Báo Công An Đà Nẵng

Ra mắt Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông

Thứ năm, 27/03/2014 23:03

(Cadn.com.vn) - Ngày 27-3, Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông do nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng và nguyên Đại sứ Việt Nam tại Singapore, Canada Nguyễn Đức Hùng sáng lập đã chính thức ra mắt tại Hà Nội.

Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông, Giám đốc Học viện Ngoại giao, Tiến sĩ Đặng Đình Quý cho biết: Trước đây các nghiên cứu về Biển Đông chủ yếu dựa vào nguồn lực Nhà nước hoặc các cá nhân tự thực hiện, chưa huy động được nhiều nguồn lực từ xã hội.

Trong khi đó có nhiều tổ chức, cá nhân mong muốn được đóng góp vật chất, tinh thần cho công tác này. Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông ra đời sẽ thu hút được sự đóng góp của toàn xã hội, tạo sự kết nối giữa những nhà hảo tâm yêu nước và tầng lớp trí thức tâm huyết với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Các thành viên sáng lập và điều hành hoạt động Quỹ nhận giấy phép hoạt động của Bộ Nội vụ.

Sẽ thu hút được sự đóng góp của toàn xã hội

Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông là quỹ xã hội không vì mục đích lợi nhuận, hoạt động nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu về Biển Đông thông qua các hoạt động hỗ trợ, tài trợ nghiên cứu cho học giả, sinh viên, nghiên cứu sinh, cũng như các cá nhân trong và ngoài nước có mong muốn đóng góp sức lực và trí tuệ cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam; thúc đẩy các biện pháp gìn giữ hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực Biển Đông.

Quỹ đồng thời là kênh tập hợp, tìm kiếm, phát triển những cá nhân có năng lực và phẩm chất tốt để phục vụ công tác nghiên cứu các vấn đề về Biển Đông; phổ biến, tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam.

Chức năng của Quỹ là hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu về Biển Đông; phát hiện và bồi dưỡng các sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ để bổ sung cho đội ngũ cán bộ làm công tác về Biển; vận động, thu hút các nguồn lực phục vụ mục tiêu hoạt động của Quỹ; phát triển quan hệ hợp tác quốc tế với các Quỹ, các Viện nghiên cứu và các cá nhân, tổ chức nước ngoài có liên quan; kết hợp với các chương trình do các cơ quan hữu quan tổ chức để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu về Biển Đông.

Những hoạt động chính của Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông gồm: Tổ chức các cuộc thi viết bài tìm hiểu về Biển Đông trong giới học sinh và sinh viên; tổ chức các cuộc thi và bình xét các bài nghiên cứu, luận văn về Biển Đông trong giới sinh viên, thạc sĩ, nghiên cứu sinh; tổ chức xét thưởng các nghiên cứu xuất sắc về Biển Đông trong giới học giả, khoa học; bình xét và trao giải các bài viết báo chí hàng năm về Biển Đông; cấp học bổng nghiên cứu về Biển Đông; hỗ trợ xuất bản phẩm, sách báo về Biển Đông phát hành trong và ngoài nước; tổ chức các hội thảo, tọa đàm trong nước và quốc tế.

Trong khuôn khổ lễ ra mắt, Ban tổ chức cũng đã công bố Chương trình Hỗ trợ nghiên cứu về Biển Đông năm 2014 và các năm tiếp theo đồng thời trao 13 giải cho các bài nghiên cứu xuất sắc về Biển Đông năm 2013, trong đó có 3 giải đặc biệt thuộc về các cá nhân: Ninh Xuân Thao (Đại học Sư phạm Hà Nội); Nguyễn Thế Phương (Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh) và Trần Hoàng Yến (Đại học Southampton, Vương quốc Anh).

Làm cho thế giới hiểu hơn lập trường của chúng ta

Tại lễ ra mắt Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, cố vấn cấp cao của Hội đồng quản lý Quỹ, cho rằng, nghiên cứu về Biển Đông ở Việt Nam hiện nay rất sôi động nhưng còn ở bề nổi là chính.

Theo ông Vũ Khoan, vấn đề Biển Đông đã trở thành vấn đề trung tâm của những nghiên cứu quốc tế, không những ở Việt Nam mà còn ở trên trường quốc tế. Ông nói:  “Riêng ở Việt Nam tôi đánh giá cao những đóng góp của giới truyền thông, báo chí. Không có sự quan tâm và ủng hộ của các bạn, thì vấn đề nghiên cứu Biển Đông không được sôi động như hiện nay. Tuy nhiên, sự sôi động đó còn đang mang tính chất về lượng và bề nổi là chính. Vấn đề Biển Đông lại vô cùng rộng lớn, phức tạp, nên không thể dừng lại ở số lượng, bề nổi được, mà rất cần những nghiên cứu căn cơ hơn, cơ bản hơn, rộng lớn hơn và lâu dài hơn”.

Về Quỹ nghiên cứu biển Đông, ông Vũ Khoan kỳ vọng: “Quỹ sẽ thúc đẩy quá trình nghiên cứu biển Đông để có những nghiên cứu sâu rộng hơn, sâu sắc hơn và có đông đảo người tham gia hơn. Những người tham gia ở đây không chỉ ở trong nước mà còn cả những bà con người Việt sinh sống ở nước ngoài, đang rất quan tâm đến vấn đề biển đảo. Ngoài ra, chúng ta cũng phải tìm cách kết hợp những nghiên cứu của chúng ta với những nghiên cứu của thế giới. Nghiên cứu Biển Đông được qua tâm rất lớn và rất sôi động, ở Trung Quốc, Australia, Hoa Kỳ, Tây Âu và thậm chí ở cả Nga. Vì vậy chúng tôi mong muốn những nghiên cứu của Việt Nam hòa nhịp, mà nói như từ hay dùng hiện nay, là hội nhập với nghiên cứu Biển Đông trên thế giới. Như vậy chúng tôi có hai kỳ vọng lớn. Thứ nhất là nâng tầm hơn nữa quy mô, chất lượng nghiên cứu ở trong nước; thứ hai là thúc đẩy những nghiên cứu này gắn kết với những nghiên cứu của toàn cầu, để góp phần cho ngân hàng dữ liệu về vấn đề Biển Đông phong phú hơn, làm cho thế giới hiểu hơn lập trường của chúng ta, đồng thời cũng hỗ trợ cho cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao của chúng ta, để bảo vệ cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta”.

B.T