Rải vàng mã trên đường đưa tang - hủ tục cần loại bỏ!
(Cadn.com.vn) - Rải vàng mã trên đường đưa tang, thực trạng để lại rất nhiều hệ lụy cho xã hội: vừa lãng phí tiền bạc, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Nhiều phiền toái
Xin được nói thẳng, việc rải vàng mã trên đường đưa tang chỉ là thói quen chưa thể từ bỏ của nhiều gia đình khi có người thân qua đời, chứ không hề có trong giáo lý nhà Phật, và cũng chẳng phải tập tục truyền thống của người Việt. Thực tế cho thấy, việc làm này đang ngày càng phổ biến và gây ra nhiều phiền toái cho xã hội, ảnh hưởng lớn tới môi trường. Chị Lan, công nhân làm vệ sinh môi trường trên đường Cách Mạng Tháng 8, phàn nàn: Sau một đêm thức giấc, con đường vốn dĩ rất sạch sẽ do chị em công nhân làm vệ sinh đêm hôm trước bỗng biến thành đường rác do có đám tang đi qua.
Từ vàng mã, hoa, gạo và muối đến cả tiền thật, người ta rải ngập đường, nên chúng tôi lại phải còng lưng dọn. Có ngày vừa dọn xong, vài chục phút đồng hồ sau lại có đoàn xe tang khác đi qua, hình ảnh cũ tiếp tục tái diễn. Có lẽ chịu nhiều ấm ức nhất là người dân sống dọc tuyến QL14B, bởi hầu hết các đám tang đều đi qua con đường này. Bà Nguyễn Linh D. cho hay, có ngày ít cũng 2-3 đám, còn nhiều đến cả chục. Trong khi đó, có đám người ta rải vàng mã, tiền, muối vừa phải, song có đám rải vô tội vạ. Trời không có gió thì thôi, bằng không ngày nào cũng nhặt, cũng quét, đến khổ.
Không chỉ gây phiền phức cho người dân sống ven đường, ảnh hưởng đến vệ sinh, mỹ quan, câu chuyện rải tiền, vàng mã trên đường đưa tang còn tiềm ẩn nhiều điều phiền toái khác, có thể gây họa cho người đi đường. Bản thân người viết có lần suýt “lãnh đạn” khi đi sát cạnh đoàn xe tang qua cầu Thuận Phước. Đang thông hành sau đuổi xe, bỗng người trên xe tang ném xòa nắm tiền âm phủ giữa không trung rồi tạt vào nhiều người đi đường, khiến ai cũng giật mình, buông một tay lái chống bị tạt vào mặt mũi. Tiền âm phủ đã đành, có đám tang còn tải cả tiền thật, chủ yếu 500 đồng đến 2.000 đồng, có đám “chơi sang” rải luôn tờ 5.000, 10.000 đồng trên phố, rất dễ gây TNGT do người đi bộ, trẻ em nhìn thấy tiền lao thật nhanh ra đường nhặt.
Các đơn vị kinh doanh dịch vụ tang lễ tham gia ký cam kết bảo vệ môi trường khi kinh doanh dịch vụ tang lễ. |
Thói quen cần bỏ
Đúng là một thói quen mang nặng tín ngưỡng dân gian. Trong suy nghĩ của nhiều người, nếu không làm vậy sẽ bị thiên hạ bàn tán, còn người quá cố buồn. Cũng có ý kiến cho rằng, rải như thế sẽ giúp người chết biết đường từ cõi âm mỗi lần về thăm nhà. Tuy nhiên, có ai chứng minh được rằng việc rải vàng mã sẽ giúp đưa tiền, vàng đến với người đã khuất và để tiêu xài được dưới cõi âm? Rốt cuộc, người hưởng lợi chẳng phải người quá cố của họ, mà là những cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng mã và những cơ sở mai táng. Một chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ mai tang cho biết, bình quân mỗi đám tang xài khoảng 200-300 ngàn đồng tiền mua vàng mã, tiền âm phủ, muối để rải trên đường. Có đám nhà xa nghĩa trang thì có khi lên đến tiền triệu, kể cả rải tiền thật. Nếu tính toán, đây là một sự lãng phí quá lớn.
Tại cuộc họp sơ kết quý I thực hiện Chỉ thị 43 của Thành ủy Đà Nẵng về “Năm Văn hóa, văn minh đô thị 2015” diễn ra đầu tháng 4 vừa qua, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường đã nêu ý kiến rằng, một trong những hành vi làm mất mỹ quan đô thị hiện chưa có biện pháp giải quyết chính là tình trạng rải vàng mã trên đường đưa tang. Theo ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở này, bình quân mỗi ngày có trên dưới 30 đám tang, trong khi đó mỗi đám tang đi qua để lại một lượng rác khổng lồ với hàng tạ giấy, gạo, muối, ảnh hưởng lớn tới môi trường, gây mất mỹ quan. Ngoài rải vàng mã, tiền âm phủ, chuyện rải tiền thật cũng khiến nhiều người tỏ ra không hài lòng.
Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 130 về bảo vệ tiền Việt Nam, nội dung ghi rõ: “Nghiêm cấm hủy hoại đồng tiền bằng bất kỳ hình thức nào”, trong khi đó điểm e, Điều 10, Thông tư số 04 ngày 21-1-2011 của Bộ VH-TT & DL cũng quy định: “Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang”. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng theo khoản 2 Điều 18 Nghị định số 75 ngày 12-7-2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Quy định là vậy, xong phần lớn các gia đình có người thân qua đời vẫn không chấp hành.
Làm gì để hạn chế, từng bước loại bỏ hủ tục này? Theo Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng CS Phòng, chống tội phạm về môi trường, cuối tháng 7-2015, đơn vị đã tổ chức buổi tuyên truyền các quy định về đảm bảo môi trường cho những đơn vị làm dịch vụ tang lễ trên địa bàn TP. Đây là một trong những hoạt động hướng đến mục tiêu thực hiện, xây dựng tốt Năm Văn hóa, văn minh đô thị, hướng tới mục tiêu xây dựng TP môi trường trong tương lai.
Dịp này, các đơn vị được nghe phổ biến các Nghị định, Thông tư, Chỉ thị về việc cấm, khuyến khích không rắc rải vàng mã khi tổ chức các hoạt động đưa tang; quy định các hình thức xử phạt đối với hành vi rải các loại tiền Việt Nam và tiền nước ngoài trên đường đưa tang; qua đó giúp các đơn vị kinh doanh dịch vụ có hình thức tuyên truyền, vận động các hộ dân có người thân qua đời không nên rải tiền vàng, nhất là tiền thật khi đưa tang, tiến tới loại bỏ thói quen đã và đang tồn tại nhiều năm qua; đồng thời tham gia ký cam kết với các nội dung...
“Do không thể xử lý khi đoàn xe đang trên đường đưa tang, nhưng bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, đơn vị cũng sẽ tiến hành cho quay hoặc chụp lại hình ảnh những đám tang có hành vi rải vàng mã, muối, tiền âm phủ, kể cả tiền thật trên đường để có hình thức xử phạt nguội các gia đình cũng như cơ sở kinh doanh dịch vụ mai táng. Đây cũng là chỉ đạo của UBND TP, vì có làm như vậy, người dân mới từng bước từ bỏ thói quen này, giúp môi trường Đà Nẵng được cải thiện” - Đại tá Trần Thanh Nhơn nói.
Công Hạnh