Báo Công An Đà Nẵng

Rừng phòng hộ Đông Giang vẫn âm ỉ “chảy máu”

Thứ sáu, 17/02/2023 07:21
Những cây cổ thụ 2 người ôm bị triệt hạ ở rừng phòng hộ đầu nguồn xã Tư.

Hàng chục cây cổ thụ bị triệt hạ

Từ nguồn tin của người dân, đầu tuần qua chúng tôi có chuyến thâm nhập vào khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn xã Tư (H. Đông Giang). Từ khu vực Trang trại Chăn nuôi heo thịt Đông Giang, chúng tôi men theo con đường đất chạy vào khu vực thượng nguồn Sông Vàng, trên đường đi, nhiều dấu vết trâu kéo gỗ vẫn còn mới tinh. Một số người dân địa phương đi làm rẫy cho biết, sáng nay họ thấy những phách gỗ lớn được trâu kéo ra khỏi rừng đưa đi tiêu thụ.

Tiếp tục di chuyển vào bên trong những cánh rừng nguyên sinh, lối mòn kéo gỗ dần hiện rõ hơn. Cách trại chăn nuôi heo khoảng 2km có một khe suối nhỏ, từ nơi này ngược lên cánh rừng, những lối mòn dày đặc. Dấu vết trâu kéo cày nát cả khu rừng. Chọn một lối rẽ, chúng tôi di chuyển tầm vài chục mét đã phát hiện những gốc cây lớn bị cưa ngang, nhựa cây vẫn tươm đỏ như máu.

Qua quan sát cho thấy, gốc cây này mới bị đốn cách đó tầm vài ngày. Cạnh đó, nhiều cây có đường kính lớn hai người ôm cũng bị “lâm tặc” đốn hạ trước đó chưa lâu. Gỗ đã bị các đối tượng cắt xẻ đưa ra khỏi rừng. Ngoài ra, một số khúc gỗ do thân bị rỗng ruột, giá trị không cao nên còn lại nằm ngổn ngang giữa rừng. Qua kiểm đếm cho thấy, một khoảnh rừng nhỏ vài chục mét vuông nhưng có đến gần 10 cây gỗ bị đốn hạ.

Ngược lại ngã ba đường gần con suối nhỏ, chúng tôi di chuyển qua nhánh rẽ bên trái. Theo dấu vết trâu kéo gỗ lên hướng thượng nguồn, khu vực rừng thứ hai tiếp tục bị xâm hại. Tại đây, nhiều cây gỗ lớn cũng vừa bị “lâm tặc” đốn hạ, bìa gỗ được cưa bỏ nằm la liệt tại rừng. Bên cạnh đó, nhiều đoạn gỗ được cắt ra thành từng đoạn, nhiều cây mới cưa còn nằm vắt vẻo lưng chừng chưa kịp đưa ra khỏi rừng. Nhìn những lối mòn khác, có thể thấy việc rừng còn bị xâm hại ở những khu vực lân cận...

Điều đáng nói, qua quan sát cho thấy, theo dấu vết để lại, cuối điểm trâu kéo gỗ ra xuất hiện dấu vết của xe tải. Qua đó có thể thấy, gỗ được trâu kéo tập kết ra khỏi rừng sẽ được các đối tượng đưa lên xe vận chuyển về xuôi tiêu thụ. Và muốn về xuôi thì gỗ được vận chuyển chạy ngang qua con đường độc đạo, nơi đó có Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 4 thuộc BQL Rừng phòng hộ huyện Đông Giang.

Những đoạn gỗ còn lại tại hiện trường nhưng biên bản Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 4 ghi không phát hiện gỗ.

Dấu vết trâu kéo gỗ rất mới từ địa điểm trên ra khỏi rừng sáng ngày 13-2.

Cấp dưới “qua mặt” lãnh đạo?

Đem câu chuyện rừng bị xâm hại xảy ra tại khu vực thượng nguồn xã Tư trao đổi với ông Vũ Phúc Thịnh- Giám đốc BQL Rừng phòng hộ huyện Đông Giang, ông Thịnh cho hay, để gọi điện hỏi cán bộ trạm quản lý rừng địa bàn xã Tư chứ ông chưa nắm được. Khi ông Thịnh gọi điện cho cán bộ phụ trách địa bàn xã Tư, người này cho biết đã phát hiện và lập biên bản 2 vụ phá rừng ở địa điểm mà phóng viên miêu tả. Khi ông Thịnh hỏi vì sao vụ việc đã được phát hiện mà không báo cáo thì người này viện ra nhiều lý do.

Qua biên bản người này cung cấp gửi qua zalo cho ông Thịnh thể hiện, tại khoảnh 5, Tiểu khu 65 (thôn Ga Dong, xã Tư) phát hiện 5 gốc cây rừng tự nhiên bị chặt hạ trái pháp luật, đường kính gốc từ 20cm đến 65cm. Tại hiện trường lúc kiểm tra không còn gỗ, không có người nên chúng tôi không xác định được đối tượng vi phạm, không xác định được chủng loại cây và thời gian bị chặt hạ cây rừng nói trên… Biên bản thứ 2 nội dung cũng tương tự, tuy nhiên số gốc cây được phát hiện là 6 gốc.

Hai biên bản trên do ông Huỳnh Tám- Trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 4 làm trưởng đoàn lập. Điều đáng nói, cả hai biên bản trên đều không ghi ngày, giờ cụ thể nên không biết Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 4 kiểm tra phát hiện vụ việc trên thời gian nào. Đặc biệt, theo biên bản thể hiện tại hiện trường không còn gỗ, thế nhưng qua quan sát tại hiện trường sáng 13-2, chúng tôi thấy dấu vết trâu kéo gỗ ra từ những điểm phá rừng trên vẫn rất mới, và người dân thì nói “lâm tặc” mới kéo gỗ sáng nay. Ngoài ra, tại những khu vực cây gỗ bị đốn hạ vẫn còn những khúc gỗ được cắt thành từng đoạn, chưa kịp đưa ra khỏi rừng.

Như thế có thể thấy, phải chăng cán bộ Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 4 đã “qua mặt” lãnh đạo BQL Rừng phòng hộ huyện Đông Giang khi không báo cáo những vụ phá rừng được phát hiện lên lãnh đạo ban? Và dư luận có quyền đặt câu hỏi, có hay không cán bộ Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 4 tiếp tay cho “lâm tặc” phá rừng nên mới có những hành động “mập mờ” như vậy?

BÃO BÌNH