Báo Công An Đà Nẵng

Quyết liệt xử lý biến tướng từ dịch vụ cầm đồ và trò chơi có thưởng

Thứ tư, 10/07/2019 08:46

Biến tướng từ dịch vụ cầm đồ dẫn tới đòi nợ thuê, từ trò chơi có thưởng tới cờ bạc đã dẫn tới những phức tạp về ANTT tại Đà Nẵng thời gian qua, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Đây cũng là lĩnh vực được HĐND Đà Nẵng tổ chức giám sát, đưa ra công bố tại Kỳ họp lần thứ 11 đang diễn ra.

CATP Đà Nẵng phát hiện và xử lý ổ nghiện trong quán game bắn cá.

Từ cầm đồ đến đòi nợ thuê

Ông Phan Thanh Long - Trưởng Ban Pháp chế, HĐND TP Đà Nẵng cho biết, tình hình vi phạm pháp luật diễn ra trên nhiều lĩnh vực từ môi trường, xây dựng, dịch vụ kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng, cầm đồ... gây lo lắng, bức xúc trong dân. Trong đó, dịch vụ cầm đồ gắn với đòi nợ thuê, trò chơi điện tử có thưởng biến tướng cờ bạc diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2019, CATP Đà Nẵng kiểm tra 73 cơ sở dịch vụ cầm đồ, phát hiện xử lý 10 trường hợp, phạt tổng số tiền 18,5 triệu đồng. Còn theo Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND TP về tình hình chấp hành pháp luật kinh doanh dịch vụ cầm đồ và dịch vụ đòi nợ trên địa bàn TP trong 2 năm qua thì phát hiện, xử phạt 61 vụ, tổng số tiền phạt hơn 152 triệu đồng, thu hồi 2 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT. Tại Đà Nẵng hiện có 3 DN và 224 cơ sở hộ gia đình hoạt động cầm đồ, 2 Cty kinh doanh dịch vụ đòi nợ đang hoạt động.

Theo Nghị quyết của HĐND và Công văn của UBND TP Đà Nẵng thì không cấp giấy phép mới đối với loại hình kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn TP. Tuy vậy, việc thực hiện chủ trương này chưa nghiêm. Ông Long cho biết, Đoàn giám sát nhận thấy vẫn còn tình trạng cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Đơn cử, ngày 11-1-2019 cấp phép cho chi nhánh Đà Nẵng 01 - Cty SRISWAD, trụ sở tại 275 Núi Thành. Ngoài ra, Đoàn giám sát cũng nhận thấy, có tình trạng cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ lợi dụng, núp bóng hoạt động cầm đồ để thực hiện cho vay nặng lãi; các cơ quan chức năng không kiểm soát được mức lãi suất cầm đồ (do các bên thỏa thuận ngầm với nhau). Vì lợi nhuận, các chủ cơ sở vẫn cầm cố tài sản không có giấy tờ nguồn gốc, giấy tờ không chính chủ, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Đơn cử tại Q.Thanh Khê phát hiện 14 trường hợp, Q.Liên Chiểu 4 trường hợp.

Theo ý kiến nhận định của đa số các cơ quan, đơn vị được giám sát, các cơ sở cầm đồ chủ yếu phục vụ, tiếp tay cho các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật như đối tượng nghiện ma túy, cờ bạc, trộm cắp, cướp giật, học sinh, sinh viên cá biệt, hư hỏng, hoạt động biến tướng để cho vay tiền với lãi suất cao, đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh các loại tội phạm về đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, trộm cắp, cờ bạc, cướp giật... Đặc biệt, thời gian gần đây tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về hoạt động cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê trên địa bàn thành phố diễn biến rất phức tạp, gây nhiều hệ lụy khôn lường cho xã hội, gây bức xúc, lo lắng trong dư luận nhân dân.

Biến tướng từ trò chơi có thưởng

Báo cáo của UBND TP Đà Nẵng cho thấy, thời gian qua tại địa bàn TP xuất hiện nhiều cơ sở, điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng (các loại máy sư tử, máy bắn cá, máy chơi xèng, máy bi...) thu hút nhiều người tham gia (phần lớn là trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên). Bên cạnh một số ít cơ sở hoạt động giải trí đơn thuần, hầu hết các cơ sở, điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng hoạt động biến tướng, vi phạm các quy định về hoạt động kinh doanh, địa điểm kinh doanh, thời gian hoạt động hoặc sử dụng các loại máy trò chơi điện tử (máy game) không rõ nguồn gốc, xuất xứ (chiếm 96,4%). Các cơ sở, điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng lợi dụng loại hình hoạt động này để tổ chức đánh bạc, đánh bạc (quy đổi điểm thưởng thành tiền), là địa điểm tụ tập của số đối tượng hình sự, nghiện ma túy, tiềm ẩn phức tạp và gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình, xã hội; tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Hiện toàn TP có 194 cơ sở, điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng với 752 máy trò chơi điện tử hoạt động, trong đó 144/194 cơ sở có giấy phép kinh doanh (chiếm 74,2%). Số cơ sở do các doanh nghiệp làm chủ chiếm 53,6%, số cơ sở do hộ gia đình làm chủ chiếm 46,4%.

Trước thực trạng đó, Đà Nẵng đặt quyết tâm cuối tháng 3-2019 xử lý dứt điểm tất cả các cơ sở, điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng vi phạm, có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn. Qua đấu tranh, CATP đã khởi tố 1 vụ/4 bị can về hành vi tổ chức đánh bạc dưới hình thức game bắn cá, thu giữ 5 máy bắn cá, 1 máy hồ lô; xử lý vi phạm hành chính 35 cơ sở và 1 kho chứa hàng, vận động 21 cơ sở ngừng hoạt động, chuyển máy ra khỏi địa bàn TP. Hiện nay, trên địa bàn TP có 8 cơ sở, điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng còn hoạt động (được cấp có thẩm quyền cấp phép và chưa phát hiện hành vi vi phạm). UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục quản lý, kiểm tra phòng ngừa vi phạm.

Việc kiểm soát biến tướng từ các trò chơi điện tử có thưởng hiện gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể hầu hết các thiết bị game này mua thanh lý từ các tỉnh khác và có hóa đơn, phù hợp với qui định. Trong khi thiết bị game kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng phải thuộc mặt hàng nhập khẩu được hải quan, ngành văn hóa thẩm định nội dung trước khi đưa vào sử dụng. Mâu thuẫn này khiến khó khăn trong xử lý hành vi, tang vật vi phạm. Mặt khác, hầu hết các cơ sở này do người địa phương khác tới thuê địa điểm kinh doanh, thuê người trông coi, khi kiểm tra rất khó gặp chủ để xử lý hành chính theo qui định.

Theo UBND TP Đà Nẵng, để quản lý hiệu quả trò chơi điện tử có thưởng, hạn chế tội phạm, tệ nạn xã hội phát sinh từ loại hình kinh doanh này thì Chính phủ cần tăng mức xử phạt và qui định đây là loại hình kinh doanh có điều kiện.

H.QUỲNH – K.THANH