Báo Công An Đà Nẵng

Rừng trong hương ước, luật tục của người Cơ Tu

Thứ năm, 03/11/2016 09:15

(Cadn.com.vn) - Người Cơ Tu sống chủ yếu ở các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang (Quảng Nam), H. A lưới, Nam Đông (TT-Huế), H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng), H. Ka lừm (tỉnh Sê kông nước bạn Lào). Tộc người Cơ Tu có một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống rất phong phú và đa dạng, trong đó có thể kể đến các lễ hội truyền thống thường niên như lễ hội ăn trâu mừng lúa mới, các loại hình nghệ thuật diễn xướng trống chiêng, nói lí-hát lý, dân ca dân vũ, trình diễn nhạc cụ dân tộc và các phong tục tập quán, kiến trúc nghệ thuật độc đáo, đặc biệt là các hương ước, luật tục và tri thức bản địa về mối quan hệ ứng xử hài hòa với điều kiện tự nhiên và môi trường sống.

Với người Cơ Tu sống dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ, huyền thoại, từ xa xưa rừng đối với họ như là người Mẹ hiền, người Cha hùng dũng chở che nuôi sống họ. Rừng như là vị thần thiêng liêng của làng, của cộng đồng dân tộc. Sự văn minh của người Cơ Tu trong ứng xử đối với rừng còn thông qua hệ thống các giá trị của các hương ước, luật tục dù các hương ước và tập tục Cơ Tu đó đều bất thành văn xuất phát từ thực tế môi trường sống của đồng bào, được hội đồng các già làng lập ra luôn được dân làng chấp thuận cao và cộng đồng dân làng thực hiện rất tốt và không ai dám vi phạm vì sợ ảnh hưởng đến các vị thần (yang), đến sự linh thiêng của rừng, của làng. Với người Cơ Tu khi lấy bất cứ thứ gì từ trong rừng họ luôn quan niệm là phải xin các thần linh của rừng (yang), chặt cây to hay cây nhỏ đều phải xin, phải họp bàn dân làng và phải cúng kiếng mới chặt được, mang về được. Ngày xưa họ không có từ mua bán sản vật từ rừng mà chỉ mang đi biếu tặng, trao đổi thể hiện sự hiếu mến khách của làng vì họ sợ thất đức, làm hại đến mẹ rừng. Trong lao động sản xuất, người Cơ Tu xem rừng như là nguồn sữa mẹ luôn cho dân làng những mùa lúa rẫy chín vàng, những mùa màng bội thu, đầy kho, đầy nóc nhà, dân làng được ấm no, an lành. Do vậy, đối với người Cơ Tu họ có cả một kho tàng triết lý và những điều cấm kị khi chọn đất làm rẫy để canh tác, chọc, tỉa để mẹ rừng không cạn kiệt nguồn sữa.

Rừng là cội nguồn của văn hóa Cơ Tu. Ảnh: Pơloong Plênh

Trong văn hóa của người Cơ Tu hình ảnh các vị thần, mô típ sa số về biểu tượng của các động- thực vật sống ở rừng luôn được biểu hiện rất sinh động trong văn hóa nghệ thuật, kiến trúc nhà Mồ, Nhà Gươl, Nhà Dài, trong ứng khẩu tinh túy về nghệ nói lí- hát lý, trong dân ca, giao duyên đối đáp và trong truyền thuyết, chuyện cổ tích và ngay cả trong văn hóa ẩm thực cũng luôn chứa đựng hình ảnh gần gũi của các loài từ mẹ rừng mang tặng dân làng. Từ rau rừng, cá, ốc, đến tên sông, suối, cây cối linh thiêng và muông thú luôn được người Cơ Tu sử dụng thông qua đặt tên làng, tên con cái, dòng họ...

 Chính từ những quan niệm trên, người Cơ Tu luôn truyền dạy con cái bằng câu nói lí rất thâm thúy: "Con chim trên trời cao cần rừng xanh bát ngát. Con cá dưới nguồn cần dòng nước trong veo. Con người Cơ Tu cần mẹ rừng che chở. Cho dân làng ta sinh sôi, nảy nở. Cho mùa màng ta luôn bội thu. Cho người Cơ Tu khắp muôn nơi mãi mãi trường tồn... Mất rừng chim không còn tiếng hót. Mất suối sông cá không còn hơi thở. Mất mẹ rừng người Cơ Tu sẽ tàn vong".

PƠLOONG PLÊNH