Rừng nghèo cũng... “chảy máu”!
(Cadn.com.vn) - Liên tục thời gian gần đây, khu rừng 48 (xã Phước Chánh, H. Phước Sơn, Quảng Nam) bị tàn phá nghiêm trọng, ngay bên huyết mạch của vùng...
Nằm sát bên độc đạo dẫn vào các xã Phước Chánh, Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc (H. Phước Sơn), khu rừng 48 đang bị tàn phá trên diện rộng. Đối với những nơi khác, để vào địa điểm rừng bị phá, chúng tôi phải cuốc bộ hàng giờ, nhưng ở khu vực này, sau khi giả dạng người đi rừng, chúng tôi dễ dàng thâm nhập vào hiện trường mà không bị “lâm tặc” nào đe dọa, ngăn chặn. Vừa đến bìa rừng của Tiểu khu 638 và 684 thuộc khu rừng 48, tiếng máy cưa lốc nổ ầm ầm vang cả một khu rừng, cây cối được đốn ngã nằm lăn lóc, như một xưởng cưa di động đang xẻ gỗ. Tiến sâu hơn vào khu rừng chỉ vài chục mét, diện tích rừng của tiểu khu 683 và 684 bị đốn hạ lên tới hàng chục héc-ta. Những cây gỗ to có đường kính từ 50cm đến 80cm vừa bị đốn hạ, nhựa cây từ gốc đang ứa. Càng vào sâu, tiếng máy cưa lốc bỗng dưng tắt lặng, cả khu rừng lại yên ắng, không một bóng người, chỉ còn lại toàn là gỗ vừa mới được xẻ ra chưa kịp vận chuyển...
Rừng nghèo 48 đang bị xâm hại nghiêm trọng. |
Rời khu rừng 48, chúng tôi theo tuyến lộ chạy tiếp hướng vào các xã Phước Thành, Phước Lộc. Dọc hai bên đường, người dân đua nhau phá rừng làm nương rẫy. Những mảnh rừng bị đốt cháy xen lẫn với rừng nguyên sinh loang lổ như da báo trải dài khắp nơi. Những thân cây to hơn người ôm nằm la liệt. Thấy chúng tôi ghi hình cảnh tượng trên, anh Đinh Văn Phương, một lái buôn chuyên chở “chợ di động” cho biết: “Đất trồng ruộng lúa nước được thì dân đã bán cho các chủ bãi để làm vàng hết. Giờ không có đất để trồng trọt nên họ phải đốt rừng làm rẫy thôi. Rừng mất thì tiếc đó, nhưng dân đói thì phải đốt rẫy trồng củ sắn, trái bắp để ăn thôi”... Lúc này cơn mưa rừng bất chợt ập đến. Chúng tôi vội vã trở ra trung tâm xã Phước Chánh. Làm việc với ông Hồ Văn Đường, Chủ tịch UBND xã Phước Chánh, ông Đường cho biết: “Khu rừng 48 có diện tích 4.722 ha, thuộc rừng nghèo nằm trong diện cần được bảo vệ. Cách đây vài tháng, tình trạng “lâm tặc” phá rừng 48, đặc biệt là hai tiểu khu 683 và 684 diễn ra rất phức tạp, trong khi đó lực lượng chức năng ở xã quá mỏng. Mặt khác, giao thông bây giờ khá thuận lợi nên việc vận chuyển gỗ rất dễ dàng. Ban ngày chúng tôi tổ chức truy quét thường xuyên nhưng lâm tặc rất tinh quái, chỉ nghe có động là trốn biệt trong rừng sâu, rất khó bắt tận tay, khi lực lượng chức năng rút về, họ lại xuất hiện phá rừng. Còn việc lấn rừng, lấy đất làm rẫy của người dân là có thật. Việc làm trên địa phương đã ngăn cấm, bên cạnh thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện với người dân để quán triệt, nhưng do không có đất sản xuất nên dân vẫn lén lút làm liều”.
Gỗ nằm la liệt trong rừng vừa bị lâm tặc đốn hạ chờ vận chuyển. |
Trong khi đó, ông Trần Lanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phước Sơn cũng thừa nhận: “Tình trạng xâm hại rừng 48 đáng báo động. Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các bên liên quan tăng cường truy đuổi, tịch thu xe tải, gỗ, bắt giữ các đối tượng khai thác rừng trái phép. Không những họ khai thác ban ngày mà kể cả ban đêm. Vì vậy mà công tác tuần tra của chúng tôi gặp khó khăn. Để siết chặt công tác quản lý, ngăn chặn việc vận chuyển gỗ trái phép từ hướng Phước Chánh ra TT Khâm Đức, chúng tôi đã xây dựng thêm một trạm gác kiểm lâm tại thôn 5 (xã Phước Đức) vào tháng 8-2013”.
Những cánh rừng bị người dân đốt phá để lấy đất sản xuất ngay bên đường. |
Được biết, trước thực trạng phá rừng ngang nhiên, Chủ tịch UBND H. Phước Sơn Phạm Thế Quyền đã chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường TTKS bảo vệ rừng, đặc biệt là đưa những đối tượng phá rừng ra xử lý nghiêm, nhằm răn đe; gẩn nhất là yêu cầu Hạt kiểm lâm, CAH, VKSND H. Phước Sơn điều tra củng cố hồ sơ khởi tố hình sự 4 đối tượng Hồ Văn Phai, Hồ Văn Toàn, Hồ Văn Luyến, Hồ Văn Hải (đều là người dân địa phương); yêu cầu Hạt Kiểm lâm xử phạt hành chính 10 đối tượng khác vi phạm khai thác lâm sản trái phép...
Cách đây hơn 1 năm, ngày 21-8-2012, UBND tỉnh Quảng Nam đã ra “kỷ luật thép” bằng Chỉ thị số 20/2012/CT-UBND về tăng cường các biện pháp quản lý, phương tiện, dụng cụ đưa vào rừng. Theo đó, ngành Nông nghiệp chỉ đạo Kiểm lâm triển khai phương án cụ thể. Hàng loạt các điểm cấm người, phương tiện, dụng cụ vào rừng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép đã được triển khai. Tưởng chừng trước Chỉ thị trên, rừng ở Quảng Nam sẽ ngưng “đổ máu”, vậy nhưng do sự thiếu quyết tâm, lơ là trách nhiệm của một số cán bộ, địa phương... nhiều khu rừng, thậm chí là rừng nghèo như khu rừng 48 vẫn “chảy máu”.
Bão Bình