Báo Công An Đà Nẵng

Quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật

Thứ ba, 08/06/2021 18:43

Thời gian gần đây, bệnh dại trên động vật diễn biến rất phức tạp ở một số địa phương của Quảng Nam. Qua đó đã xảy ra chó mắc bệnh dại lâm sàng lên cơn cắn gà, cắn chó của các hộ dân trong khu vực và cắn một số người. Đặc biệt, có trường hợp chó dại cắn bò khiến bò cũng phát bệnh dại và chết sau đó. Đây được xem là trường hợp rất hy hữu. Trước thực trạng trên, ngày 7-6, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Chỉ thị về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật.

Tiêu hủy bò bị chó bệnh dại cắn tại xã Bình Lâm.

Diễn biến phức tạp

Ông Lê Văn Tới (trú thôn An Phố, xã Bình Lâm, H. Hiệp Đức, Quảng Nam) vẫn chưa hết bàng hoàng về việc chó dại xông vào chuồng cắn bò của nhà mình. “Không biết con chó đó từ đâu chạy đến, nó xông vào chuồng cắn tứ tung 2 con bò đang nhốt. Sau đó nó tiếp tục chạy quanh xóm cắn thêm một người dân cùng một số con chó khác. Thấy vậy người dân đã huy động lực lượng bao vây đập chết con chó trên. Về trường hợp hai con bò bị chó cắn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cùng chính quyền địa phương đã đến lấy mẫu đưa đi xét nghiệm, kết quả dương tính với virus dại. Sau đó lực lượng chức năng đã lập biên bản tiêu hủy hai con bò, đồng thời phun thuốc toàn bộ khu vực để phòng, chống dịch”- ông Tới thông tin.

Ông Nguyễn Hữu Sơn – Chủ tịch UBND xã Bình Lâm thông tin thêm, đây không phải lần đầu tiên địa phương ghi nhận trường hợp virus dại xuất hiện trên bò. Trước đó năm 2017, một con bò bị chó  dại cắn, sau đó lấy mẫu bò đi xét nghiệm kết quả dương tính với bệnh dại. “Từ đầu năm đến nay, ở địa phương ghi nhận 3 con chó bị bệnh dại, tất cả đã bị người dân đập chết. Cái khó hiện nay là lâu nay chó, mèo người dân hay thả rông nên khó khăn để bắt giữ và tiêm phòng bệnh dại. Sắp tới, ngoài tăng cường biện pháp tiêm phòng bệnh dại trên chó, mèo thì địa phương cũng thành lập các tổ chuyên đi bắt chó mèo thả rông, chó mèo hoang. Trong trường hợp đã tiêm phòng bệnh dại rồi mà chó mèo vẫn còn thả rông ngoài đường thì tổ công tác tiến hành bắt, tiêu hủy luôn”- ông Sơn chia sẻ.

Cũng trong tháng 5 vừa qua, tại TT Thạnh Mỹ (H. Nam Giang) xuất hiện chó dại cắn chính chủ nhà, hậu quả khiến 3 người trong gia đình bị thương. Sau khi cắn chủ vài ngày thì con chó trên chết do bị bệnh dại. Ngoài 3 người bị chó cắn trực tiếp thì 2 người khác trong gia đình cũng phải đi tiêm vaccine phòng, chống dại. Trước tình hình trên, UBND H. Nam Giang đã quyết định công bố bệnh dại động vật (chó) trên địa bàn TT Thạnh Mỹ. Theo quyết định trên, trong thời gian có bệnh dại, UBND H. Nam Giang cấm các hoạt động nuôi thả rông chó, phải nuôi nhốt, cách ly đàn chó có biểu hiện khác thường trên địa bàn TT Thạnh Mỹ. Phòng NN&PTNT phối hợp Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện và UBND TT Thạnh Mỹ tập trung cán bộ, phương tiện, vật tư, hóa chất... để dập tắt bệnh dại. Đối với các địa phương chưa có bệnh dại, UBND huyện yêu cầu chủ động và tăng cường công tác phòng bệnh, giám sát chặt chẽ để xử lý kịp thời khi xuất hiện bệnh dại...

Tăng cường các giải pháp phòng, chống

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam, từ tháng 2-2021 đến nay, tại xã Thăng Phước (H. Hiệp Đức) đã xảy việc ra chó mắc bệnh dại lâm sàng lên cơn cắn gà, cắn chó của các hộ dân trong khu vực và cắn một số người; trong tháng 5-2021, qua giám sát đã phát hiện 1 con chó (tại TT. Thạnh Mỹ, H. Nam Giang), 2 con bò (tại xã Bình Lâm, H. Hiệp Đức) mắc bệnh dại. Tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo nuôi đến hết tháng 5-2021 đạt rất thấp. Thống kê tiêm vaccine phòng bệnh dại của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 4 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 1.556 người đến các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để điều trị dự phòng bệnh dại.

Trước tình hình đó, ngày 7-6, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật. Tại Chỉ thị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu: Đối với các địa phương có ổ dịch dại động vật khẩn trương công bố dịch theo quy định của pháp luật Thú y, tập trung mọi lực lượng, áp dụng đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch để khống chế ổ dịch. Khẩn trương chỉ đạo rà soát, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh dại động vật giai đoạn 2017-2021 tại địa phương trong năm 2021. Chỉ đạo UBND cấp xã đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng bệnh dại động vật đảm bảo đúng thời gian, đạt tỷ lệ theo kế hoạch của UBND tỉnh. Thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, để đảm bảo miễn dịch quần thể đàn chó, mèo nuôi.

Chỉ thị cũng yêu cầu hộ nuôi chó, mèo, cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó, mèo nuôi, tiêm vaccine dại cho chó, mèo nuôi, chấp hành xích, nhốt chó và đeo rọ mõm khi dắt chó ra đường, nơi công cộng; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho chó, mèo nuôi. Thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định số 90/2017/NĐ-CP. 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân được biết. Phối hợp với cơ quan, đơn vị chuyên môn liên quan ở địa phương triển khai chiến dịch truyền thông sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, trường học về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại; biện pháp phòng, chống bệnh dại hiệu quả và các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại; tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo với cộng đồng. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, các sở, ngành liên quan và các địa phương xây dựng phương án ứng phó hiệu quả, kịp thời không để phát sinh người tử vong vì bệnh dại…

LÊ HẢI

“Các gia đình có nuôi động vật có thể liên hệ tại trạm thú y xã, huyện để tiêm vaccine cho chó hoặc mèo. Việc tiêm vaccine nhằm hạn chế số trường hợp động vật lên cơn dại cắn người, từ đó làm giảm số ca người tử vong do lây nhiễm bệnh dại từ động vật. Về lâu dài, tiêm vaccine phòng bệnh cho động vật là biện pháp căn bản để khống chế và loại trừ hoàn toàn bệnh dại trên phạm vi cả nước. Vì vậy người nuôi chó, mèo cần chấp hành nghiêm quy định nêu trên. Ngoài ra, khi phát hiện chó, mèo có biểu hiện bất thường như bỏ ăn hoặc ăn ít, sốt cao, hung dữ khác thường, chủ vật nuôi cần báo ngay cho thú y xã hoặc trưởng thôn để được hướng dẫn xử lý kịp thời”- Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam khuyến cáo.