Ra đường sợ nhất cướp giật
(Cadn.com.vn) - Theo số liệu thống kê, đến thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra 30 vụ cướp và 11 vụ cướp giật tài sản. Theo nhận định của CQĐT thì thủ đoạn của các đối tượng phạm tội về cơ bản không mới: Chúng thường sử dụng xe máy phân khối lớn, lòng vòng trên các tuyến đường, khi thấy người dân sơ hở trong việc quản lý tài sản thì thực hiện hành vi. Mục tiêu bọn tội phạm nhắm tới chủ yếu là phụ nữ có đeo dây chuyền, túi xách, vừa điều khiển xe máy vừa nghe điện thoại trên những đoạn đường vắng người qua lại. Đơn cử, trong khi đi chơi ở khu vực làng Yang (xã Ia Sao, H. Ia Grai), Rơ Châm Hrưnh (1999) và Rơ Châm Đức (1999, trú xã Ia Nhin, H. Chư Pah) thấy chị Lê Thanh T. (1997, trú H. Ia Grai) điều khiển xe máy một mình, đeo túi xách nên nảy sinh ý định cướp giật để lấy tiền tiêu xài. Sau khi thống nhất, Hrưnh điều khiển xe máy áp sát để Đức giật túi xách và làm chị T. ngã rồi bỏ trốn. Dù bên trong túi xách chỉ có 1 ĐTDĐ, 500 ngàn đồng, nhưng với thói quen và sự chủ quan của người dân như vụ việc trên, ngoài việc bị mất tài sản thì đôi khi còn nguy hiểm đến tính mạng.
Có thể nói, tội phạm cướp, cướp giật tài sản hoạt động không theo quy luật nhất định, có những vụ án cướp tài sản phát sinh bột phát trong những trường hợp khó lường. Đơn cử trường hợp của nạn nhân Nguyễn Kim Hiền (1994, trú TX An Khê). Trưa 14-2, Nguyễn Duy Phong (1998, trú xã Cửu An) cùng 4 người bạn (cùng trú xã Cửu An) tổ chức ăn nhậu tại nhà Phong, sau đó rủ nhau đi hát karaoke tại tổ 6, P. An Phú. Đến 16 giờ cùng ngày, khi cả nhóm ra ngoài thanh toán tiền để về thì gặp nhóm bạn của Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Kim Hiền cũng ra quầy tính tiền. Khi thấy Huy nhìn mình, Phong cho rằng Huy “nhìn đểu” nên lao đến tát Huy. Được mọi người can ngăn, Phong bỏ ra về, nhưng sau đó quay lại quán karaoke để tìm đánh Huy. Đến nơi, thấy Huy điều khiển xe máy vừa ra khỏi quán, Phong đạp ngã xe máy Huy rồi rút dao đâm nhiều nhát vào người Huy. Sau khi Huy vùng dậy bỏ chạy, Phong quay lại nhìn thấy anh Hiền đang đứng gần đó, nên tiếp tục cầm dao đe dọa cướp đi 500 ngàn đồng trong ví của nạn nhân.
Từ những vụ án cướp, cướp giật tài sản thời gian qua cho thấy, loại tội phạm này có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó, hiện nay tình trạng người dân tộc thiểu số tham gia vào các vụ phạm pháp hình sự, đặc biệt là cướp, cướp giật tài sản ngày càng nhiều. Theo thống kê, tỷ lệ các vụ phạm pháp hình sự liên quan đến người dân tộc thiểu số là 71/430 vụ. Điển hình là vụ nhóm 9 đối tượng người dân tộc thiểu số thực hiện 5 vụ cướp tại địa bàn các huyện Chư Sê, Chư Prông, Ia Grai, chiếm đoạt 25,7 triệu đồng.
Trước tình trạng tội phạm cướp, cướp giật tài sản ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp trong thời gian vừa qua, lực lượng CA đã tiến hành nhiều biện pháp đấu tranh, phòng ngừa và phần nào kiềm chế được loại tội phạm nguy hiểm này. Tuy nhiên, vì người dân thiếu cảnh giác nên các đối tượng cướp, cướp giật tài sản vẫn có cơ hội tiếp tục hoạt động với tính chất, hành vi phạm tội ngày càng manh động, liều lĩnh và nguy hiểm hơn. Để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, ngoài việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan CA, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân, nhất là với phụ nữ và trẻ em.
P.V