Báo Công An Đà Nẵng

Rừng tan hoang vì dự án “Khôi phục và quản lý rừng bền vững” (Bài cuối: Bảo vệ rừng thành... phá rừng!)

Thứ ba, 03/10/2017 15:02

Ngành Kiểm lâm cũng như chính quyền H. Nông Sơn (Quảng Nam) hằng ngày chứng kiến cảnh người dân phá rừng để trồng keo nhưng không làm sao xử lý được. Cùng lắm chỉ lập biên bản xong rồi... để đó. Và, ngay sau khi cam kết, các hộ dân tham gia dự án lại bí mật chặt cây, đốt rừng. Lãnh đạo H. Nông Sơn thừa nhận: “Vướng lắm, thấy rồi đó nhưng rất bí”. Nếu tỉnh Quảng Nam không sớm có phương án thì không những 1.992,59ha rừng ở Nông Sơn mà tại các huyện khác có dự án KfW6, nhiều diện tích rừng tự nhiên sẽ bị xóa sổ.

--------------------------------

Dự án KfW6 được triển khai thực hiện trên địa bàn H. Nông Sơn từ năm 2006 đến năm 2011 với  diện tích đã thực hiện 1992,59ha/1.424 hộ. Từ năm 2011 đến năm 2014, Ban quản lý dự án KfW6 huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương vùng dự án vận động, hướng dẫn các hộ gia đình tiếp tục quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng hiện có. Theo ông Nguyễn Văn Đông – Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam, với sự hỗ trợ của chính phủ Đức, dự án kêu gọi, khuyến khích người dân địa phương nhận giao khoán để trồng và khoanh nuôi rừng. Khi nhận giao khoán để chăm sóc, bảo vệ rừng, các hộ sẽ được cấp sổ đỏ, được hỗ trợ tiền hàng tháng với nhiều mức khác nhau tùy theo đất rừng khoanh nuôi, trồng bổ sung hay trồng mới. Nhưng đến năm 2015, khi dự án kết thúc, các hộ tham gia dự án không nhận được tiền hỗ trợ nữa nên tự ý đốt thực bì, chặt cây để trồng keo phát triển kinh tế. “Sau khi dự án kết thúc đến nay thì chưa có một văn bản nào cho phép khai thác diện tích rừng này. Nhưng cũng không có hướng dẫn, quy định nào để làm cơ sở xử lý khi người dân chặt phá. Thành ra chúng tôi lập biên bản rất nhiều nhưng không có chế tài, không xử lý được” - ông Đông cho biết.

Theo UBND H. Nông Sơn, trước đây Ban Quản lý Dự án KfW6 chưa tiến hành bàn giao ngoài thực địa đối với diện tích rừng thuộc dự án cho UBND huyện mà chỉ bàn giao số liệu. Chính vì vậy, tại thời điểm bàn giao chưa đánh giá được hiện trạng rừng, địa phương nhận bàn giao rừng nhưng thực tế chỉ nhận bàn giao số diện tích đã thực hiện. Trước đây, diện tích rừng được quy hoạch cho dự án là rừng sản xuất, một số diện tích được sử dụng với mục đích trồng rừng, ngoài trồng cây keo thì vẫn tiến hành trồng cây bản địa. Nhưng thực tế hiện nay diện tích trồng cây bản địa còn rất ít, thậm chí một số diện tích không còn cây bản địa, vì người dân đã chặt phá hết để trồng lại cây keo. Chính vì vậy, dự án KfW6 kết thúc bàn giao lại cho địa phương một kết quả hoàn toàn khác so với kết quả mà Ban Quản lý dự án KfW6 tỉnh, huyện báo cáo trước đó.


Chủ tịch UBND H. Nông Sơn Lê Ngọc Trung thừa nhận dự án KfW6 triển khai trên địa bàn huyện đang đối mặt với nhiều bất cập, khó khăn nhưng rất bí và chưa tìm thấy phương án giải quyết nào. Trong giai đoạn đầu, người dân được nhận tiền để bảo vệ và phát triển rừng bền vững nhưng ngay sau khi kết thúc, họ không còn sinh kế, không còn nguồn thu nên đã phá rừng để trồng cây lâm nghiệp. “Từ người bảo vệ rừng họ trở thành người đi phá. Chúng tôi đã chỉ đạo nghiêm cấm đồng thời xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm. Nhưng phải thú thật là đang rất bí. Vướng lắm, thấy rồi đấy nhưng chưa biết phải làm thế nào. Chúng tôi đã kiến nghị Sở NN&PTNT, UBND tỉnh sớm quan tâm, chỉ đạo, giúp địa phương giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhưng hiện cũng chưa thấy phản hồi”, ông Trung cho biết. Cũng theo ông Trung, với tình hình hiện tại, rất cần một cơ chế quản lý sau đầu tư để địa phương sớm có những quy định, chế tài phù hợp. “Theo tôi, vì dự án kết thúc rồi nên cần thiết phải thu hồi sổ đỏ đã cấp cho các hộ tham gia dự án để địa phương bố trí lại đồng đều hơn cho tất cả người dân đều có đất rừng. Đâu là rừng phòng hộ thì để phòng hộ, đâu là đất sản xuất thì để sản xuất. Khi bố trí lại đều hơn cho người dân sẽ tránh được tình trạng lấn chiếm, mua bán, chuyển nhượng bất hợp pháp”, ông Trung kiến nghị.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài Quảng Nam, dự án KfW6 được triển khai tại 3 tỉnh khác là Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi. Trước đây, “hậu dự án” đã để lại những thiệt hại về rừng, những bất cập, khó khăn trong quản lý và bảo vệ rừng tại Bình Định. Riêng tại Quảng Nam, dự án được triển khai ở 11 xã thuộc 3 huyện Nông Sơn, Hiệp Đức và Đại Lộc. Và cả 3 huyện đều đối mặt với những khó khăn, thách thức giống nhau đó là sau khi kết thúc, các hộ tham gia dự án đều khó khăn về sinh kế nên đã tự ý phá hàng nghìn héc-ta rừng để trồng keo. Một diện tích rừng rất lớn đã bị phá, chính quyền và ngành chức năng biết và thấy nhưng không có chế tài để xử lý. Dù đã muộn nhưng vẫn còn hơn không, UBND tỉnh Quảng Nam cần nhanh chóng có cơ chế quản lý sau đầu tư để vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân tham gia trồng rừng vừa phát triển bền vững vốn rừng.

CÔNG KHANH – HỒNG THANH