Báo Công An Đà Nẵng

Rừng Tây Nguyên đang “hói” dần (Kỳ 2: Gỗ "lậu" đi về đâu?)

Thứ tư, 15/07/2020 16:12

Dù Thủ tướng Chính phủ đã có lệnh đóng cửa rừng nhưng “máu rừng” vẫn chảy. Tiếng cưa máy, cây rừng ngã xuống vẫn hiện hữu ở nhiều nơi bất chấp những nỗ lực bảo vệ rừng của chính quyền địa phương. Chưa kể, nhiều thủ đoạn biến gỗ rừng thành gỗ thanh lý, gỗ có nguồn gốc hợp pháp và cả sự tiếp tay của một số cá nhân được giao quản lý, bảo vệ rừng.

Một “chợ gỗ lậu” ngay sát tuyến đường tuần tra biên giới của tỉnh Gia Lai.

Biến gỗ “lậu” thành gỗ hợp pháp

Đó là thủ đoạn tinh vi mà các doanh nghiệp (DN) kinh doanh lâm sản đang sử dụng để đối phó sự kiểm tra, kiểm soát của các ngành chức năng. Chỉ cần vài bộ hồ sơ mua gỗ từ DN hay hồ sơ từ thanh lý các lô gỗ có nguồn gốc hợp pháp, DN đã có thể ung dung sử dụng hồ sơ này làm “giấy thông hành” cho các lô gỗ khai thác trái phép từ những cánh rừng tự nhiên.

Năm 2019, từ việc thâm nhập “cung đường gỗ lậu” tại địa bàn H. Ia Pa (Gia Lai), P.V đã phát hiện thủ đoạn tinh vi của xưởng chế biến gỗ thuộc Cty TNHH MTV Lâm Anh Gia Lai (tại xã Ia Kdăm, H. Ia Pa). Từ những cánh rừng của H. Ia Pa tồn tại một “cung đường” khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tồn tại bấy lâu nay. Gỗ được khai thác trái phép từ rừng rồi tập kết một nơi chờ thời cơ sẽ đưa về xưởng gỗ này và được hợp thức hóa. Từ những thông tin phản ánh của P.V, cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện 1.319 hộp gỗ căm xe (quy tròn là gần 27m3) có nguồn gốc bất hợp pháp. Tại CQĐT, Đỗ Ngọc Phong- Giám đốc điều hành Cty Lâm Anh Gia Lai, thừa nhận: số gỗ trên Phong mua từ những đối tượng khai thác rồi đưa về xưởng sau đó dùng hồ sơ nguồn gốc mua bán gỗ căm xe từ trước để hợp thức hóa số gỗ lậu nói trên.

Gỗ khai thác trái phép từ rừng rồi đưa vào xưởng gỗ Lâm Anh (H. Ia Pa, Gia Lai) để hợp thức hóa thành gỗ hợp pháp.

Hay mới đây, vào sáng 29-6-2020, Phòng Cảnh sát kinh tế (CSKT) CA tỉnh Gia Lai kiểm tra, phát hiện tại kho xưởng của DNTN Hùng Ny (tại TT Chư Sê, H. Chư Sê, Gia Lai) của ông Nguyễn Quốc Hùng (1976) đang mua bán, tàng trữ gỗ không có nguồn gốc, giấy tờ hợp pháp. Số gỗ không có giấy tờ hợp pháp được xác định tại xưởng này lên đến gần 194m3 với các chủng loại căm xe, bằng lăng, gáo vàng và một số loại gỗ khác thuộc nhóm loài thông thường.        Bước đầu, Hùng khai nhận đã mua gỗ không có nguồn gốc hợp pháp rồi trà trộn vào số gỗ có nguồn gốc hợp pháp tại DN để bán ra thị trường. Vào ban đêm, các đối tượng dùng ô-tô loại 7 chỗ (đã tháo các băng ghế sau) để vận chuyển gỗ từ địa bàn xã Ia Mơr (H. Chư Prông, Gia Lai) và một số địa bàn lân cận rồi đưa về xưởng của DN này.

Đó cũng chỉ là một vài DN trong số nhiều DN đang hoạt động mua, bán lâm sản dùng thủ đoạn dùng hồ sơ hợp thức hóa gỗ bất hợp pháp thành gỗ có nguồn gốc bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Một cán bộ kiểm lâm chia sẻ, theo quy định mới thì từ năm 2019, DN chỉ cần tự lập bảng kê kèm các hồ sơ chứng minh nguồn gốc thì có thể vận chuyển mà không phải trình báo lực lượng chức năng nào. Điều đó, khiến nhiều DN lợi dụng các hồ sơ mua, bán gỗ hợp pháp để hợp thức hóa các loại gỗ bất hợp pháp khác để vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ. Vấn đề đó cũng khiến cho việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc gặp nhiều khó khăn. Chỉ có cơ quan Công an vào cuộc điều tra mới có thể làm rõ.

Những chiếc xe độ chế chở gỗ từ khu vực biên giới qua địa bàn H. Chư Prông (Gia Lai) bị phát hiện.

Nhiều lực lượng, gỗ lậu vẫn “chui” lọt

Cũng từ vụ án trên, có thể thấy gỗ lậu được các đối tượng vận chuyển từ địa bàn xã biên giới Ia Mơr (H. Chư Prông) và các khu vực lân cận về. Theo nguồn tin của P.V thu thập, các đối tượng sử dụng các loại xe 7 chỗ cũ, độ chế để vận chuyển gỗ từ khu vực này về DNTN Hùng Ny. Để đến được nơi này, những chiếc xe trên thường phải qua nhiều khu vực kiểm soát của lực lượng biên phòng, chốt chặn của kiểm lâm và chưa kể các lực lượng khác của địa phương. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là lực lượng chức năng ở đâu khi những chiếc xe chở gỗ này vẫn ung dung vượt mặt để đến nơi tập kết.

Điều bất thường đó đã tồn tại từ lâu nay khi trong những lần thâm nhập, P.V đã ghi lại nhiều hình ảnh về “con đường gỗ lậu” từ tuyến biên giới của H. Chư Prông ra QL14. Từ buổi chiều, những chiếc xe ô-tô, đa phần là  ô-tô 7 chỗ cũ, được độ chế, thậm chí cả xe bán tải đời mới vào địa bàn các xã Ia Mơr, Ia Puch chờ “ăn hàng”. Sau khi gỗ được đưa lên, chờ đến nửa đêm, những chiếc xe này từ tuyến biên giới đi rồi qua tỉnh lộ 663, 675 ra Quốc lộ 14. Thế nhưng, suốt một thời gian dài, những chiếc xe chở gỗ này vẫn ngang nhiên hoạt động nhưng không hề bị ngăn chặn.

Cũng ngay trên tuyến biên giới khu vực giáp ranh giữa H. Đức Cơ và H. Ia Grai (Gia Lai), tình hình phá rừng làm nương rẫy, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn diễn ra nhức nhối. Điều đáng nói, khu vực biên giới này không chỉ có đơn vị chủ rừng, kiểm lâm địa bàn mà còn có cả lực lượng biên phòng kiểm tra, kiểm soát. Thế nhưng, tình trạng vận chuyển lâm sản, phá rừng làm nương rẫy vẫn tồn tại và có lúc biến thành “điểm nóng”. Thậm chí, có thời điểm, một “khu chợ gỗ lậu” hình thành ngay tuyến biên giới để thu mua gỗ không có nguồn gốc hợp pháp. Những chiếc xe máy độ chế, xe máy cày ồn ào hoạt động, thậm chí những chiếc xe chở gỗ đi ngang qua lực lượng biên phòng như chốn không người. Nơi diễn ra việc vận chuyển, mua bán chỉ cách tuyến đường tuần tra biên giới vài chục mét nhưng không hề bị phát hiện, xử lý trong suốt thời gian dài.

Với những thủ đoạn tinh vi trong quá trình khai thác, vận chuyển, mua bán của các đối tượng lâm tặc đã tạo nên những “dòng chảy” gỗ rừng thành gỗ hợp pháp. Bên cạnh đó, sự yếu kém về trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí có cả những hành vi tiếp tay khiến rừng Tây Nguyên ngày càng dần rỗng ruột. Phủ bên ngoài là vẻ hào nhoáng, nhưng thực sự bên trong những cây gỗ quý, những cây cổ thụ cả trăm năm tuổi đã và đang ngã xuống trong sự bất lực của các chủ rừng.               

(còn nữa) 

MINH TÂN

>> Rừng Tây Nguyên đang “hói” dần (Bài 1: Tan hoang những cánh rừng)