Báo Công An Đà Nẵng

Rúng động bê bối tình dục của binh sĩ Pháp

Thứ hai, 04/05/2015 08:46

(Cadn.com.vn) - Điện Élysees đang đau đầu trước những tố cáo Lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Pháp ở Châu Phi lạm dụng tình dục trẻ em ở các quốc gia họ hoạt động như Trung Phi, Chad...

CNN ngày 3-5 dẫn lời Paula Donovan, Giám đốc quỹ AIDS-Free World, cho biết, những cậu bé nghèo đói, vô gia cư tại Cộng hòa Trung Phi đã bị các binh sĩ Pháp ép buộc quan hệ tình dục để đổi lấy lương thực hoặc tiền bạc.

Trích dẫn báo cáo bí mật của LHQ về những cáo buộc lạm dụng nhằm vào binh sĩ Pháp, bà Paula cho biết, đã có những lời cáo buộc chi tiết của 6 trẻ em từ Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền (OHCHR). “Các em cho biết đã trải qua những thời điểm kinh hoàng. Nhiều cậu bé kể lại cho bạn về việc những binh sĩ đe dọa đánh em nếu nói với bất cứ ai về những gì họ đang làm”, Donovan nói đồng thời cho rằng, “các em đã bị tổn thương nặng nề”.

Binh sĩ Pháp tuần tra gần khu vực sân bay Quốc tế M'Poko ở thủ đô Bangui, Trung Phi.
Ảnh: Reuters

PHÁP BẼ MẶT

Các cáo buộc liên quan đến binh sĩ Pháp được triển khai tại Trung Phi trong vai trò Lực lượng Gìn giữ Hòa bình LHQ và ở các nước khác như Chad và Equatorial Guinea.

Việc lạm dụng xảy ra đặc biệt nghiêm trọng đối với hàng chục trẻ em ở một trại tị nạn tại Sân bay Quốc tế M'poko thuộc thủ đô Bangui vào giữa tháng 12-2013 và tháng 6-2014. Các cáo buộc gây sốc đã khiến Tổng thống Pháp Francois Hollande cam kết sẽ hành động mạnh mẽ nếu được xác nhận là sự thật. “Nếu một số binh sĩ xử sự tồi, tôi sẽ tàn nhẫn”, ông Hollande nói trong bài phát biểu trên đài BFMTV đồng thời khẳng định, “Nếu thông tin này được xác nhận, sẽ có biện pháp trừng phạt thích đáng”.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết đã nhận được thông báo của Trung Phi về cáo buộc binh lính Pháp bóc lột và lạm dụng tình dục trẻ em từ cuối tháng 7-2014. Và hiện nay, các công tố viên Pháp đã mở cuộc điều tra. “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã và sẽ nỗ lực bằng tất cả các biện pháp cần thiết để cho phép việc tìm ra sự thật. Nếu sự thật đúng như vậy, những kẻ phạm tội sẽ bị trừng phạt mạnh mẽ vì đây là hành vi phạm tội không thể tha thứ, đặc biệt đối với những người lính”, tuyên bố từ Bộ này cho biết.

Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Pháp tuyên bố, quân đội hiện không thông báo công khai vụ việc do đang điều tra. Vụ việc lần này đang làm bùng nổ làn sóng chỉ trích LHQ. “Quân đội Pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ Pháp. Nhưng các nhân viên LHQ vẫn cần hành động để bảo vệ trẻ em, nếu họ phát hiện ra bằng chứng về tình trạng lạm dụng và bóc lột tình dục”, bà Paula nói.

TRUNG PHI BẤT ỔN

Pháp có khoảng 2.000 binh sĩ tại Trung Phi cùng với hơn 6.000 quân thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình. Lực lượng này đến Trung Phi từ tháng 12-2013 nhằm giúp một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới này ổn định tình hình do bạo lực bùng nổ giữa các phe phái khiến hơn 5.000 người thiệt mạng.

Trung Phi bắt đầu rơi vào hỗn loạn từ tháng 3-2013 sau khi liên minh của các phiến quân Hồi giáo lật đổ Tổng thống Francois Bozize. Nhóm Seleka sau đó buộc phải từ bỏ quyền lực, nhưng phe Kitô giáo và Hồi giáo tiếp tục chiến đấu để giành quyền kiểm soát. Để chống lại các cuộc tấn công vào cộng đồng Kitô hữu, các nhóm cảnh vệ được gọi là Anti-Balaka, chiến đấu trở lại. Bạo lực làm bùng nổ cuộc khủng hoảng nhân đạo khi hàng trăm ngàn người rời bỏ nhà cửa. Một số tìm cách lánh nạn tại các nước láng giềng, nhưng nhiều người vẫn sống trong các trại tạm bợ. Một quá trình chuyển đổi chính trị dự kiến đang được tiến hành, nhưng âm ỉ căng thẳng giáo phái tiếp tục đe dọa  nước này.

LHQ từng cảnh báo, Trung Phi “trở thành cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất bị lãng quên của thời đại chúng ta”, với khoảng 60% dân số 4,6 triệu người vẫn cần viện trợ, trong đó có gần 900.000 người buộc phải di dời bởi cuộc xung đột.

Khả Anh