Rùng mình vào "ma trận" cà-phê, nước trái cây (2)
* Bài 2: Sởn da gà với hương liệu, phụ gia nước trái cây
(Cadn.com.vn) - Từng nghe đồn về hương liệu, phụ gia phù phép các loại nước uống trái cây "thơm ngon, bổ dưỡng, nguyên chất" nhưng có đi mua hàng mới thấy rùng mình khi biết rằng mình đã "nạp" vào người biết bao loại nước không rõ nguồn gốc. Thật nghịch lý nhưng rõ ràng là có "chợ trái cây" ngay trong kho hóa chất.
Chúng tôi đi tìm nguồn hàng tại cửa hàng hóa chất M.P trên đường Hùng Vương đúng lúc chiếc xe tải đang chuyển những chiếc can nhựa loại 30 lít nhập vào kho. Từ chỗ chiếc xe đậu, hàng chục can nước có ghi chữ nguệch ngoạc tên của các loại trái cây phổ biến như dừa, xoài, cam, chanh, dâu, đu đủ, nho... được chất thành đống nối qua vỉa hè vào tận nhà. Bên trong, các loại bột mẫu, chất phụ gia, nước hương liệu, hóa chất, tinh dầu, mỹ phẩm được trưng bày kèm theo giá cả của từng loại. Đặt vấn đề cần một số lượng lớn chất tạo màu, tạo mùi cho các loại nước trái cây, bà chủ vừa làm việc vừa chỉ lên trên kệ vì không có thời gian để báo giá cụ thể. "Tốt nhất em mua mỗi thứ một lạng. Cứ pha rồi nếm thử, từ đó mình linh động cho từng loại khách hàng", chủ cửa hàng tư vấn. Từ các can lớn, nước hương liệu tạo mùi được sang chiết qua can nhỏ, chai nhựa, các ống nhỏ bằng lọ oxy già hoặc nước nhỏ mắt. Hầu hết đều có màu trắng nhờ nhờ hoặc vàng sệt như dầu máy. Xin phép được thử trước khi mua mẫu, nhân viên cửa hàng đưa cho chúng tôi 5 lọ nhỏ để... ngửi. Vừa mở nắp thì đúng là mùi của các loại trái cây phổ biến như ổi, nho, dâu, chanh leo, cam bốc lên. Hỏi vì sao không thấy gắn nhãn mác xuất xứ của sản phẩm thì anh này lườm một cái dài thườn thượt. Chị chủ cửa hàng tự nhiên đầy cảnh giác yêu cầu nhân viên cất ngay vào gầm bàn. Tỉ tê anh nhân viên thì anh này cười: "Cà-phê giải khát mọc lên như nấm, chú kinh doanh nhỏ lẻ mà đi mua hàng có xuất xứ thì lấy chi ăn. Trừ những nơi người ta làm trực tiếp nơi quầy cho mình uống thì giá phải cao, còn lại nước gì thì chỉ có vài tí trái cây đó mang tính tượng trưng thôi, còn lại là chất tạo mùi, tạo màu hết". Với 150 nghìn đồng, chúng tôi có trong tay hương liệu để pha chế các loại nước trái cây phổ biến mà theo anh nhân viên này là nếu sử dụng hết có thể lãi tiền triệu. Anh này còn tính toán, ví dụ mỗi ký cam tươi có giá khoảng 40 nghìn đồng mà đem vắt để bán thì chẳng lời lãi bao nhiêu. Nhưng dùng số tiền đó để mua một ký bột cam thì có thể pha chế được gần cả trăm ly nước cam như cam tươi thật. Nếu bán với giá chỉ 20 nghìn đồng/ly thôi thì cũng lãi tiền triệu. Kinh doanh trên một khu phố toàn dùng "cam bột" mà mình đi bán cam thật với giá cao hơn thì chỉ có đóng cửa sớm.
Hương liệu tạo mùi các loại trái cây giá nào cũng có, càng đắt thì càng giống thật. Ảnh: C.K |
Trở lại cửa hàng B.K trên đường Đào Duy Từ, bà chủ có vẻ đon đả hơn khi giải thích cụ thể cách sử dụng hương liệu để làm nước trái cây tươi: "Loại nước cũng có mà loại bột cũng có. Giá tùy theo loại, mình linh động theo từng khách hàng. Em mua loại gì cụ thể thì chị tư vấn chứ loạn lên như thế này không giải thích hết được". Vừa nói, chị vừa cúi xuống cái xô nhựa xỉn màu lấy ra khoảng nửa ký chất dẻo sền sệt đưa cho một khách hàng. Hỏi để làm gì, người khách này nói dùng để làm sinh tố! Trong khi giải thích, báo giá cho khách, chủ cửa hàng liên tục dùng một chiếc khăn cũ để lau các lọ đựng nước hương liệu trước khi một người khác chiết vào rồi đậy lại đóng gói.
Hàng chục can hương liệu được tập kết vào một cửa hàng kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm... trên đường Hùng Vương. Ảnh: C.K |
Tiếp tục hành trình khảo sát giá hương liệu, phụ gia tại các cửa hàng hóa chất chủ yếu tập trung tại địa bàn Q. Hải Châu, Thanh Khê, chúng tôi ghi nhận hầu hết các loại hương liệu này đều không có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng. Theo người bán tại một số cửa hàng, không chỉ các loại hương liệu tạo đục, tạo mùi đối với hoa quả mà họ còn có cả loại đường cực ngọt có giá khoảng 40 nghìn đồng/gói để át vị đắng do phụ gia tổng hợp gây ra đối với các loại nước uống trái cây. Loại đường này cũng không có nhãn mác, xuất xứ hay hạn sử dụng nhưng được giới thiệu là của Malaysia, Thái Lan hoặc Trung Quốc. Theo khảo sát của chúng tôi, không chỉ nằm chung trong kho hóa chất mà các loại chất phù phép này còn được bày bán chung cùng chất hỗ trợ chế biến. Tại trụ sở Cty CP Khoa học công nghệ V.M trên đường Điện Biên Phủ, ngoài khu vực mặt tiền có vẻ sạch sẽ, thoáng mát thì người có một tí kiến thức về lĩnh vực an toàn thực phẩm sẽ rùng mình khi mà bên cạnh các lô hương liệu, phụ gia, còn có cả nước lau sàn, nước thông cống, chất tẩy rửa vệ sinh, men vi sinh hầm cầu. Trong các khu vực chứa hàng, nhiều sản phẩm được đóng gói hoặc được đựng trong các can nhựa loại lớn có ghi chữ Trung Quốc. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, mới đây một nhóm của Tổ công tác an toàn thực phẩm TP Đà Nẵng bất ngờ kiểm tra tại địa điểm này và phát hiện một số lỗi gồm không bảo quản riêng biệt từng loại phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến; nhãn hàng hóa đối với phụ gia thực phẩm ghi thiếu thông tin; chia nhỏ một loại chất bột, đóng gói sơ sài, trái quy định để bán ra thị trường. Trong số các lỗi này, hành vi không bảo quản riêng biệt từng loại phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến gây ra guy cơ ô nhiễm chéo cao, vi phạm quy định tại Nghị định 67. Điều này có vẻ đi ngược lại với những kiến thức hàn lâm mà trang web của Cty này khuyến cáo đến người tiêu dùng. Đó là những tác hại của việc sử dụng phụ gia thực phẩm như gây ngộ độc cấp và mạn tính, nguy cơ gây hình thành khối u, ung thư, đột biến gen, quái thai, nhất là các chất phụ gia tổng hợp. Ngay trong phần quảng cáo, đơn vị này còn cam kết sản phẩm hàng hóa an toàn cho sức khỏe và có giá rẻ nhất.
Một cửa hàng kinh doanh hóa chất trên đường Điện Biên Phủ gộp luôn cả chuyên buôn bán hương liệu, phụ gia thực phẩm. Ảnh: C.K |
Chúng tôi đem câu chuyện "nước tiên", "bột thánh" hỏi một anh bạn có quán cà-phê hoạt động được gần 5 năm, anh này tủm tỉm cười rồi nói: "Đã thấy ai ngộ độc cà- phê hay nước cam, nước xoài bao giờ đâu. Người ta bán răng, tui bán rứa. Có thấy chết ai đâu?".
Đông A
(còn nữa)