Báo Công An Đà Nẵng

Rồi đến lượt NATO tan rã?

Thứ bảy, 03/04/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra đời sau Thế Chiến thứ II và là khối quân sự đối trọng với các nước xã hội chủ nghĩa do Liên  Xô đứng đầu (Warsaw) trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Sự tan rã của  Liên Xô và  nước XHCN Đông Âu đầu những năm 90 của thế kỷ XX đã dẫn đến việc giải thể khối quân sự Warsaw. Từ đó đến nay, NATO tiếp tục hướng đông kết nạp thêm các thành viên vốn là các nước thuộc khối Warsaw trước đây hoặc các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, đưa khối này áp sát đường biên giới của Nga. Tuy nhiên, có một thực tế là NATO hiện đang gặp phải những thách thức mới, bao gồm sự can dự rất lớn tại Afghanistan vốn được một số chuyên gia xem như là một phép thử đối với sự tồn tại của tổ chức này.

Đồng thời, sự kết thúc đột ngột của Chiến tranh Lạnh, NATO có xu hướng tập trung về Trung Âu, đầu tiên là chú ý tới cuộc khủng hoảng tại Balkan và hiện nay với Afghanistan. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, sự yếu kém của NATO trong việc đối phó với một thế giới đang thay đổi. Nhận thức được điều cấp bách này, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, theo sự chỉ đạo của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, gần đây đã thành lập một nhóm các chuyên gia do cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright đứng đầu, phát triển một khái niệm chiến lược mới, trong đó sẽ trình bày kết quả với các nhà lãnh đạo các quốc gia thuộc NATO tại hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra tại Bồ Đào Nha vào cuối năm 2010 để đưa ra quyết định chiến lược.

Trong khi đó, Viện nghiên cứu các tổ chức quốc phòng, cùng với Bộ Quốc phòng và Học viện Ngoại giao Canada với một đội ngũ có kinh nghiệm sâu sắc về NATO bao gồm các chính trị gia, đại sứ, sĩ quan quân đội, các viên chức hàn lâm và cao cấp vừa mới công bố một nghiên cứu chung đánh giá chi tiết về tương lai của NATO. Báo cáo này là một tuyên bố hùng hồn về những gì NATO cần phải làm để đáp ứng các yêu cầu khó khăn trong thế kỷ XXI nhìn từ quan điểm tình báo và thực tế của Canada.

Báo cáo này cho rằng, ngày nay NATO đang phải đối mặt với một loạt các mối đe dọa lớn xuất phát từ những bất ổn tại các quốc gia đã và đang thất bại trong cuộc chiến chống khủng bố (đặc biệt là các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan), những mối lo ngại về việc tiếp cận vũ khí hủy diệt hàng loạt của một số nhà nước và tổ chức phi nhà nước tới nạn cướp biển, tội phạm buôn bán ma túy, các cuộc tấn công bằng vũ khí tự động, các cuộc khủng hoảng do thiên tai và nhân đạo do con người gây ra, tình trạng khan hiếm năng lượng, hậu quả của biến đổi khí hậu, và bất cứ điều gì khác có thể xảy ra trong tương lai.

Trong ảnh: Bộ trưởng Quốc phòng Đức Karl-Theodor thăm các binh sĩ nước này đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của khối NATO tại Kosovo. Ảnh: Reuters 

NATO, với số lượng thành viên gia tăng (hiện nay 26 quốc gia), một bộ máy nặng nề và các quốc gia thành viên ngày càng xu hướng thờ ơ với trách nhiệm chung, đang lúng túng và cuộc chiến tại Afghanistan đã mang lại nhiều khó khăn mà NATO cần phải tập trung đối phó.  Theo báo cáo cho rằng NATO đang suy thoái vào cái được gọi là “Hội chứng Liên hợp quốc”. Theo đó, các quốc gia thành viên vô tình chấp thuận về một tiến trình hành động nhưng không cam kết các nguồn lực cần thiết.

Ở một khía cạnh khác, Tạp chí “Tấm gương” (Đức) đăng bức thư ngỏ của 4 chuyên gia quốc phòng nước này gồm: Volker Ruhe là Bộ trưởng Quốc phòng Đức trong giai đoạn 1982-1998; tướng về hưu Klaus Naumann từng là Tổng thanh tra các lực lượng vũ trang Đức và là Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO; cựu Đại sứ Frank Elbe từng là Chủ tịch Ủy ban kế hoạch Bộ Ngoại giao Đức và là Đại sứ Đức tại các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Ba Lan và Thụy Sỹ; Phó đô đốc đã nghỉ hưu Ulrich Weisser đã có thời là Giám đốc Ủy ban kế hoạch thuộc Bộ Quốc phòng Đức nhận định rằng, nhu cầu an ninh xuyên Đại Tây Dương đã thay đổi căn bản trong 2 thập kỷ qua, sự đối đầu Đông-Tây đã chấm dứt và Moscow giờ đây đang chia sẻ nhiều lợi ích với NATO, nên đã đến lúc liên minh cần “mở cửa” cho Nga.

Bức thư có đoạn nêu rõ: Cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt đã lưu ý một cách lo ngại rằng nhiều chính trị gia ngày nay có quá ít hiểu biết về lịch sử, hoặc không đủ khả năng khi đề cập đến sự am hiểu về chiến lược và các vấn đề an ninh. Tại Đức, không có cuộc thảo luận đáng kể nào về tương lai NATO, về sự tự nhận diện khối, về chiến lược tương lai của NATO cũng như làm sao để có thể “thu nạp” được Nga. Berlin đã không thể hiện bất kỳ quan điểm lãnh đạo cũng như không hề xúc tiến một cuộc hội thảo quốc tế nào. Đây là sự thất vọng đối với các thành viên NATO khác.

Dẫu vậy, an ninh Châu Âu vẫn có một sứ mệnh không thay đổi. Những thách thức mới đòi hỏi phải có sự phản ứng khác trước. Khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương cần sự hòa bình và ổn định bên trong, nhưng cũng cần được bảo vệ để chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài. Cuối cùng, sự nổi lên của một thế giới đa cực đòi hỏi phải tìm ra cách để làm cân bằng những động lực chính trị, kinh tế và chiến lược của các cường quốc Châu Á lớn.

Trong thể thức hiện tại, NATO không đủ khả năng để thực hiện các sứ mệnh này. Trong tương lai, liên minh nên tự nhìn nhận như một khuôn khổ chiến lược cho 3 trung tâm quyền lực: Bắc Mỹ, Châu Âu và Nga. Nếu liên minh muốn trở thành diễn đàn chính yếu để đối phó với tất cả các cuộc khủng hoảng - vì nó là diễn đàn duy nhất, nơi mà Bắc Mỹ, Châu Âu và Nga cùng ngồi lại với nhau - thì ngay lúc này NATO phải thiết lập một khuôn khổ thể chế cần thiết cho những gì sẽ xảy ra. Cánh cửa gia nhập NATO nên được mở ra cho Nga. Đổi lại, Nga phải được chuẩn bị sẵn sàng để chấp nhận các quyền và nghĩa vụ của một thành viên NATO - một sự bình đẳng giữa những sự bình đẳng. 

Lực lượng an ninh Afghanistan, binh lính Anh và lực lượng NATO tại tỉnh Helmand. Ảnh: AP 

Bức thư nhấn mạnh: Nhưng giờ đây, cuộc đối đầu Đông-Tây đã kết thúc, Châu Âu, bao gồm Đức, không còn mang tầm chiến lược thiết yếu đối với Mỹ như trong những thập kỷ qua. Đã có thể nhận ra dễ dàng sự tập trung của Mỹ vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. NATO đã tạo khuôn khổ ổn định cho sự hội nhập của các nước Trung Âu vào cấu trúc Châu Âu, cho phép EU và NATO xác định sứ mệnh lịch sử của việc tái tổ chức Châu Âu sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và đem lại cho nó sự hòa bình và ổn định. Giờ đây, tính toán để “kết nạp” Nga là một nhiệm vụ tương đối lớn trong chương trình nghị sự (của NATO).

Những băn khoăn, gợi mở kết nạp Nga và cả sự cảnh báo đó cho thấy, NATO thật sự đang đứng trước những khó khăn, lúng túng cả về chiến lược phát triển lẫn trong hành động thực tế. Câu hỏi tồn tại hay không tồn tại đã được đặt ra một cách nghiêm túc cho các nhà lãnh đạo NATO. Mới đây, khi tham gia cầu truyền hình Moscow-Bratislava do hãng RIA Novosti thực hiện, Cựu Thủ tướng Slovakia Charnogurski tuyên bố, việc NATO mở rộng về phía Đông đã khiến triển vọng hợp tác ngay trong nội bộ Châu Âu suy giảm và tăng mối lo ngại của Nga. Ông nói: “Trong thời gian tới, chúng ta sẽ chứng kiến sự tan rã của NATO, vì không có bất cứ điều kiện nào cho khối này phát triển”.

Theo ông Charnogurski, NATO không phổ biến ở Slovakia, và việc Bratislava gia nhập khối này là do các phương tiện truyền thông đại chúng trong nước thổi phồng. Hơn nữa, điều đó được thực hiện trái Hiến pháp, do không có trưng cầu dân ý. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Slovakia Anna Belousova, người cũng tham gia cầu truyền hình, đã phản đối việc bố trí tên lửa của Mỹ tại Châu Âu. Về kế hoạch thành lập hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Hervé Morin cũng đã chất vấn Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen rằng NMD đang được thành lập để giáng trả nguy cơ nào? Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày 31-3, Bộ Ngoại giao Bỉ thông báo, Liên minh phòng thủ Tây Âu (WEU), tổ chức được thành lập giai đoạn đầu thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đã bị giải thể. Các nhà quan sát cho rằng. WEU bị giải thể vì vai trò và chức năng hoạt động của tổ chức không còn thích hợp trong bối cảnh thế giới hiện nay.

WEU được Bỉ, Anh, Pháp, Luxembourg và Hà Lan thành lập năm 1948 và sau đó kết nạp thêm các nước như Đức, Italia và Tây Ban Nha. Trước khi bị giải thể, WEU có 10 nước thành viên và 18 nước hội viên hợp tác hoặc quan sát viên là thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) và NATO. Tuy nhiên, vai trò của liên minh này đã biến mất khi NATO và EU đảm đương trách nhiệm bảo đảm an ninh cho Châu Âu.

Tuyết Minh