Rừng… vô chủ!
- Rừng đều được xác định lâm phần quản lý rõ ràng chớ vô chủ là sao Tư Gia Lai?
Gần 400 héc-ta cao su trồng trái phép trên đất rừng nhưng chủ rừng không biết cá nhân, đơn vị nào trồng. |
- Vậy mà ở huyện Chư Prông (Gia Lai) có hàng trăm héc-ta cây cao su được trồng trái phép trên đất rừng và đã đến thời kỳ khai thác mủ nhưng hiện đang “vô chủ” vì không có cá nhân hay tổ chức doanh nghiệp nào đứng ra nhận.
- Vì sao có chuyện lạ đời vậy?
- Tại sợ trách nhiệm, vì hàng trăm héc-ta cây cao su trồng trái phép trên đất rừng phòng hộ Ia Puch (huyện Chư Prông).
- Rứa đơn vị quản lý rừng phòng hộ Ia Puch ở đâu?
- Theo một lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch (viết tắt; BQL) thì trên diện tích đất rừng mà Ban này được giao quản lý có 359, 86 héc-ta đất rừng tự nhiên bị các doanh nghiệp chặt phá lấn chiếm để trồng cây cao su. BQL là chủ rừng, quản lý diện tích đất, còn cây cao su thì không biết của ai (!?)
- Ơ, nói chi trớt quớt rứa! Vậy hàng trăm héc-ta cao su “vô chủ” bị phát lộ do đâu?
- Theo Thanh tra tỉnh Gia Lai, từ năm 2008 đến nay, trong tổng diện tích đất tự nhiên mà BQL rừng phòng hộ Ia Puch được giao, có hơn 868 héc-ta rừng bị người dân chặt phá lấn chiếm để làm nương rẫy, gần 360 héc-ta bị một số doanh nghiệp chặt phá chiếm đất để trồng cao su. Tổng diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá lấn chiếm từ năm 2008 đến nay là hơn 1.228 héc-ta.
- Mà lạ hè, hàng trăm héc-ta cao su trồng trái phép từ nhiều năm nay mà đơn vị quản lý không biết ai trồng là sao?
- Bởi vậy, lãnh đạo UBND huyện Chư Prông cũng phải thừa nhận rằng: “Diện tích cao su trồng trái phép trên đất rừng thực tế rành rành trên lâm phần của BQL rừng phòng hộ Ia Púch”.
- Vậy là “huề cả làng” à?
- Do không xác định được đơn vị, tổ chức nào đã tự ý chặt phá, lấn chiếm đất rừng để trồng hàng trăm héc-ta cao su Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai điều tra, làm rõ.
- Đã có kết quả điều tra chưa Tư?
- Bước đầu, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phan Quốc Huy (1987)- Trưởng BQL rừng phòng hộ Ia Puch về hành vi: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
- Bề Tui thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai cần sớm điều tra làm rõ và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có liên quan đến vụ việc trên để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Bề Tui