Báo Công An Đà Nẵng

Rộng cửa đón AI

Thứ sáu, 26/01/2024 21:11
Trung tâm giám sát, điều hành thông minh TP Đà Nẵng được cắt băng khánh thành đưa vào sử dụng với việc áp dụng công nghệ AI trong việc phân tích dữ liệu.

Từ năm 2020, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã bắt đầu đào tạo chuyên ngànhKhoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (thuộc ngành Công nghệ thông tin chất lượng cao) xuất phát từ “đặt hàng” nhân lực của các tổ chức và doanh nghiệp. Đà Nẵng cũng tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, từng bước xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo của khu vực miền Trung. Mục tiêu kinh tế số của Đà Nẵng là chiếm tối thiểu 20% GRDP, công nghiệp công nghệ thông tin truyền thông chiếm tối thiểu 10% GRDP vào năm 2025, con số này lần lượt tăng lên 30% và 15% vào năm 2030. Bên cạnh đó, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số, tốc độ doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10%/năm, tăng trưởng doanh thu phần mềm giai đoạn này đạt 12%/năm.

Theo ông Nguyễn Công TiếnPhó Trưởng ban Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, thành phố đã ưu tiên khuyến khích đầu tư, phát triển vào lĩnh vực AI. Các doanh nghiệp đầu tư sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như miễn tiền thuê đất, miễn thuế 4 năm đầu tiên và được giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo, hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm. Vào cuối tháng 10-2023, tại Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo Việt Nam- Hàn Quốc 2023”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết: Đà Nẵng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển lĩnh vực AI, từng bước xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI của miền Trung cũng như cả nước. Các tổ chức, các doanh nghiệp Đà Nẵng và các đối tác trong lĩnh vực AI luôn được thành phố tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối, hợp tác, đẩy mạnh thương mại hóa, thu hút đầu tư vào các dự án ứng dụng AI trong các lĩnh vực như y tế, thành phố thông minh.

Ứng dụng AI vào quản lý, giám sát, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

“Thông minh hóa” các hệ thống truyền thống trong nền Công nghiệp 4.0 đóng vai trò mũi nhọn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Các chuyên gia khoa học dữ liệu đang trở thành ngành nghề “hot”, với mức lương hấp dẫn và vượt trội hơn các ngành khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ông Nguyễn Xuân Tài - Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Công nghệ thông tin Naiscorp cho rằng, AI đang ở giai đoạn đầu phát triển, Đà Nẵng nên tận dụng lợi thế địa phương đó là sản xuất giá rẻ, thay đổi nhanh, phù hợp với bản địa, nghiên cứu các vấn đề mới ngay bây giờ như Quantum AI, Analog/Neuromorphic, Computing Spatial Computing, Tư vấn ứng dụng AI vào chuyển đổi số, ứng dụng và chế tạo Robots, Emation AI. Ông Nguyễn Văn Minh Đức - Giám đốc Công ty CP Công nghệ Hekate cho rằng nguồn nhân lực có vai trò rất quan trọng trong phát triển AI. Các chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho AI đến từ hợp tác với các đơn vị đào tạo trường học, các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các tập đoàn, doanh nghiệp... “Chúng tôi kỳ vọng Đà Nẵng có thể trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo về trí tuệ nhân tạo với những chương trình AI quy mô quốc tế có thể được tổ chức tại đây trong tương lai”, ông Đức nhấn mạnh.

Đoàn lãnh đạo TP Đà Nẵng làm việc với Tập đoàn Intel.

Trong chuyến thăm ngày 17-11, đoàn công tác thành phố Đà Nẵng do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Tập đoàn công nghệ hàng đầu toàn cầu Intel. Buổi làm việc tập trung và hướng đến các vấn đề liên quan tới những giải pháp công nghệ Intel đang tập trung phát triển nhằm phổ cập trí tuệ nhân tạo đến mọi nơi, thúc đẩy sự phát triển của “Siliconomy” (“nền kinh tế bán dẫn”) trên toàn cầu, chương trình Sẵn sàng cho số hóa (Intel Digital Readiness Program) nhằm hỗ trợ, cung cấp kiến thức, giúp người dân, sinh viên, chuyên gia, lãnh đạo của 26 quốc gia trên toàn cầu có cơ hội tiếp cận với công nghệ AI, khai thác tối đa những cơ hội nền kinh tế số mang lại, tập trung tại 4 nước là Mỹ, Đức, Hàn Quốc và Việt Nam. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, các thế mạnh của Đà Nẵng trong thu hút đầu tư lĩnh vực bán dẫn, nhất là chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng thông tin kết nối đồng bộ và sự đồng hành của chính quyền thành phố, từ đó, hướng đến kế hoạch hợp tác giữa hai bên về đào tạo nguồn nhân lực Đà Nẵng kết hợp với chương trình Trí tuệ nhân tạo cho tương lai (“AI for Future”) của Tập đoàn, hỗ trợ xây dựng Trung tâm tính toán hiệu năng cao (“The high performance computer center”).

Thảm đỏ của Đà Nẵng là khung pháp lý, cơ chế thuận lợi cho lộ trình đào tạo, kết nối quốc tế và cũng tâm huyết của lãnh đạo và nhân dân Đà Nẵng. Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động, các chuyến thăm cũng như diễn đàn kết nối sinh viên, lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực công nghệ thông tin, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, nhà đầu tư... để tìm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số. Tiếp tục những quyết tâm đó, kỳ vọng Đà Nẵng sẽ sớm trở thành một “Thung lũng Silicon” về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo củakhu vực miền Trung.

LÊ ANH TUẤN