Báo Công An Đà Nẵng

Robot cứu hỏa

Thứ bảy, 13/04/2019 12:17

Trước thực tế tình trạng cháy nổ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản nhưng công tác phòng chống vẫn còn nhiều hạn chế, hai em học sinh gồm: Võ Đặng Văn Thành và Phạm Hồng Thái (lớp 12, Trường THPT Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi) đã chế tạo thành công mô hình robot cứu hỏa. Sản phẩm này được các chuyên gia nghiên cứu khoa học đánh giá rất cao nhờ khả năng ứng dụng thực tiễn và vừa xuất sắc giành giải nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia 2019.

Thái và Thành bên mô hình robot cứu hỏa.

Cô Võ Thị Cẩm Huyền (giáo viên Trường THPT Trần Quốc Tuấn) - người trực tiếp hướng dẫn đề tài cho hai học sinh nhìn nhận, đây không phải ý tưởng hoàn toàn mới nhưng có ưu điểm là tích hợp được nhiều tính năng hiện đại, áp dụng đồng bộ nhiều ứng dụng tiên tiến của khoa học công nghệ thời đại 4.0. "Dù là học sinh cuối cấp, lịch học tương đối bận rộn nhưng hai em vẫn sáng tạo thành công sản phẩm robot cứu hỏa là điều đáng khen ngợi. Điều đó cũng cho thấy niềm đam mê nghiên cứu khoa học ở lứa tuổi học sinh là rất lớn, nhà trường, xã hội nên tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các em khai phá khả năng vốn có của mình", cô Huyền nói.

Chia sẻ về ý tưởng chế tạo robot cứu hỏa, Thái thẳng thắn, gần đây các vụ cháy xảy ra ngày một nhiều, gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Khi cháy nhiệt độ ngọn lửa cao, bức xạ nhiệt khi đó cũng rất lớn khiến người chữa cháy khó có thể tiếp cận. Ngoài ra, nhiều vụ cháy kéo dài hàng chục tiếng đồng hồ nhưng lính cứu hỏa chỉ có thể trụ được 30 đến 60 phút là phải thay nên công tác chữa cháy liên tục bị gián đoạn. Điều đó là chưa kể đến một số chất, vật liệu khi cháy còn có thể phát nổ hoặc sinh ra khói độc gây nguy hiểm cho người tiếp cận. Trong khi đó việc chữa cháy hiện nay ở nước ta chủ yếu đều do con người thực hiện nên hiệu quả chữa cháy chưa cao. "Để chữa cháy một cách hiệu quả, an toàn nhất thì việc áp dụng một robot cứu hỏa là cần thiết. Một khi trí tuệ nhân tạo lên ngôi, có thể thay thế được sức lực của con người thì mới có thể hạn chế tối đa những rủi ro gặp phải trong quá trình lao động, nhất là đối với công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC)", Thái nhấn mạnh.

Với thiết kế nhỏ gọn, tích hợp nhiều tính năng thông minh robot cứu hỏa sẽ hỗ trợ chữa cháy hiệu quả hơn.

Cũng theo Thái, mô hình robot cứu hỏa này sử dụng vật liệu hoàn toàn bằng thép với khả năng chống chịu nhiệt cao. Bên trong robot còn có 6 cảm biến nhiệt, chịu được nhiệt độ lên tới 300 độ C, các bộ phận quan trọng như: mạch, camera, điều khiển đều được lắp vật liệu cách nhiệt amiang (1 loại vật liệu thường dùng để cách nhiệt trong đồng phục chữa cháy của cảnh sát PCCC). Đồng thời, phía sau robot có gắn một xi lanh điện để linh hoạt trong thay đổi góc phun, nâng góc phun trong các trường hợp tác chiến ở vị trí gần. Bên cạnh đó, với cơ cấu bánh xích, robot có thể di chuyển trên nhiều địa hình khác nhau, kể cả những địa hình phức tạp mà con người khó tiếp cận. "Robot còn có một ưu điểm nữa là có gắn camera với độ phân giải HD, thu hình ảnh liên tục về cho người điều khiển, giúp họ theo dõi được môi trường làm việc cũng như vị trí hoạt động của robot nhằm đưa ra phương án di chuyển, thay thế tốt nhất", Thái thông tin. Để hoàn thiện mô hình robot cứu hỏa này, Thái và Thành đã phải mất hơn 5 tháng miệt mài tìm hiểu và thử nghiệm. Nhiều kiến thức còn khá mới mẻ nhưng cả hai vẫn không ngại chịu khó tìm tòi các tài liệu tham khảo từ những mô hình robot cứu hỏa của nước ngoài. Các mạch điện chưa có ở các tài liệu trong nước nên một số phần như lập trình mạch, cảm biến nhiệt độ, camera... đều được cả hai tìm dịch từ tiếng Anh.

Thiếu tá Nguyễn Hợp, Phó Phòng cảnh sát PCCC Quảng Ngãi nhận xét, mô hình robot cứu hỏa của Thái và Thành là một trong những mô hình cần được nhân rộng, phục vụ công tác PCCC. Đặc biệt những vụ cháy ở những kiệt, hẻm nhỏ, xe chuyên dụng không tiếp cận được thì robot cứu hỏa là công cụ thay thế hiệu quả nhất. Hiện, mô hình này đã được thực nghiệm 3 lần tại Phòng Cảnh sát PCCC và đều cho kết quả tốt. Sắp tới, để mô hình hoàn thiện hơn, Phòng Cảnh sát PCCC sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để hai học sinh có cơ hội nghiên cứu thêm từ thực tiễn.

H.N