Quyết liệt xử lý "xe mù", xe tự chế
(Cadn.com.vn) - Thân khung hầu như cũ nát, hoen gỉ và sở hữu "nhiều không": Không còi, không đèn, không giấy tờ, không BKS..., loại phương tiện được gọi là "xe mù", xe tự chế ở Đà Nẵng đang trở thành nỗi lo cho người đi đường. Ngoài vi phạm về niên hạn sử dụng, gây ô nhiễm môi trường, chủ phương tiện còn điều khiển xe phóng nhanh, vượt ẩu, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, cần thiết phải có biện pháp xử lý mạnh tay...
Lực lượng CSGT Trạm cửa ô Hòa Phước kiểm tra, tạm giữ xe ba bánh tự chế |
Đáng ngại xe ba bánh, ba gác tự chế
Theo các trạm CSGT Hòa Phước, Hòa Nhơn, Kim Liên, khoảng một năm trở lại đây, trên đường phố khu vực ngoại ô xuất hiện nhiều các loại phương tiện này, rất nguy hiểm cho các phương tiện khác khi tham gia giao thông, nhất là tuyến QL Đà Nẵng đi Hòa Phước, Hòa Châu, Điện An, Điện Bàn; đường Trường Chinh, QL14B, Túy Loan... Vì dòng xe này có thùng hàng lớn, mà xe còn dễ vào những đường kiệt nhỏ, lại ít tốn chi phí nhiên liệu nên các doanh nghiệp, đơn vị xây dựng và hộ tư nhân đã "hợp đồng" với chủ xe tham gia vận chuyển vật liệu xây dựng và các loại hàng hóa khác, thay vì thuê xe tải ben. Trung tá Tán Điệu, Phó Trạm CSGT cửa ô Hòa Phước cho hay: Khi lưu thông trên đường, người điều khiển xe tự chế dù không có bằng lái vẫn vô tư luồn lách, chạy bạt mạng rất dễ gây TNGT, nhất là xe ba bánh. Dù lực lượng của trạm đã tiến hành nhắc nhở nhiều lần, nhưng họ vẫn vi phạm nên đã đề xuất lãnh đạo triển khai chuyên đề xử lý.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các xe ba bánh, ba gác tự chế đều đã quá niên hạn sử dụng, bộ phận linh kiện xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật. Riêng loại xe ba bánh hầu hết kích thước bánh và thùng hàng rất to, nhưng khi bị kiểm tra, 100% lái xe đều không có bằng lái, có xe không có giấy tờ chứng minh hợp pháp. Điển hình, ngày 27 và 28-10, qua kiểm tra xe BKS 61F1-21691 do Huỳnh Đức Hòa (1993, trú xã Hòa Phước, H. Hòa Vang) điều khiển; xe BKS 66M3-2175 do Lê Minh Thông (1987, trú TX Điện Bàn, Quảng Nam) điều khiển thì cả 2 xe đều không có bằng lái và giấy tờ xe hợp pháp.
"Theo quy định, để điều khiển loại xe này, chủ phương tiện phải có bằng lái xe A3, bởi quy trình điều khiển, căn đường rất khó. Thậm chí, người có bằng lái xe ô-tô cũng không được điều khiển xe này. Vậy nhưng, các chủ phương tiện vẫn bất chấp, vít hết ga phóng trên đường. Để tránh những sự cố đáng tiếc, nhất là TNGT, chúng tôi đang tập trung kiểm tra, xử lý kiên quyết đối với loại phương tiện này", Trung tá Tán Điệu nói. Cũng theo Trung tá Điệu, thông thường xe ba bánh, ba gác tự chế này hoạt động nhiều vào thời điểm sáng sớm, trưa và xế chiều tới tối. Do thùng hàng lớn nên được nhiều người thuê vận chuyển rau, củ, quả và vật liệu xây dựng.
Thực hiện kế hoạch của Giám đốc CATP Đà Nẵng về việc mở đợt cao điểm TTKS, lập lại TTATGT trên địa bàn từ tháng 10-2015 đến Tết âm lịch 2016, qua 1 tháng triển khai, lực lượng CSGT trạm cửa ô Hòa Phước bên cạnh nhắc nhở đã tiến hành xử phạt gần 20 trường hợp xe ba bánh, ba gác tự chế. Với xe ba bánh, nếu lái xe không có bằng A3 bị xử phạt 1 triệu đồng/trường hợp, giữ xe 7 ngày; trường hợp không có giấy tờ xe sẽ bị tịch thu xe. Tại các trạm cửa ô khác như Hòa Nhơn, Kim Liên, lực lượng CSGT cũng đã phối hợp với CA các quận, huyện tiến hành xử lý hàng chục xe tương tự vi phạm TTATGT.
Xe ba gác tự chế chở hàng hóa lưu thông trên QL1A, đoạn gần Trạm thu phí Hòa Phước. |
Mạnh tay với "xe mù"
Đại tá Lê Ngọc, Trưởng Phòng CSGT CATP Đà Nẵng cho hay, bên cạnh chỉ đạo các trạm CSGT cửa ô thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm với những trường hợp điều khiển xe ba bánh, ba gác tự chế, trong đợt cao điểm ra quân lập lại TTATGT này theo chỉ đạo của Giám đốc CATP, đơn vị cũng sẽ mạnh tay trong việc thực hiện chuyên đề xử lý "xe mù" (xe mô- tô không đảm bảo an toàn kỹ thuật). Đây là loại xe rất "nhiều không", như: Không BKS, không đèn, ống pô, gương chiếu hậu, thậm chí có xe không dùng phanh và không có giấy tờ hợp lệ, nên khi lưu hành dễ dẫn đến TNGT. Trong thời điểm đầu đợt ra quân, ngoài xe ba bánh, ba gác tự chế, lực lượng CSGT đã phối hợp với các lực lượng chức năng khác lập biên bản xử lý gần 80 "xe mù", trong đó tạm giữ 20 xe để điều tra liên quan đến các hành vi khác. Theo Đại tá Ngọc, phần lớn chủ phương tiện có xe này là dân nghèo, dùng để chở rau, đá cây, nên khi phát hiện, lực lượng CSGT đôi lúc phải vừa tuyên truyền, vừa tạo điều kiện để người dân chở rau đi bán; hoặc xử lý nhưng vẫn hỗ trợ bằng cách dùng xe chuyên dụng chở hàng đến chợ cho bà con.
"Cái khó trong xử lý "xe mù" là khi kiểm tra, xử phạt, người điều khiển phương tiện thường sẵn sàng bỏ xe, do mức phạt cao hơn tiền mua xe. Trong khi đó nhiều người dân thường than vãn là khó khăn, không có tiền mua xe đắt tiền để chở hàng nên năn nỉ cho qua. Xong để đảm bảo TTATGT, tránh những hậu quả xảy ra như va quệt, TNGT, ảnh hưởng đến các phương tiện khác trên đường phố, lực lượng CSGT kiên quyết xử lý mạnh tay khi đã nhắc nhở người dân nhiều lần nhưng không chấp hành", Đại tá Lê Ngọc nói.
Theo chúng tôi, việc xử lý nghiêm tiến tới xóa sổ các phương tiện xe ba bánh, ba gác tự chế, "xe mù" là việc các cơ quan chức năng, nhất là CSGT cần mạnh tay chế tài. Bởi điểm chung của những chiếc xe này là thiếu những bộ phận thiết yếu mà phương tiện tham gia giao thông phải có như còi, đèn, phanh, BKS... ảnh hưởng đến TTATGT. Chủ phương tiện thì vì tiết kiệm chi phí, sẵn sàng tận dụng tối đa mọi khoảng trống trên xe để chở hàng, thậm chí thay đổi kết cấu xe, lắp ráp, chế độ không tương thích các bộ phận xe, nên rất nguy hiểm khi tham gia lưu hành trên đường phố.
Công Hạnh