Rác thải y tế ở xã: Không còn cảnh mỗi trạm xử lý một kiểu
(Cadn.com.vn) - Rác thải y tế nguy hại bắt buộc phải được thu gom và xử lý theo cơ chế đặc biệt, dù rằng chi phí để xử lý hơn 200 ngàn đồng/kg. Với các trạm y tế xã, chi phí này khá lớn, nên từ vài chục năm nay rác thải y tế được xử lý bằng cách đào hố chôn lấp, tưới xăng đốt. Đây không phải là giải pháp an toàn, vì vậy việc thu gom để xử lý theo cơ chế riêng trở nên cấp bách.
Y sỹ Ba gom rác thải y tế nguy hại tại trạm. |
Rác thải y tế gồm nhiều loại như bông gạc bẩn, đồ băng bó, các vật tư tiếp xúc với máu của người bệnh có khả năng lây nhiễm; nhóm vật sắc nhọn như kim tiêm, xi lanh; chất thải dược phẩm như thuốc quá hạn, thuốc hỏng; chất thải bệnh phẩm như nhau thai, các bộ phận cơ thể... Theo quy định, các loại rác thải này phải được phân loại tại nguồn trước khi đem đi xử lý.
Tại trạm y tế xã Hòa Châu (H.Hòa Vang), rác thải y tế và rác sinh hoạt được cho vào 2 thùng riêng biệt. Riêng rác thải y tế nguy hại cho chung 1 thùng. Y tá Nguyễn Ngọc Ba - Trạm trưởng cho biết, lượng rác thải y tế tại trạm rất ít, mỗi ngày chưa đầy 1kg, trong đó chủ yếu là bông gạc dính máu, kim tiêm. Riêng vào các ngày tiêm chủng cuối tháng, tổng lượng kim tiêm vài trăm chiếc, kèm theo là bông gạc dính máu nên lượng rác thải y tế cũng tăng lên. Theo y sĩ Ba, trước đây lượng rác thải y tế này được trạm đào hố, tưới xăng đốt hằng ngày. Tro của rác cũng được chôn lấp ngay trong khuôn viên của trạm. Khi được hỏi việc đốt các kim tiêm rồi chôn lấp ngay tại khuôn viên trong trạm như vậy có an toàn không, y sỹ Ba cho biết... cũng an toàn. Bởi lẽ toàn bộ kim tiêm được cho vào một hộp màu vàng, gọi là hộp an toàn, khi tưới xăng đốt, kim tiêm cũng cháy tan thành tro.
Điểm tập kết rác thải y tế của các xã lân cận Hòa Châu. |
Tuy vậy, điều đáng ngại là phản ứng của người dân. “Trước đây dân còn thưa thớt nên không sao. Giờ dân tập trung đông đúc quanh trạm, mỗi lần đốt khói bốc lên, người dân lại phản ứng. Dù biết như vậy nhưng nếu không đốt mà dùng hình thức hợp đồng với Cty môi trường đô thị để họ thu gom, xử lý theo cơ chế riêng thì giá lại quá đắt đỏ. Giá mỗi kg rác y tế hơn 200 ngàn đồng, trạm không kham nổi, nên đành chấp nhận”, y sỹ Ba nói.
Không chỉ Hòa Châu, tình trạng rác thải y tế được xử lý bằng cách đốt ngay trong khuôn viên của trạm diễn ra ở hầu hết các trạm y tế xã của H. Hòa Vang, được kéo dài suốt từ hồi giải phóng đến nay. Bác sỹ Trần Đại Vĩnh - Giám đốc Trung tâm y tế H. Hòa Vang cho biết, trước đây các trạm phải đốt bằng lò đốt ngay tại trạm bởi lẽ lượng rác thải hằng ngày quá ít, trạm lại ở xa trung tâm nên khó có xe của Cty môi trường đô thị đến thu gom. Bộ Y tế chưa có quy định cụ thể về xử lý rác thải y tế tại trạm y tế xã còn Bộ TN&MT thì quy định rác thải y tế ở trạm xã chỉ được xử lý tại chỗ nếu có lò đốt đạt chuẩn, bằng không phải gom lại giao cho Cty môi trường đô thị xử lý. Tuy vậy, lò đốt như thế nào là đạt chuẩn thì chưa có sự thống nhất nên các trạm đều phải đốt rác thải y tế bằng lò tự chế. Lãnh đạo Trung tâm y tế huyện nhận thấy việc đốt thế này kéo dài tiếp sẽ không ổn. Vì thế, từ 1-9, Trung tâm y tế huyện đã hợp đồng với Cty Môi trường đô thị tới thu gom toàn bộ rác thải y tế ở các trạm và ở Bệnh viện Hòa Vang đem đi xử lý trong lò đốt chuyên dụng.
Theo đó, rác thải y tế của các trạm được quy về 3 đầu mối đặt tại Hòa Châu, Hòa Phong, Hòa Sơn. Hằng tuần, xe của Cty môi trường đô thị sẽ tới các điểm tập kết để thu gom. “Không có kinh phí cụ thể cho xử lý rác thải y tế ở trạm, vì thế trong điều kiện nguồn kinh phí cấp tổng thể cho Trung tâm y tế huyện còn eo hẹp, song chúng tôi vẫn quyết tâm xử lý triệt để, an toàn rác thải y tế tại các trạm. Đây là nỗ lực lớn và có lẽ các trạm y tế xã ở Hòa Vang là các trạm đầu tiên của cả nước mà rác thải y tế được thu gom về Cty môi trường đô thị để xử lý chuyên dụng”, BS Vĩnh nói.
Cũng theo BS Vĩnh, rác thải y tế ở trạm tưởng là chuyện nhỏ, song thực tế lại là việc rất quan trọng. Trước mắt, nhân viên y tế ở các trạm phải được tập huấn để phân loại rác đầu nguồn hợp lý, bởi chi phí xử lý rác thải y tế được tính đắt đỏ, nên rác thải thực sự nguy hại thì mới được đưa vào thùng riêng. “Ý thức về việc thu gom, phân loại rác thải y tế rồi giao cho phía Cty môi trường đô thị của các nhân viên y tế trong trạm cũng phải được tăng lên. Có bác sỹ bảo mình không có trách nhiệm vận chuyển rác tới điểm tập kết, suy nghĩ như vậy là không được”, BS Vĩnh nói. Bên cạnh đó, lãnh đạo Trung tâm y tế huyện cũng đang tính toán việc bảo quản rác thải y tế trong các thùng lạnh, tủ lạnh, vì như vậy có thể giữ rác cả tháng cho đủ số lượng trước khi giao cho phía Cty môi trường mà vẫn an toàn.
Hải Quỳnh