Báo Công An Đà Nẵng

Rừng Kon Tum lại kêu cứu

Thứ ba, 02/04/2019 13:10

Thời gian gần đây, rừng Kon Tum từng ngày chảy máu mặc cho nỗ lực của các ngành chức năng. Đã đến lúc, Kon Tum cần nhìn lại các biện pháp giữ rừng để giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ra phá rừng...

Tổ công tác của Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Trung phối hợp với Đồn BP Dục Nông bắt giữ 2 xe vận chuyển gỗ lậu.

Gian nan giữ rừng

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, liên tiếp nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn Kon Tum đã được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng phá rừng lại có chiều hướng gia tăng và diễn ra hết sức phức tạp. Riêng trong ngày 22-3, tổ công tác của Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) miền Trung thuộc Cục PCMT&TP Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp với Đồn Biên phòng Dục Nông thuộc Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Kon Tum tiến hành kiểm tra, phát hiện 2 vụ vận chuyển gỗ không có giấy tờ hợp lệ, tịch thu 14,4m3 gỗ.

Cụ thể, vào lúc 3 giờ, tại thôn Chả Nhầy, xã Đắk Dục, H. Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum), tổ công tác phát hiện và kiểm tra ô-tô BKS 82C-007.70 do lái xe Nguyễn Viết Trung (1982, trú xã Đắk Tô, H. Đắk Tô, Kon Tum) điều khiển và ô-tô BKS 54A-1229 do lái xe Nguyễn Huy Trung (1997, trú xã Nghi Mỹ, H. Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) điều khiển, phát hiện trên ô-tô BKS 82C-007.70 đang vận chuyển 13 hộp gỗ, khối lượng 2,481m3 còn ô-tô BKS 54A-1229 đang vận chuyển 27 hộp gỗ, khối lượng khoảng 5,58m3. Cùng ngày, lúc 8 giờ 10, tại thôn Đắk Ba, xã Đắk Dục, H. Ngọc Hồi, tổ công tác lại tiếp tục phát hiện 26 hộp gỗ, khoảng 6,346m3 không có người trông coi, canh giữ, không có người nhận là chủ sở hữu. Mới đây nhất, lúc 2 giờ ngày 26-3, tại đoạn đường qua thôn Plei Weh, xã Ya Chim, TP Kon Tum, lực lượng làm nhiệm vụ của Hạt Kiểm lâm TP Kon Tum phối hợp lực lượng chức năng mật phục, bắt giữ xe tải BKS 72L-2870 chở 16 lóng gỗ tròn không có dấu búa Kiểm lâm lưu thông trên Tỉnh lộ 671. Khi bị truy đuổi, tài xế ô-tô dừng xe và chạy trốn khỏi hiện trường. Tiếp tục kiểm tra cách hiện trường chừng 3km, lực lượng chức năng phát hiện tại khu vực lòng hồ thủy điện Ya Ly cũng thuộc địa bàn thôn Plei Weh có 7 lóng gỗ tròn, tổng khối lượng hơn 3m3.

Theo Trung tá Nguyễn Thành Nhơn- Phó đoàn trưởng Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Trung, thời gian gần đây, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng, tình trạng phá rừng trái pháp luật có chiều hướng gia tăng và diễn ra hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn, hình thức khác nhau. Những người dân đa phần là người đồng bào dân tộc thiểu số người địa phương vào rừng rồi sử dụng rìu, rựa hoặc cưa xăng độ chế nhằm tránh phát ra tiếng động để đối phó với lực lượng bảo vệ rừng và các ngành chức năng. Đồng thời họ còn cho người theo dõi, nếu phát hiện lực lượng chức năng sẽ thông tin cho nhau bằng điện thoại để bỏ trốn nên lực lượng chức năng rất khó phát hiện. Chưa kể việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn khi người dân gần như thiếu hợp tác, gây áp lực lớn cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng nơi đây.

Một cây gỗ quý trong rừng đặc dụng ở Kon Tum bị “lâm tặc” đốn hạ.

Cần có biện pháp mạnh

Tình trạng lâm tặc phá rừng và người dân địa phương lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, làm trang trại đang ngày càng phức tạp hơn khi người dân tập hợp đông người và sẵn sàng chống đối, cản trở lực lượng chức năng. Trước tình hình này, ông Nguyễn Hữu Tháp- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, chính quyền địa phương đã nắm được các vụ việc và đang triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn việc “lâm tặc” phá rừng và người dân phá rừng làm nương rẫy, quan điểm của UBND tỉnh là không bao che, không dung túng cho bất cứ các hành vi vi phạm pháp luật nào liên quan đến công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ rừng. "UBND tỉnh Kon Tum đã giao Chi cục Hạt Kiểm lâm phối hợp các ngành chức năng xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm. Trước mắt, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý các đối tượng theo đúng quy định pháp luật. Về lâu dài sẽ kiên quyết áp dụng chế tài không cho các đối tượng phá rừng sử dụng đất trồng cây khác, dần tái tạo diện tích rừng đã mất", ông Tháp khẳng định.

Tuy nhiên, từ sự việc trên có thể thấy áp lực giữ rừng đang đè nặng lên những đơn vị, ngành chức năng quản lý bảo vệ rừng nơi đây khi người dân ồ ạt kéo nhau phá rừng, bất chấp quy định pháp luật. Các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân cũng như xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, như vậy mới mong giữ được những cánh rừng còn lại nơi đây.

Về tình trạng phá rừng không có hồi kết, ông Trần Việt Hùng- Phó Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đang đề nghị thành lập một bộ phận trực tiếp chỉ đạo bảo vệ rừng đặt tại Tây Nguyên, đồng thời nghiên cứu thành lập một số đơn vị đặc nhiệm chuyên xử lý các điểm nóng phá rừng, vi phạm lâm luật. Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Thủ tướng phê duyệt dự án tổng thể điều tra, kiểm kê rừng tại Tây Nguyên trong năm 2013; xem xét chỉ đạo tạm dừng khai thác rừng tự nhiên từ năm 2013 (trừ những đơn vị có chứng chỉ rừng bền vững do quốc tế cấp). Thậm chí, đề nghị sử dụng lực lượng quân đội để bảo vệ rừng.

HOÀNG ANH TRẦN