Báo Công An Đà Nẵng

Rác và nước thải gây “ nóng” tại chương trình “Hội đồng nhân dân với cử tri” lần thứ 5

Thứ tư, 15/05/2019 15:40

Ngày 15-5, tại chương trình “Hội đồng nhân dân với cử tri” lần thứ 5 do Thường trực HĐND TP Đà Nẵng tổ chức, hai vấn đề nóng nhất đã được đưa ra chất vấn, mổ xẻ: Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác Khánh Sơn và tiến độ xây dựng Khu liên hợp chất thải rắn; việc đấu nối, xả thải nước ra biển và tiến độ triển khai thực hiện các dự án thu gom, xử lý nước thải ven biển.

Cử tri phát biểu...                                                                 Toàn cảnh chương trình.

Nhếch nhác rác thải đường phố

Phóng sự được phát tại chương trình cũng như phát biểu của “Tư lệnh” ngành môi trường thành phố cho biết: Theo tính toán thì chỉ còn 230 ngày nữa bãi rác Khánh Sơn sẽ đầy, Đà Nẵng có nguy cơ ngập rác. Cử tri Nguyễn Tựa (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cũng bức xúc phản ánh: Tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác Khánh Sơn hiện nay quá tải, đã xảy ra việc người dân bức xúc chặn xe chở rác không cho đưa rác vào bãi tập kết; cử tri mong muốn UBND TP sớm di dời bãi rác và mong muốn lắp đường ống ngầm xử lý nước rỉ rác, không để bốc mùi hôi như hiện nay.

Cử tri Trần Thạnh (phường Thanh Khê Tây, Q. Thanh Khê) phản ánh tình trạng thu gom rác thải thời gian gần đây bất cập, rác ùn ứ nhiều ngày, phát sinh nhiều điểm tập kết rác bừa bãi, rác thải tràn lan đường phố, nhếch nhác, ô nhiễm, mất mỹ quan. Cử tri này cũng phản ánh: vào thứ 3 và Chủ nhật hàng tuần không rõ nguồn từ đâu xả thải ra sông Phú Lộc gây ô nhiễm môi trường khu vực 7 tổ dân phố và mong muốn thành phố sớm triển khai dự án Khe Cạn vì khu vực này mùa mưa thường bị ngập sâu, sau mưa rác ngập, năm nào cũng xảy ra dịch sốt xuất huyết tại các tổ dân phố từ 15 đến 24.

Thành phố hiện mỗi ngày đang phải đối mặt với hàng trăm điểm tập kết rác phát sinh không chỉ ở vùng ven mà ngay trung tâm thành phố, trên các trục đường lớn gây ô nhiễm, phản cảm. Nhiều người dân phản ánh tình trạng xe lấy rác vừa cũ kỹ, cuốn rác không tốt, gây rơi vãi trên đường; thùng để rác nhếch nhác…

Được biết, năm 2013, thành phố xây dựng 11 trạm trung chuyển trong nội thành nhưng đến nay đã xóa bỏ 5 trạm bị ô nhiễm khiến cho việc tập kết rác gặp nhiều khó khăn. Công tác phân loại rác thải tại nguồn trước đó đã được triển khai thí điểm tại quận Hải Châu và được nhân rộng song vẫn còn nhiều bất cập, hiện thành phố vẫn chưa có phương tiện thu gom từng loại rác riêng biệt, cũng chưa có nhà máy tái chế rác nên khi phân loại xong lại trộn lẫn vào chung một xe, không hiệu quả.

Việc thu gom rác theo giờ còn nhiều bất cập, thiếu khoa học trong khi bãi rác Khánh Sơn đang đứng trước nguy cơ bị lấp đầy, không còn khả năng tiếp nhận rác vào cuối năm 2019 khi mỗi ngày bãi rác này tiếp nhận khoảng 1.000 tấn rác thải. Bãi rác Khánh Sơn đang ở tình trạng báo động đỏ vì quá tải trong khi dự án xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn, một giải pháp được coi là căn cơ, kỳ vọng sẽ giải được bài toán xử lý rác đô thị của Đà Nẵng hiện vẫn chưa ngã ngũ, từ việc lựa chọn địa điểm, nguồn vốn, lựa chọn công nghệ

Nhức nhối nước xả thải ven biển 

Phát biểu tại chương trình, cử tri Khuất Trọng Đa (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) phản ánh tình trạng nước thải đổ ra biển, khi mưa cuốn theo cả rác thải gây ô nhiễm. Các nhà hàng, khách sạn, các quán cóc bán hải sản dọc tuyến dường Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp đổ trực tiếp nước thải  ra  đất, rồi chảy ra biển, đề nghị thành phố tăng cường quản lý xả thải ven biển. Cử tri Phạm Văn Chi (phường Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn) đề nghị xử lý triệt để các cơ sở có nguồn nước thải như các khách sạn, các cơ sở kinh doanh, các hộ gia đình có nhà cho người nước ngoài thuê, các dự án đang xây dựng… vi phạm môi trường, cho nước thải chảy trực tiếp ra biển. Cử tri này cũng đặt câu hỏi: Các biện pháp xử phạt hiện nay đã đủ sức răn đe hay chưa? Các giải pháp tiếp theo để khắc phục tình trạng nước thải ven biển là gì?...

Được biết, hiện Đà Nẵng đang triển khai 3 dự án: Cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng.  Dự án xây dựng tuyến ống thu gom nước thải, tuyến ống truyền tải mạnh cấp 1,2,3 và đấu nối nước thải hộ gia đình khu vực Mỹ An,Mỹ Khê đồng thời nâng cấp trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn công suất 30 ngàn mét khối/ngày đêm.

Tuy nhiên, do tiến độ triển khai chậm nên vấn đề ô nhiễm nước xử thải ven biển vẫn chưa được giải quyết, nhất là khi có mưa to, biển Đà Nẵng vẫn hứng chịu những dòng nước thải tanh hôi, đen ngòm tràn ra từ các cống xả thải. Dọc ven biển Q. Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn có 16 cống xả thải, người dân phản ánh mỗi khi mưa nước tràn qua đường Võ Nguyên Giáp, kéo theo cát bị kéo lên mặt đường có khi day hàng gang tay, còn nước thải hôi tanh thì chảy thẳng xuống biển khiến không ai dám tắm.

Người dân mong muốn dự án thu gom xử lý nước thải lưu vực Mỹ An, Mỹ Khê được đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành sớm nhằm khắc phục tình trạng nước thải gây ô nhiễm ven biển. Một lo ngại khác là tình trạng vi phạm về đấu nối xả thải của các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ven biển, các công trình xây dựng cũng đang đặt ra. Từ năm 2010 đến nay, thành phố mới cấp hơn 200 giấy phép đấu nối cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng khách sạn có hoạt động xả thải về phía biển nhưng qua kiểm tra ngẫu nhiên ở 34 cơ sở thuộc quận Ngũ Hành Sơn quản lý thì có 50% cơ sở không có giấy phép đấu nối thoát nước, 50% cơ sở không có lắp đặt bể tắt mở. Kiểm tra 58 cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận Sơn Trà có đến 23 cơ sở chưa có hồ sơ môi trường.

Các câu hỏi đặt ra là bãi biển Đà Nẵng sẽ còn phải gồm mình đến bao giờ để đối phó với tình trạng nước thải trực tiếp chảy ra biển? Khi nào sẽ hoàn thành các dự án xử lý nước thải ven biển? Khi các dự án đi vào hoạt động liệu có chấm dứt được tình trạng ô nhiễm nước thải chưa qua xử lý chảy ra biển; giải pháp nào xử lý triệt để các vi phạm trong đấu nối và xả thải của các cơ sở kinh doanh?...

K.T