Báo Công An Đà Nẵng

Quyết tâm đưa Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường”

Thứ tư, 03/02/2016 11:46

(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng đang xây dựng Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” giai đoạn 2016 – 2020. Để hiểu rõ hơn, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng (đơn vị thường trực Đề án).

Ông Nguyễn Điểu

P.V: Ông có thể cho biết những chuyển biến tích cực sau 7 năm Đà Nẵng nỗ lực xây dựng thành phố môi trường?

Ông Nguyễn Điểu: Với định hướng xây dựng một thành phố thân thiện môi trường, đảm bảo chất lượng môi trường đáp ứng cho cuộc sống của nhân dân và du khách khi đến Đà Nẵng, đến nay, Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả. Qua 7 năm kiên trì thực hiện, đến nay tổng chiều dài hệ thống mương, cống thoát nước là hơn 962km, đầu tư 5 trạm xử lý nước thải đô thị với tổng công suất 149.000m3/ngày, có 50% hộ gia đình đấu nối, dự kiến tiếp tục hoàn thiện, khớp nối hạ tầng thu gom và nâng tổng công suất trạm đến năm 2020 đạt 209.000m3/ngày. Chất lượng nước ở thành phố được giữ mức ổn định cao.

Về môi trường tại các khu công nghiệp đến nay đã xây dựng 5 trạm xử lý nước thải công nghiệp, với công suất 11.250m3/ngày đêm, tỷ lệ đấu nối trong toàn khu công nghiệp đạt 98%, đã cắt giảm được 9.000m3 mỗi ngày thải ra môi trường so với trước đây. Hầu hết các điểm nóng môi trường đã cơ bản giải quyết, ngoại trừ một số điểm nóng phức tạp như âu thuyền Thọ Quang, sông Phú Lộc, bãi rác Khánh Sơn đang tiến hành triển khai.

Đặc biệt, tỷ lệ gom rác thải sinh hoạt toàn thành phố đạt 93%. Trong 4 năm trở lại đây Đà Nẵng đã tiến hành triển khai “thu gom rác theo giờ” đã góp phần giảm tối đa sự hiện diện của thùng rác trên đường phố, khu dân cư, từng bước điều chỉnh giờ đổ rác lùi về ban đêm, tạo mỹ quan sạch đẹp cho đô thị và được cộng đồng dân cư ủng hộ. Ngoài ra, thành phố kêu gọi tư nhân đầu tư xây dựng nhà máy thu gom rác thải tái chế, tái sử dụng để giảm chôn lấp ảnh hưởng đến môi trường. Hiện nay, đã đầu tư xây dựng nhà máy giai đoạn 1 công suất 200 tấn/ngày và đang chạy với công suất 50 tấn/ngày...  

Có thể khẳng định cùng với sự phát triển, chỉnh trang đô thị, hạ tầng môi trường được đầu tư song hành và cơ bản đáp ứng. Những cố gắng trong công tác môi trường của thành phố Đà Nẵng đã được ghi nhận qua các giải thưởng quốc tế và trong nước về môi trường như “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN (năm 2011)”, “Thành phố có hàm lượng phát thải carbon thấp (năm 2012)”, Thành phố phong cảnh Châu Á (2013) là một trong 20 thành phố xanh-sạch-đẹp (năm 2013, 2015) và thành phố Đà Nẵng cũng là thành viên của “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu” (năm 2014), Thành phố xuất sắc trong chuyển đổi (2015)...

P.V: Ông có thể nêu một số bất cập về  xử lý ô nhiễm môi trường tại một số “điểm nóng” hiện nay?

Ông Nguyễn Điểu: Hiện nay, các công trình hạ tầng kỹ thuật môi trường như 5 hệ thống xử lý nước thải đô thị tập trung, 5 hệ thống xử lý nước thải khu công nghiệp tập trung và bãi rác Khánh Sơn đang thiếu khoảng cách an toàn đối với khu dân cư xung quanh. Năng lực xử lý các trạm còn hạn chế, hệ thống quan trắc về tiêu chuẩn chất lượng còn lạc hậu. TP chưa có quy hoạch quản lý và xử lý chất thải rắn với tầm nhìn dài hạn để phù hợp với xu thế phát triển trong tương lai. Chưa có hệ thống các giải pháp tổng thể để xử lý rác thải nói chung ở bãi rác Khánh Sơn...

P.V: Để giai đoạn 2016 – 2020 Đề án xây dựng thành phố môi trường đi vào thực chất thì theo ông chúng ta cần phải làm gì?

Ông Nguyễn Điểu: Với tầm nhìn đưa Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường” vào năm 2020 thì chúng ta cần phải tập trung giải quyết một số việc sau:

Thứ nhất: Tập trung quản lý được chất lượng nước mặt và quản lý nước thải trên toàn thành phố. Theo đó, 100% hệ thống xử lý nước thải đô thị và công nghiệp được đầu tư hệ thống quan trắc môi trường liên tục tự động đến năm 2020 để kiểm soát lưu lượng đầu ra độ PH, Nitơ, Phốt pho; tăng tỷ lệ đấu nối hộ gia đình đấu nối với hệ thống thu gom nước thải lên 70- 80% và không để thấm ra đất; đầu tư 1 nhà máy xử lý phân bùn từ bể tự hoại công suất 500m3/ngày của các hộ gia đình; đưa vấn đề sử dụng tài nguyên nước và kiểm soát ô nhiễm nước liên vùng vào hoạt động của Hội đồng Vùng khu vực miền Trung; đối với các công trình thoát nước cần phải tiến hành xã hội hóa cho tư nhân có cơ hội thì khả năng chặn đứng được các nguồn thải vào lưu vực công cộng, sông, hồ, biển,...

Thứ hai: Phải kiểm soát được môi trường đất và quản lý chất thải rắn. Để giảm thiểu mùi hôi, ngay trong năm 2016 cần thực hiện quy hoạch lại toàn bộ bãi rác Khánh Sơn, trong đó chú trọng khoảng cách cách ly tối thiểu 1.000m, tiến hành giải tỏa các hộ dân trong khu vực này, trồng cây xanh vùng đệm 20m; đầu tư hệ thống thu gom và xử lý khí thải phát sinh từ quá trình phân hủy của rác tại bãi rác Khánh Sơn; xây dựng ngay nhà máy xử lý nước rỉ rác mới thay thế trạm xử lý nước rỉ rác do Cty Quốc Việt đầu tư đang quản lý vận hành, công suất 1.000m3/ngày đêm; tiến hành chọn vị trí và đầu tư xây dựng bãi rác mới để thay thế bãi rác Khánh Sơn; tiếp tục thực hiện phương thức thu gom rác theo giờ...

Thứ ba: Kiểm soát được môi trường không khí và quản lý khí thải bằng việc tăng cường 1 - 2 trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục để đánh giá tác động tức thời; khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ ít phát thải ra môi trường; phương tiện giao thông đường bộ cũng phải kiểm soát theo hướng giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo chỉ tiêu bụi, độ ồn cho phép.

Thứ tư: Sớm xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý đô thị, hoàn thiện hệ thống quản lý Nhà nước về môi trường; tiếp tục tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường nhân rộng các phong trào toàn dân bảo vệ môi trường, duy trì và phát triển các phong trào như “Ngày chủ nhật xanh – sạch – đẹp”. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý chất thải, kiểm soát chất lượng   môi trường...

P.V: Xin cảm ơn ông!

Xuân Đương

(thực hiện)