Rừng Tây Nguyên đang “hói” dần (Kỳ cuối: Loay hoay bài toán giữ rừng)
Những con số “biết nói”
Một nghịch lý đã và đang diễn ra ở khu vực Tây Nguyên đó là dù có nhiều giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ rừng được các ngành, các cấp đề ra, song diện tích rừng vẫn ngày càng thu hẹp. Trong khi các đơn vị chủ rừng, lực lượng chức năng cũng như chính quyền địa phương còn đang loay hoay với bài toán giữ rừng thì hàng ngày, hàng giờ rừng Tây Nguyên vẫn bị xâm hại. Câu chuyện mất rừng nơi đại ngàn này vẫn chưa có hồi kết.
Nhiều dự án đã và đang làm giảm đi diện tích rừng của khu vực Tây Nguyên. |
Mới đây, tháng 6-2020, tại Hội nghị “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên” do Bộ NN&PTNT tổ chức đã đưa ra con số mất rừng đáng báo động. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng trong năm 2019, khu vực Tây Nguyên đã bị mất gần 16.000ha rừng tự nhiên và đây được xác định là khu vực trọng điểm về phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật.
Kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2019, diện tích có rừng của các tỉnh khu vực Tây Nguyên là khoảng 2,6 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích rừng cả nước với tỷ lệ che phủ đạt gần 46%. Thế nhưng, chỉ mới trong năm 2019, diện tích rừng của toàn khu vực giảm đến gần 16.000ha, làm giảm 0,09% độ che phủ của khu vực. Trong đó, Đăk Lăk là tỉnh có diện tích rừng bị mất nhiều nhất với khoảng 11.400ha. Tình hình vi phạm lâm luật trên toàn vùng vẫn diễn biến phức tạp, vẫn tồn tại nhiều điểm nóng về khai thác, vận chuyển gỗ trái pháp luật tập trung ở vùng biên giới, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên. Chỉ tính riêng trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, toàn vùng phát hiện 5.000 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Tại hội nghị này, ông Phạm Mạnh Cường- Vụ trưởng Văn phòng Chính phủ đã nêu ra con số cảnh báo khi chỉ trong vòng 10 năm (2010 – 2020) độ che phủ rừng của Tây Nguyên từ 51,9% xuống còn khoảng 45,9%, tương ứng với khoảng 462.000ha rừng của khu vực đã bị mất đi. Nhưng đây mới chỉ là những con số báo cáo trên giấy tờ còn trên thực tế diện tích rừng mất đi còn lớn hơn nhiều.
“Đây là con số mà chúng ta báo cáo trong sổ sách, giấy tờ. Tuy nhiên, diện tích rừng đã bị chuyển đổi sang mục đích khác, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp thì rất lớn và những công trình, dự án đã chuyển đổi rừng tự nhiên, đã chặt rừng tự nhiên rồi nhưng chưa làm thủ tục. Đấy là chưa nói đến chất lượng rừng tự nhiên ngày càng suy giảm”, Vụ trưởng Văn phòng Chính phủ Phạm Mạnh Cường cho biết thêm.
Những cánh rừng Tây Nguyên không chỉ bị khai thác lấy gỗ mà còn bị lấn chiếm để làm nương rẫy. |
Loay hoay giữ rừng
Câu chuyện giữ rừng, rừng càng mất vẫn chưa có hồi kết nơi những cánh rừng trên đại ngàn Tây Nguyên này. Một nghịch lý thấy rõ đấy chính là rừng được giao cho các Ban quản lý, công ty lâm nghiệp, kể cả các ngành chức năng khác cũng như chính quyền địa phương tham gia vào công tác giữ rừng nhưng rừng vẫn cứ mất. Những nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng vẫn được rót về nhằm phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thế nhưng, cây rừng vẫn cứ ngã xuống trong sự khó hiểu của các đơn vị quản lý. Lý do muôn thuở mà các chủ rừng, địa phương đưa ra gần như một lý do, đấy là: diện tích rộng, người ít khiến việc quản lý, bảo vệ gặp nhiều khó khăn, lâm tặc hoạt động ngày càng tinh vi, manh động... Điều đó, cho thấy nhiều đơn vị chủ rừng không chỉ gặp khó khăn mà còn bất lực, bế tắc trong công tác giữ rừng.
Chuyện bi hài đó cũng đã xảy ra khi vào năm 2019, Cơ quan CSĐT CAH Kbang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến việc 32 cây gỗ với tổng khối lượng gần 38m3 bị cưa hạ tại lâm phần của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Roong (xã Đăk Roong, H. Kbang, Gia Lai). Oái oăm, bị can trong vụ án này chính là 2 nhân viên bảo vệ rừng của Cty. Chỉ vì phát hiện lâm tặc khai thác một số điểm khai thác gỗ trái phép trong lâm phần được giao quản lý, 2 nhân viên trên lo sợ bị kiểm điểm trách nhiệm nên thuê người cưa số cây nói trên để... chặn đường đi của lâm tặc.
Áp lực giữ rừng, lo ngại trách nhiệm, cây rừng này đã bị chính những nhân viên bảo vệ rừng tại Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Roong đốn hạ để... cản lâm tặc. |
Mới đây, cũng trên địa bàn H. Kbang, một vụ phá rừng với quy mô lớn, khối lượng gỗ thiệt hại hơn 100m3 tại lâm phần quản lý của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku đã dấy lên những lo ngại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Điều đáng nói, việc khai thác trái phép diễn ra trong suốt thời gian dài với khối lượng lớn nhưng chủ rừng không phát hiện dù nơi đây luôn có nhân viên bảo vệ rừng của Cty phụ trách. Qua điều tra, truy xét, CQĐT CAH Kbang đã bắt giữ nhiều đối tượng lâm tặc tham gia vào việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Đồng thời, tạm giam 1 nhân viên bảo vệ rừng là Lê Hữu Đức (1988, trú xã Đăk Sơ Mar, H. Kbang) để điều tra về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, theo kết luận Thanh tra của tỉnh này thì từ năm 2018-2019, tại 10 đơn vị chủ rừng đã để mất, người dân lấn chiếm hơn 4.800ha rừng. Trong đó, Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Chư Mố (H. Ia Pa) để mất, lấn chiếm là gần 1.500ha, BQL RPH Ia Puch (H. Chư Prông) để mất, lấn chiếm là trên 1.200ha. Trong khi đó, công tác triển khai thu hồi đất rừng bị lấn chiếm cũng chẳng đáng là bao.
Lần nữa, tại Hội nghị “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cảnh báo: Những hiện tượng cực đoan về lũ lụt, hạn hán ở khu vực Tây Nguyên cũng như các vùng lân cận có nguyên nhân quan trọng từ mất rừng và ngày càng cực đoan hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của liên vùng nếu những cánh rừng ở Tây Nguyên vẫn ngã xuống.
MINH TÂN
>> Rừng Tây Nguyên đang “hói” dần (Kỳ 2: Gỗ "lậu" đi về đâu?)
>> Rừng Tây Nguyên đang “hói” dần (Bài 1: Tan hoang những cánh rừng)