Báo Công An Đà Nẵng

Rưng rưng "mưa đỏ"

Thứ tư, 24/07/2019 10:21

Cuộc chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm năm 1972 để giành lợi thế trên bàn đàm phán Hiệp định Paris của quân và dân ta không chỉ được chính sử ghi chép mà trên lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng đã có nhiều tác phẩm "đóng đinh" trong lòng bạn đọc. Điển hình, về thơ, có lẽ không ai quên: "Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm..." (Thơ Lê Bá Dương). Về văn, tiểu thuyết "Mưa đỏ" (Nhà xuất bản QĐND-2016) của nhà văn Chu Lai đã có chỗ đứng trang trọng trên văn đàn (giải thưởng Hội nhà văn năm 2016).

Nhà văn Chu Lai với tác phẩm "Mưa đỏ".

Những ngày tháng bảy tri ân, đọc "Mưa đỏ" để cảm nhận được sự khốc liệt trong cuộc chiến gìn giữ thành cổ Quảng Trị-tiền đồn chiến tuyến của hai miền Nam-Bắc. Nhà văn Chu Lai không phải là chiến sĩ thành cổ Quảng Trị, nhưng ông là nhà văn "của chiến tranh", chuyên viết về chiến tranh, từng kinh qua trận mạc. Để có được tác phẩm "Mưa đỏ", ông đã đến thành cổ nhiều lần, gặp gỡ nhân chứng, tìm hiểu từng di vật liệt sĩ... Và đặc biệt, nơi đây, người bạn thân của ông là Vũ Kiên Cường đã sống, chiến đấu và hy sinh trong 81 ngày đỏ lửa. Với tài năng, xúc cảm của một nhà văn từng cầm súng chiến đấu trong chiến khu Rừng Sác, Chu Lai đã khắc họa một tuyến nhân vật mà dường như mỗi người lính từng vượt sông Thạch Hãn, gánh hàng tấn bom đạn địch, kiên cường giữ thành đều được thấy mình trong đó. "Một tiểu đội bảy người là bảy số phận, bảy tính cách, bảy tâm trạng, bảy nỗi niềm, bảy làng quê, bảy điểm xuất phát được tập trung về đây có nhiệm vụ trấn giữ một góc Thành cổ. Họ là sinh viên, là kỹ sư, là thợ thuyền, là nông dân, là tiểu tư sản, người thơ ngây, người dạn dày, người mềm mại, người trực tính, người dao động, người can tràng, người mộng mơ, người thực tế... nhưng 81 ngày đêm khốc liệt đã gắn kết họ thành một gia đình, một pháo đài bất khả xâm phạm để rồi đến ngày cuối cùng, từng người từng người một đã lặng lẽ ra đi vào lòng đất vinh quang. Cái chết của họ đã trở thành bản giao hưởng bất diệt mà người liệt sĩ tên Cường, một sinh viên nhạc viện trong tiểu đội anh hùng đã lấy máu của mình viết lên sẽ còn vang mãi trên bầu trời Thành cổ, bầu trời Việt Nam. Bản giao hưởng máu. Bản giao hưởng của lòng kiêu hãnh, của sự hòa hợp, của khát vọng hòa bình. Ban giao hưởng trong mưa. Mưa máu. Mưa đỏ". Đó là tiểu đội trưởng Nông Văn Tạ với tính cách mộc mạc của người nông dân Cao Bằng, Tiểu đội phó Trần Văn Sen, quê miệt Bến Cát, Nguyễn Quang Bình- sinh viên mỹ thuật quê Đông Hà, Phạm Huy Hải- thợ điện, quê Hà Tây... Đặc biệt, xuyên suốt tác phẩm là nhân vật chính Đặng Huy Cường, 22 tuổi, quê Hưng Yên, sinh ra lớn lên tại Hà Nội, sinh viên nhạc viện năm thứ tư.

Dường như mọi diễn biến của chiến trường, qua lăng kính của những sinh viên, bom đạn, chết chóc bớt đi phần khốc liệt. Tranh thủ khoảng lặng chiến tranh, Đặng Huy Cường  viết thư về cho mẹ: "...Mẹ! Đến lúc này con mới hiểu thế nào là giao chiến! Hồi nhỏ, theo anh trai đi xem chọi gà được nhìn tận mắt những chú gà máu me, thân thể rách toác mà vẫn gân cái cổ đỏ rực lao vào nhau thì thấy lạ, giờ con mới thật hiểu. Thoạt đầu còn rụt rè, ngần ngại suy nghĩ xa xôi nọ kia nhưng mỗi khi lửa đã bốc lên đầu, mắt đã nhìn thấy máu đổ ra, thấy đồng đội ngã vào mặt đất ngáp ngáp là không còn cảm nhận gì nữa, chỉ thấy máu và máu sôi lên trong huyết quản, vỗ táp vào giữa mặt...". Nhưng sự thực chiến tranh thật tàn khốc: "Vơi! Vơi do thương vong tại chỗ, vơi do vừa đánh xong trận đầu, vơi ở giữa sông, vơi ở trên bờ, vơi đủ chuyện, chưa bao giờ động từ "vơi" lại mang dấu tích bi kịch ghê gớm như ở trận địa thành Đinh Công Tráng những năm cuối thế kỷ hai mươi này". Một đơn vị tối hôm vượt sông Thạch Hãn, hôm sau chỉ còn khung chỉ huy đại đội. Mất mát và trưởng thành. Mọi cung bậc cảm xúc chỉ được diễn tả đầy đủ khi đọc trọn vẹn cuốn tiểu thuyết.

Tuy nhiên, điều hấp dẫn của cuốn sách, không chỉ có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của bộ đội mà còn lấp lánh tình yêu nảy nở trong đạn bom. Ở đây, tác giả đã dành khá nhiều thời gian để miêu tả tình yêu của cô sinh viên văn khoa tên Hồng, một chiến sĩ giao liên, xã đội trưởng và chàng sinh viên nhạc viện Đặng Huy Cường như muốn minh chứng dù đạn bom khốc liệt vẫn không thể giết chết được tình yêu. Chiến tranh không phải chỉ có đau thương, hủy diệt mà còn có tình yêu nảy nở. Tình yêu không làm "nhụt chí trai" mà góp phần thúc đẩy người lính khát khao ngày chiến thắng. Thậm chí, vẻ đẹp thuần khiết, mạnh mẽ của Hồng còn làm cho Quang, một sĩ quan hắc báo của đối phương cũng phải mê muội, khâm phục. Quang đã khước từ cuộc sống sung túc nơi kinh thành Huế để ra mặt trận Quảng Trị chiến đấu tỏ rõ khí chất trai thời loạn, nhưng ẩn sâu trong suy nghĩ của anh ta là muốn ra đấy để có cơ hội được gặp cô sinh viên văn khoa từng diễn thuyết tại Huế trong phong trào học sinh- sinh viên. Cũng cần nói thêm rằng, hai tuyến nhân vật ta và địch, nhà văn Chu Lai đã miêu tả Quang với sự tôn trọng khí chất lãng tử, cá tính của đối phương. Vì vậy, nhà văn đã cho nhân vật Quang hai lần gặp Hồng và đều tìm cách cứu cô thoát khỏi khỏi họng súng của đơn vị hắc báo.

Chiến tranh đã lùi xa, những trận đánh giữ vững thành cổ Quảng Trị là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng. Song ẩn sâu trong từng trang viết, tấm lòng tác giả luôn khát khao sự hòa hợp dân tộc. Ở phần kết, người mẹ liệt sĩ Đặng Huy Cường thắp hương lên ngôi mộ của Nguyễn Văn Quang, một sĩ quan hắc báo phía bên kia chiến tuyến đã nói lên điều đó. Hình ảnh hai người mẹ lặng lẽ nhìn nhau trong ráng chiều Quảng Trị, cùng thấu hiểu nỗi đau mất đi đứa con yêu quý bởi chiến tranh. Dưới kia, dòng Thạch Hãn lặng lẽ chảy kết nối đôi bờ. Một cái kết đầy tính nhân văn, mang âm hưởng tấm lòng nhân hậu của dân tộc Việt Nam.

NGUYỄN SỸ LONG