Báo Công An Đà Nẵng

Ra mắt bộ sách Nguyễn Văn Xuân toàn tập

Thứ tư, 23/12/2020 17:37

Sáng 22-12, tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã tổ chức lễ ra mắt bộ sách “Nguyễn Văn Xuân toàn tập”. Buổi lễ có sự tham dự của các ngành chức năng Trung ương, địa phương; đại diện gia đình nhà văn Nguyễn văn Xuân và đông đảo bạn đọc đến từ Hà Nội, Huế, Quảng Nam...

Văn nghệ sĩ và người hâm mộ trong ngoài TP Đà Nẵng tại buổi ra mắt bộ sách.  Ảnh: P.T 

Bộ sách “Nguyễn Văn Xuân toàn tập” gồm 7 tập sách. Cụ thể: ở Tập 1, ngoài lời giới thiệu về tác giả của Gs Phong Lê và nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, gồm có “Dịch Cát” (tập truyện ngắn), “Hương Máu (tập truyện ngắn) và các truyện ngắn khác. Tập 2 gồm “Bão rừng” (Tiểu thuyết) và “Kỳ nữ họ Tống” (Tiểu thuyết). Tập 3 gồm  “Phong trào Duy Tân”; “Khi những lưu dân trở lại”, “Văn học trình diễn”, “Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc”... (Biên khảo). Tập 4: gồm các bài viết Quảng Nam: Dinh trấn Thanh Chiêm, Hội An; Đà Nẵng xưa và nay, hình thành và phát triển. Tập 5: Văn học phê bình. Tập 6: Chân dung nhân vật. Tập 7: Con người và sự nghiệp (bao gồm các bài viết ký ức bạn bè, đồng nghiệp và học trò của tác giả).

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân (1921-2007) người làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm1939, truyện ngắn đầu tay của ông có tên là "Bóng tối và ánh sáng" được chọn đăng trên tạp chí Thế giới (Hà Nội) và được trao giải nhất. Sau đó, ông lần lượt cộng tác với các báo, như: Bạn dân (Hà Nội), Thế giới (Hà Nội), Mới (Sài Gòn), Văn Lang (tạp chí, Sài Gòn), Tiểu thuyết thứ Bảy (tạp chí, Hà Nội)... Ngoài công việc viết văn, ông còn dạy học tại các trường trung học tư thục Đà Nẵng, Đại học Văn khoa Huế... và sau này dạy thêm ở Đại học Đà Nẵng (thành lập năm1974). Ông qua đời ngày 4-7-2007 tại Đà Nẵng.

Giá trị những trước tác khoa học của Nguyễn Văn Xuân không chỉ thu hẹp trong phạm vi văn chương, mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như sử học, xã hội học, dân tộc học, văn hóa học và địa phương học… Một thâm hậu về tri thức và một bền bỉ trong nghề nghiệp - đó là phẩm chất có trong không nhiều, nếu không nói là còn ít trong giới học thuật ở xứ ta. Nhận định về ông, nhà văn Nguyên Ngọc nêu rõ: “Đọc các tiểu thuyết, truyện ngắn của ông, thấy rõ sự uyên bác của một học giả toàn diện, cực kỳ giàu vốn sống, vừa xông xáo vừa mạnh mẽ trong suy tưởng, vừa tinh vi, tinh tế và đầy mẫn cảm... Đọc các công trình nghiên cứu của ông, lại thấy hấp dẫn như tiểu thuyết... chẳng hạn như cuốn “Phong trào Duy Tân”,”Khi những lưu dân trở lại”... Và nếu chỉ tính riêng hai tác phẩm này thôi, ông đã có một vị trí thật đáng trân trọng trong những nhà văn hóa đặc sắc của Việt Nam ở thế kỷ qua”.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều tặng bộ sách “Nguyễn Văn Xuân toàn tập” cho đại diện tỉnh Quảng Nam- quê hương của nhà văn, học giả Nguyễn Văn Xuân.  Ảnh: P.T

Còn GS Phong Lê  viết: “Có vốn Hán Nôm học và Tây học, những công trình nghiên cứu của ông như “Khi những lưu dân trở lại” (1967) và “Phong trào Duy tân”(1971) được bảo đảm ở giá trị khoa học và thực tiễn. Có mẫn cảm trong sáng tác, ngoài kho truyện ngắn, trong hai tập “Dịch cát” (1966) và “Hương máu” (1969), ông có những tiểu thuyết rất đáng đọc như “Bão rừng” (1957), “Kỳ nữ họ Tống”(2002). Kết hợp và dung hòa được hai loại tư duy mà không làm khô đi, hoặc nhão ướt một phía nào, chỉ riêng điều đó, Nguyễn Văn Xuân xứng đáng là một tên tuổi đáng vị nể trong giới nghề nghiệp chúng ta.

Nhưng, đối với tôi, tên tuổi Nguyễn Văn Xuân còn gợi nghĩ một điều gì lớn hơn thế. Đó là tình yêu quê hương; sự gắn bó sâu nặng với quê hương; sự chung thủy suốt đời với mảnh đất sinh ra và nuôi dưỡng mình; niềm khao khát khai thác tận cùng những giá trị tinh thần của một vùng đất, một miền quê có tên Xứ Quảng. “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu Hồng Đào chưa ngấm đã say”. Xứ Quảng, cũng như xứ Huế, xứ Nghệ, xứ Thanh…, và rộng ra là Đàng Ngoài và Đàng Trong, mỗi tên đất như thế chứa đựng biết bao là nguồn mạch, là dưỡng chất làm nên khí cốt cho con người; và từ những con người ấy mà làm nên hình hài, bản sắc, bản lĩnh cho một cái tên chung: Việt Nam”.

Đặc biệt, với tình yêu và những đóng góp đặc sắc của Nguyễn Văn Xuân cho quê hương xứ Quảng, của Nhà Quảng học Nguyễn Văn Xuân, GS Phong Lê muốn lưu ý thêm về một cuộc sống không phải lúc nào cũng êm thuận, hanh thông của ông trên cả hai phía đời công và đời tư; với những bù đắp khó có thể đủ đầy cho những thiếu hụt mà giới trí thức trung thực, chân chính thường phải chấp nhận hoặc cam chịu. 

Do đó, với Toàn tập này, hy vọng sẽ là một bù đắp phần nào cho những thiếu hụt đó, một bù đắp không để quá chậm, vì sự cần thiết của nó cho nhận thức của con người về chính gốc rễ, nguồn cội của mình; cho chính nơi chôn rau cắt rốn của mình. GS Phong Lê nhấn mạnh: “Ngót 70 năm gắn bó với quê hương xứ Quảng, và miệt mài trên những trang văn về xứ Quảng, tôi nghĩ Nguyễn Văn Xuân là một tấm gương yêu nước lớn, trong những đóng góp thầm lặng của nghề nghiệp ở một trí thức chân chính thế kỷ XX. Trước 1975 ông đã là thế. Và sau 1975 ông cũng như thế”.

TRẦN TRUNG SÁNG - P.T