Báo Công An Đà Nẵng

Rủi ro còn đó

Thứ hai, 13/04/2020 14:15

Nga và Saudi Arabia đã chấm dứt cuộc chiến giá dầu tàn khốc và hiện đang đẩy hàng chục nhà sản xuất dầu thô lớn đến một thỏa thuận sẽ cắt giảm sản xuất và giúp ổn định một thị trường đang bị rung chuyển bởi đại dịch Covid-19.

Cuối tuần qua, sau những cuộc họp marathon, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) đã nhất trí cắt giảm sản lượng còn 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và 6, trong động thái được đánh giá là nhằm kéo giá dầu lên sau khi đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong bối cảnh thị trường đang ở trong tình trạng dư cung, khiến giá “vàng đen” xuống mức thấp kỷ lục, các nước nhất trí sẽ bắt đầu cắt giảm từ ngày 1-5 tới. Theo đó,  các thành viên trong liên minh OPEC+  nhất trí cắt giảm sản lượng tới 10 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 5 và tháng 6 tới. Trong đó, Saudi Arabia sẽ giảm 3,3 triệu thùng/ngày và Nga giảm 2 triệu thùng/ngày. Mức giảm này sẽ còn 8 triệu thùng/ngày từ tháng 7 đến tháng 12 và 6 triệu thùng/ngày từ đầu năm 2021 đến tháng 4-2022 khi nhu cầu nhiên liệu toàn cầu giảm tới 30% do các chính phủ triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch Covid-19, cắt giảm hoạt động của các phương tiện giao thông và nền kinh tế.

Dù hội nghị kết thúc trong thành công, không có người thua-kẻ thắng nhưng rủi ro vẫn còn đó khi Mexico từ chối ủng hộ thỏa thuận và những người tham gia cuộc họp thừa nhận trong một tuyên bố rằng, thỏa thuận cuối cùng là có điều kiện dựa trên sự đồng ý của nước này. Sự chú ý giờ đã chuyển sang một vòng đàm phán khác giữa Nhóm G20, bao gồm Mexico. Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo vì vậy đã kêu gọi các nước G20 tham gia cắt giảm sản xuất, nói rằng mọi nhà sản xuất dầu đều có trách nhiệm “mở rộng hoạt động này”.

Mexico là nước duy nhất không tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô do OPEC đứng đầu. Trong động thái lạc quan, Tổng thống Mexico Lopez Obrador hôm 12-4 nói với các phóng viên rằng, ông đã đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Theo thỏa thuận của OPEC, Mexico phải cắt giảm 400.000 thùng/ngày, tuy nhiên Mexico phản đối và muốn chỉ giảm tối đa 100.000 thùng/ngày. Tổng thống Obrador nhấn mạnh rằng, ông Trump đã nhất trí cắt giảm sản lượng của Mỹ 250.000 thùng/ngày "để đền bù" cho Mexico.

Các nhà sản xuất dầu đang tuyệt vọng tìm cách tăng giá sau khi Saudi Arabia và Nga bác bỏ việc cắt giảm sản lượng vào đầu tháng 3, phát động cuộc chiến dầu mỏ bằng cách làm tràn ngập thị trường dầu thô. Cuộc chiến này cùng với nhu cầu năng lượng giảm mạnh do đại dịch đã đẩy giá dầu xuống thấp kỷ lục. Nhưng ngay cả khi các nhà sản xuất cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng mỗi ngày, thì con số này chỉ tương đương khoảng 10% nguồn cung dầu thông thường của thế giới, thấp hơn nhiều so với ước tính về nhu cầu dầu đã sụp đổ sau khủng hoảng coronavirus. Và đã có những lo ngại rằng, động thái này không đủ khả năng ngăn chặn giá dầu tiếp tục sụt giảm lớn trong những tháng tới.

THANH VĂN