Báo Công An Đà Nẵng

Robot… làm nông

Thứ ba, 26/03/2019 14:10

Đó là ý tưởng sáng tạo của Đỗ Minh Huy (lớp 11A5, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng). Ý tưởng này vừa được Huy cụ thể hóa thành sản phẩm "Robot theo dõi và phát hiện bệnh cây trồng" giúp đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo Khoa học - kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (năm học 2018 - 2019) do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Đỗ Minh Huy (ngoài cùng bên phải) nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT trao tặng vì xuất sắc giành giải nhất cuộc thi KHKT cấp quốc gia với sản phẩm "Robot theo dõi và phát hiện bệnh cây trồng".

Huy chia sẻ, với đam mê khám phá, sáng tạo những điều mới mẻ nhằm áp dụng sự tiến bộ của KHKT vào phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất nên mỗi sản phẩm khoa học Huy chế tạo đều đặt tính ứng dụng thực tiễn lên hàng đầu. "Khi tìm ý tưởng cho một sản phẩm khoa học em đã suy nghĩ đến việc sẽ chế tạo ra một cái gì đó giúp đỡ người dân sản xuất nông nghiệp. Bởi, làm nông vốn bấp bênh nhưng thu nhập không ổn định, chưa kể đến là việc làm thế nào để phòng trừ hiệu quả sâu bệnh gây hại cũng khiến người nông dân phải "đau đầu". Để việc sản xuất được thuận lợi, giảm chi phí, công sức mà kết quả cao hơn em quyết định nghiên cứu chế tạo một robot… làm nông", Huy cho hay. Nghĩ là làm, sau khi có ý tưởng, Huy bắt đầu mày mò, nghiên cứu. Từ áp dụng kiến thức đã được học, Huy còn thường xuyên lên mạng tìm hiểu thêm nhiều kinh nghiệm bổ ích để sớm hoàn thiện sản phẩm. Cuối cùng, sau nhiều cố gắng, sản phẩm "Robot theo dõi và phát hiện bệnh cây trồng" cũng ra đời đúng với kỳ vọng của Huy. "Hiểu một cách đơn giản, robot này là "cánh ray" đắc lực hỗ trợ người nông dân trong việc phát hiện sâu bệnh gây hại nhằm kịp thời can thiệp, ngăn chặn. Ngoài ra, robot còn tích hợp các tính năng thông minh như: cập nhật vị trí, thông tin cây trồng cũng như kiểm tra, theo dõi chính xác được hàm lượng chất dinh dưỡng nhằm thông tin đến người trồng điều tiết. Quá trình nghiên cứu sản phẩm em thường xuyên lui tới những nơi áp dụng hình thức sản xuất nông nghiệp trong nhà kính để có những thử nghiệm trực tiếp. Bên cạnh đó, em còn tự tay trồng nhiều loại nông sản khác nhau sau đó tự gây bệnh để thử nghiệm tính hiệu quả. Sản phẩm robot được hoàn thành đã cơ bản thể hiện đầy đủ những ý tưởng ban đầu của em", Huy nói.

Cũng theo Huy, người nông dân thay vì phải đi dò dẫm kiểm tra từng gốc cây thì chỉ cần cài đặt robot, cung cấp thông tin về đường dẫn của trang trại, khởi động các chức năng là có thể truy cập đọc thông tin đã xử lý để biết rõ tình hình vườn hay thửa ruộng của mình. Robot được lắp đặt một camera ở phía trên để ghi lại tất cả hình ảnh của cây trồng sau đó gửi tín hiệu trực tiếp về máy chủ. Lúc này, thông tin truyền tải về sẽ được xử lý bởi tiến trình đã được cài đặt sẵn cho máy chủ bằng trí tuệ nhân tạo. Robot còn được thiết kế có cấu tạo gồm phần hộp dùng để chứa các thiết bị xử lý, trong đó có các bo mạch, modul xử lý động cơ (để tự di chuyển) và một modul kết nối với máy tính. Ngoài ra, sản phẩm này còn có một ưu điểm nữa là có thể di chuyển trong các thửa ruộng bùn lầy, gập ghềnh vì được lắp đặt bộ bánh xích đa năng. "Điều khó khăn nhất trong quá trình chế tạo là phần việc nghiên cứu trí tuệ trên máy tính. Làm thế nào để sản phẩm hoạt động trơn tru, cập nhật thông tin nhanh, kịp thời, chính xác cho người dùng mới là điều quan trọng nhất. Sản phẩm này nhằm phục vụ cho nông dân nên tính đơn giản, dễ cài đặt và sử dụng cũng được em chú trọng", Huy thông tin.

Tại cuộc thi KHKT cấp quốc gia vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, sản phẩm "Robot theo dõi và phát hiện bệnh cây trồng" của Huy xuất sắc vượt qua nhiều sản phẩm khác để giành giải nhất và được nhiều chuyên gia đánh giá cao vì tính sáng tạo cũng như có khả năng ứng dụng thực tiễn. Trước đó, sản phẩm này còn giành giải nhất cuộc thi KHKT cấp thành phố và giải ba Cuộc thi sáng tạo công nghệ dành cho học sinh THPT U-Invent. Sắp tới, để sản phẩm hoàn thiện hơn, Huy đang tập trung nghiên cứu tích hợp thêm các tính năng thông minh khác đồng thời phát triển robot có thể áp dụng trên tất cả các loại cây trồng khác nhau.

THÀNH DANH