Rưng rức Trung thu
Những em bé ở Làng Nủ, tỉnh Lào Cai nơi biên cương tổ quốc chỉ mới mấy hôm bước vào khai giảng năm học mới, đâu đó vẫn còn đọng lại tiếng nói bi bô, giọng cười trong trẻo. Thế rồi một đêm tất cả vắng lặng để chìm vào giấc ngủ sau cùng và mãi mãi. Ai có thể cầm được nước mắt khi đọc những dòng thông tin: Kỷ vật cuối cùng còn lại của 10 bé ở Trường mầm non số 1 Phúc Khánh là những đôi dép, chiếc khăn tay thêu, những hình ảnh mà mỗi em yêu thích…, nghe nói có bé nhỏ nhất ra đi mới chỉ 38 ngày tuổi…
Bão sẽ tan, mưa sẽ tạnh, bình yên rồi sẽ quay về, trăng thu rồi sẽ sáng trên bầu trời quê hương xứ sở nhưng nỗi đau, những mất mát kia mãi mãi sẽ là vết hằn buốt nhói. Tôi đã suy nghĩ thật lâu trước những câu chữ của nhà văn Nguyễn Quang Thiều trong lời chia buồn và kêu gọi của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam do chính ông viết: "Mỗi con người đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này dù đang ở đâu, làm nghề gì, hoàn cảnh sống ra sao thì sự ra đi của họ trong cơn bão lũ này đều trở thành nỗi đau chung của những người có lương tâm đang sống".
Từ những đau thương các vùng bị thảm họa phía Bắc, từ Lào Cai…, tôi chợt nghĩ ngay đến vùng thảm họa từng xảy ra ở Quảng Nam quê tôi cách đây mấy năm tại Trà Leng, Trà Vân (huyện Nam Trà My). Người dân vùng sạt lở đã về định cư một nơi ở mới có tên làng Khe Chữ. Khe Chữ đã dần hồi sinh sau những đau thương mất mát. Trong những ngày này mùa trung thu lại về, các cấp chính quyền, rồi các nhà hảo tâm đã mang trung thu về cho các em ở làng mới. Trong niềm vui ngày tết trẻ con, các cô, các chú đã không quên nhắc nhớ trong lúc này nhiều em nhỏ các tỉnh phía Bắc đã trải qua những đau thương tương tự như các em cách đây mấy năm.
Thật cảm động, bằng tình cảm xuất phát từ tâm, có em nhỏ đã xin không nhận quà mà nhường lại cho các bạn đồng lứa đang bị nạn. Các cô, chú động viên mãi, các em mới nhận quà. Trăng thu vẫn sáng trong bình yên ở những vùng không bị thiên tai nhưng sao cứ rưng rức nỗi niềm khi niềm vui không trọn vẹn. Câu nói, "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ", "Máu chảy ruột mềm" phải chăng hơn lúc nào hết nó biểu hiện một cách chân chất nhất và không hề màu mè, tô vẽ. Các em vui trung thu nơi này làm sao không liên tưởng đến các bạn nhỏ ở nơi trăng sáng chỉ soi rõ thêm những nỗi bất hạnh mà không còn ai muốn che giấu. Viết đến đây tôi chợt nghĩ, mặt đất còn nghèo khó nhưng tình yêu thương vẫn đong đầy với những trẻ nhỏ vùng cao Trà My…
Một thông tin cho biết, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi vừa ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức Tết Trung thu năm nay theo hướng rút gọn, không phô trương. Các chương trình, hoạt động Trung thu cần rút gọn, giảm bớt các tiết mục văn nghệ, tập trung vào những nội dung trọng tâm như đọc Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi trẻ em nhân dịp Tết Trung thu. Đồng thời, nhân dịp này, cần tăng cường giáo dục tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái cho trẻ em; vận động sự chia sẻ, quyên góp, ủng hộ của cộng đồng để trẻ em bị ảnh hưởng bởi bão, lũ lụt sớm trở lại trường học và ổn định cuộc sống. Đây là điều cần thiết và phải làm bằng chính suy nghĩ, tình cảm của lòng mình.
Rưng rức chất chứa những nỗi niềm của mùa trăng trung thu năm nay mong sao sẽ nhanh chóng qua đi, chờ đón những mùa trung thu năm mới: "Trăng như quả thị chín vàng/Để cho cô tấm nhẹ nhàng bước ra…".
Tam Kỳ trưa 13-9-2024
Tạp bút: Võ Văn Trường