Báo Công An Đà Nẵng

Rùng mình trước những sự cố phẫu thuật thẩm mỹ

Thứ sáu, 10/04/2020 16:51

Bị "bỏ quên" kim khâu trong mí mắt hay bị vỡ túi ngực, là 2 trong nhiều trường hợp bị "sự cố" sau khi phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM).

Silicone chảy ra do túi ngực trái của bệnh nhân bị vỡ.

Bị "bỏ quên" kim khâu trong mí mắt

Bệnh viện mắt (BVM) Huế ngày 9-4 cho biết vừa phẫu thuật thành công chiếc kim khâu nằm trong mí mắt trái của nữ bệnh nhân (BN) N.T.H (50 tuổi, trú P.Phú Bài, TX.Hương Thủy, TT-Huế).

Theo BS Đặng Minh Trường- Giám đốc BVM Huế, bà H. đến bệnh viện để điều chỉnh lại mí mắt bị lỗi sau khi PTTM trước đó 2 năm. Trong khi phẫu thuật theo yêu cầu của bà H., các BS bất ngờ gặp phải vật cứng trong mí mắt trái và chẩn đoán có dị vật nên quyết định phẫu thuật. Đội ngũ y tế đã rất vất vả mới gắp được vật cứng này ra ngoài do đã chui sâu và ẩn trong vùng mí. Vật cứng được lấy ra là chiếc kim khâu dài gần 2 cm, hình cong, nằm lọt thỏm trong mí mắt, chưa nhô ra ngoài nhưng có hiện tượng gây tổn thương đến giác mạc. Qua tìm hiểu, được biết, bà H. từng đi PTTM cắt mí mắt tại 1 cơ sở spa ở TP Huế.

Theo BS Trường, thời gian qua, BVM Huế tiếp nhận không ít các ca như hư hỏng mắt, nhiễm trùng, hay xử lý các sự cố gãy kim, sót chỉ của các nữ bệnh nhân đến khám, điều trị sau PTTM mắt ở các cơ sở trôi nổi kém chất lượng. Trường hợp bà H. nếu không phát hiện sớm rất nguy hiểm, gây tổn thương đến giác mạc, có thể gây mù lòa. Các bác sĩ chuyên khoa mắt khuyến cáo chị em khi đi làm đẹp, nhất là những thủ thuật gần khu vực mắt cần đến những cơ sở có uy tín, có giấy phép hành nghề của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Vỡ túi ngực sau phẫu thuật nâng ngực

Trong khi đó, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế cho biết, các y, bác sĩ vừa phẫu thuật can thiệp tháo 2 túi ngực silicon cho một nữ BN trú TT-Huế bị vỡ túi ngực (trái), qua 10 năm PTTM nâng ngực.

Theo đó, nữ BN 46 tuổi từng PTTM đặt túi ngực được 10 năm. Một tháng gần đây, BN xuất hiện dấu hiệu căng tức, nóng vùng vú trái. Khi đến BV thăm khám, BN trong tình trạng tỉnh táo, có sốt nhẹ, vùng vú trái biến dạng so với bên phải, thể tích vú tăng, mất cân đối, ấn đau. Chẩn đoán lâm sàng đưa ra là theo dõi vỡ túi ngực trái. Sau đó, các BS đã chỉ định BN phải phẫu thuật lấy túi ngực cả 2 bên và thay túi mới. Tuy nhiên, do yêu cầu của BN chỉ tháo túi ngực, nên các BS đã lên kế hoạch tháo túi, làm sạch và cắt bao xơ hai bên.

ThS. BS. Lê Hồng Phúc, Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Lồng ngực, phụ trách Đơn vị phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Đại học Y Dược Huế), cùng ê-kíp đã phẫu thuật đối với cả 2 bên ngực của BN. Đối với ngực trái, khi phẫu thuật đã phát hiện túi ngực bị vỡ từ trước, silicon chảy ra nhiều, có hiện tượng vách xơ ngăn dịch, silicon xâm nhập vào tổ chức xung quanh. Ê-kíp phẫu thuật đã nạo hút sạch gel silicone, lấy túi bị vỡ, đồng thời cắt bỏ bao xơ, súc rửa nhiều lần đến khi sạch, đặt dẫn lưu và đóng da. Túi ngực phía bên phải cũng được phẫu thuật tháo ra ngoài. Sau mổ, BN tỉnh táo, không bị sốt, vết mổ khô sạch. Nữ BN đã được cho xuất viện vào ngày thứ 7 sau mổ, với tình trạng hoàn toàn ổn định.

Qua ca bệnh này, BS Lê Hồng Phúc khuyến cáo, người đặt túi ngực phải quan tâm thăm khám định kỳ hàng năm, hoặc đến ngay cơ sở y tế nếu có bất thường cho dù là nhỏ nhất. Sau đặt túi ngực nên đi tái khám, đặc biệt sau 5 năm, vì túi khám có thể gây nguy cơ ung thư lympho tế bào sau khi đặt 10-15 năm. BS Phúc cho rằng, việc lựa chọn địa chỉ nâng ngực bảo đảm các yếu tố thẩm mỹ, an toàn cũng rất quan trọng.

H.LAN