Báo Công An Đà Nẵng

Réhahn với tình yêu Việt Nam

Thứ ba, 23/08/2016 10:27

(Cadn.com.vn) - Bên dòng sông Hoài (Hội An, Quảng Nam), mọi người đều trầm trồ khi ngắm nhìn chân dung những người phụ nữ trong triển lãm ảnh "Phụ nữ Việt Nam" của nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn. Đằng sau những khoảnh khắc đó là tình yêu của nhiếp ảnh gia này với Việt Nam.

Những tấm hình của Réhahn, mang đến cho người xem một ấn tượng mạnh, không phải bởi những cảnh sắc rực rỡ, mà bởi sự dân dã, gần gụi, mộc mạc của các nhân vật trong khuôn hình. Phần lớn những nhân vật trong triển lãm của Réhahn là người già  hay người nghèo khó. "Tôi  ấn tượng bởi vẻ đẹp và tinh thần của những người phụ nữ Việt Nam. Họ luôn làm việc cật lực và chăm chỉ tại bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vì thế tôi muốn lưu giữ và tôn vinh những phẩm chất quý giá đó của phụ nữ Việt Nam"- Réhahn chia sẻ.

Réhahn chụp hình với một em bé Tây Bắc.

Nổi tiếng nhất trong 40 bức hình tại triển lãm của Réhahn có lẽ là bức ảnh bà cụ Bùi Thị Xoong (Hội An), mà như Réhahn nói- "là cụ bà đẹp nhất thế giới, với nụ cười mạnh mẽ, dịu dàng, bất chấp tuổi tác và hoàn cảnh sống". Với Réhahn, những gương mặt ghi đậm dấu ấn thời gian như cụ Xoong có một sức cuốn hút mãnh liệt. Ông nhìn thấy ở những người lao động cần mẫn trên những miền quê hay cả ở thành phố, đều mang vẻ đẹp tinh thần thuần túy, có nhiều điều cần khám phá. Thế nên  Réhahn quyết định chọn ở lại Việt Nam lâu dài, chứ không phải là Cuba hay Ấn Độ - hai đất nước ông đã có khá nhiều trải nghiệm với những tấm hình đặc sắc để thực hiện những chuyến đi chụp ảnh. Trong hơn 5 năm đến Việt Nam, ông đã đi khắp nơi trên mảnh đất hình chữ S để ghi lại những khoảnh khắc về thiên nhiên và con người Việt Nam. Sau mỗi bức ảnh là câu chuyện về con người và vùng đất mà Réhahn đi qua. "Khi bạn trò chuyện với họ, hiểu họ thì mới bắt được thần thái của họ. Một tấm ảnh chân dung đẹp cần xuất phát từ tình cảm chân thành của cả nhiếp ảnh gia và người được chụp"-  Réhahn nói. Để có bức ảnh vừa ý, có khi Réhahn phải trèo đèo, lội suối hơn nửa ngày đường, như bức ảnh về bà cụ Cơ Tu 86 tuổi ở vùng tây Quảng Nam mà ông may mắn được gặp. Hay những người phụ nữ vùng Tây bắc, Đông bắc, ở những nơi địa hình hiểm trở, như người Lô Lô, Bố Y, Tà Ôi, Pà Thẻn, Phù Lá, Sán Chí... cùng trang phục truyền thống, những đôi mắt sâu thẳm và nét chân chim hằn lên những khuôn mặt. Nhiều năm ở Việt Nam, Réhahn đã có một gia tài ảnh đồ sộ, trong đó cuốn sách ảnh "Vietnam - Mosaic of Contrasts" (tạm dịch là Việt Nam - những mảnh ghép đối lập) đã thể hiện điều đó. Không chỉ vậy, Réhahn còn lưu lại nhiều cảnh sắc và văn hóa, phong tục độc đáo, đủ để làm nên một bộ sưu tập văn hóa Việt bằng ảnh. Và rồi từ những chuyến đi, Réhahn bắt đầu quan tâm đến cách người Việt ứng xử với văn hóa truyền thống. Nhiếp ảnh gia này tâm sự, ông đau đáu khi ngày càng ít người dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống của mình và ông sợ rằng nhiều năm sau nữa, những giá trị văn hóa cổ truyền sẽ mai một dần. Réhahn tiết lộ, hiện đang thu thập trang phục truyền thống của các dân tộc ít người ở Việt Nam để chuẩn bị cho Hội chợ quốc tế Caen ở thành phố Caen (Pháp)-quê hương ông sẽ diễn ra vào tháng 9- 2016.

Một bức chân dung của nhiếp ảnh gia Réhahn trong triển lãm.

Tình yêu đã đưa nhiếp ảnh gia Réhahn tìm đến và ghi lại những hình ảnh ấn tượng về phụ nữ Việt Nam và tình yêu đang tiếp tục thúc đẩy ông làm những dự án khác về đất nước và con người Việt Nam.

Hoàng Anh