cảnh giác không chủ quan, lơ là trong bảo vệ tài sản cá nhân mình. Khi bị mất trộm tài sản hoặc phát hiện các vụ việc vi phạm cần báo ngay cho lực lượng làm nhiệm vụ để tổ chức điều tra, bắt giữ kịp thời.
M.V