Báo Công An Đà Nẵng

Rừng lát hoa giữa đại ngàn

Thứ năm, 05/02/2015 10:18

(Cadn.com.vn) - Rời quê hương vào Đông Trường Sơn, cư dân làng Mường Trà Giang (thôn 6, xã Trà Giang, H. Bắc Trà My, Quảng Nam) đã mang theo một một ít hạt giống lát hoa. Nhận thấy tiềm năng kinh tế cao của cây gỗ quý này, họ mở rộng diện tích trồng, mở ra một hướng làm giàu còn khá mới mẻ...

Từ trung tâm xã Trà Giang vào làng Mường phải đi qua những đoạn đường đất, đá lởm chởm. Song địa hình khó khăn ấy không làm phân tâm những ai mới đến đây, bởi sức hút của một dải màu đỏ xa tít trên những ngọn đồi.

Kiểm lâm viên Đỗ Công Nhựt chỉ tay lên những ngọn đồi giải thích, màu đỏ mà chúng tôi thấy từ xa là màu lá non của cây lát hoa. “Gỗ lát hoa được xếp vào loại gỗ quý, dùng làm đồ trang trí nội thất, đồ mộc mỹ nghệ rất đẹp. Những cây trên 30 tuổi được thương lái thu mua gần 100 triệu đồng”, anh Nhựt nói.

Một người làm gỗ lâu năm tại địa phương cho biết, cây lát hoa trước đây chỉ sinh trưởng tại các tỉnh miền núi từ Hà Tĩnh trở ra Bắc nên nếu có khách đặt hàng thì mới ra ngoài Bắc thu mua gỗ rồi vận chuyển và  gia công tại nhà. Giá thành gỗ vì vậy rất cao, chỉ những gia đình khá giả mới dám mua. Người nào may mắn sở hữu một bàn thờ tổ tiên hay đôi lộc bình “chưng” trong nhà tạc bằng gỗ lát hoa được cho là mang nhiều điều tốt đến cho gia chủ. Ông  Bùi Văn Tới (58 tuổi), gia đình có diện tích trồng lát hoa lớn nhất tại đây chia sẻ: “Rễ cây lát hoa rất khỏe, nó lại dễ sống tốt trên vùng đất đồi núi, ít công chăm sóc. Theo tôi những năm tới giá gỗ lát hoa sẽ còn tăng lên cao do nhu cầu lớn của thị trường trong khi các loại gỗ như gõ, lim, dỗi…đã cạn kiệt”.

Ông Tới bên cạnh vườn cây lát hoa.

Khi gỗ tự nhiên dần cạn kiệt, gỗ trồng lên ngôi. Đó là quy luật. Song với lát hoa, “hữu xạ tự nhiên hương”, giá trị gỗ rừng trồng so với gỗ tự nhiên không chênh lệch mấy. Dẫn chúng tôi đến ngọn đồi trồng lát hoa, ông Tới cho biết: “Vườn lát hoa này đến nay gần 20 năm, cây có chu vi trung bình mỗi gốc 1,5m, lượng gỗ sử dụng cũng gần 0,7m3. Loại cây này được đánh giá cao ở quê tôi vì gỗ bền, có vân đẹp, gỗ màu đỏ sáng và không bị mối mọt”.

Câu chuyện ông Tới trót “yêu” cây lát hoa cũng thật tình cờ. Ông kể, đầu những năm 1990, cuộc sống của đồng bào Mường khi ông Tới còn ở vùng đồi núi H. Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) vô vàn khó khăn. Những hủ tục, trẻ con bỏ học, thiếu đất sản xuất cứ thế “đeo bám” bà con từ năm này sang năm khác. Có những năm đói kém trong nhà đến củ sắn, củ khoai còn chẳng có. “Sinh ra đâu ai muốn rời bỏ quê hương đi tha hương cầu thực. Nhưng chẳng lẽ cả đời quanh quẩn ở nhà thì biết lấy gì nuôi vợ con. Nghĩ thế, tôi cùng một nhóm nhỏ trong làng quyết định đi kinh tế tự do vào miền Trung “đánh cược” cuộc sống của mình. Thứ mang theo những ngày đầu chỉ vài nắm hạt giống trồng lương thực ngắn ngày và thật tình cờ trong đó kèm theo một ít hạt giống cây lát hoa. Ban đầu trồng thí điểm xung quanh vườn, sau một thời gian tôi mạnh dạn trồng  hơn 4.000 cây trên các ngọn đồi gần nhà” ông Tới tâm sự.

Tương tự ông Tới, gia đình ông Bùi Văn Hiểu (27 tuổi) cũng trồng thí điểm 300 cây lát hoa trên 15 tuổi. Ông Hiểu chia sẻ: “Trồng lát hoa phải kết hợp trồng xen kẽ cùng các loại cây ngắn ngày nhằm tiết kiệm nguồn nước, phân bón, lại đảm bảo được cuộc sống của người trồng”. “Một cây lát hoa được đánh giá cao phải là cây mọc thẳng, tán lá hẹp, không bị sâu bệnh. Phần lớn, gỗ lát hoa từ gốc cho đến ngọn đều được sử dụng mà không bỏ bộ phận nào”, ông Hiểu cho biết.

Hàng cây lát hoa này trên 15 năm tuổi.

Đến làng Mường, một điều dễ nhận thấy là nhà nào cũng có trồng vài cây lát hoa. Một số người trong và ngoài xã đến để tìm hiểu về nguồn giống và kỹ thuật trồng đều được ông Tới chia sẻ nhiệt tình. Tuy nhiên ông Tới cho rằng cây lát hoa là loại cây còn khá mới và chỉ mới trồng trong phạm vi một làng nên chưa được nhiều người biết. “Tùy thuộc vào từng loại đất mà cây sinh trưởng tốt hoặc chậm. Những cây lát hoa từ 10 tuổi trở lên sinh trưởng rất chậm do cây tập trung ra hoa và nở rộ nhất nên tôi khuyên nếu ai muốn trồng cây này phải thực sự nghiêm túc và kiên nhẫn, không thể ngày một ngày hai thu thành quả,” ông Tới bộc bạch.

Bí thư chi bộ thôn Vũ Đình Lợi cho biết: “Người Mường sống tại H. Bắc Trà My chúng tôi có hơn 100 hộ, riêng thôn sáu có 60 hộ sống trong một làng còn lại sống rải rác xung quanh. Trước việc người dân trồng cây lát hoa, địa phương và kiểm lâm rất ủng hộ và khuyến khích nhân rộng”.

Long Hữu