Rượu, bia và những góc khuất
* Bài 1: "Chí Phèo" thời nay
(Cadn.com.vn) - Thực tế, rượu, bia là thức uống dường như không thể thiếu, là "gia vị", chiếm vị trí khá đặc biệt trong đời sống văn hóa, tinh thần của con người. Đáng buồn là từ nét đẹp văn hóa trong thú thưởng thức tao nhã ấy đã có không ít người tự biến mình thành "nô lệ" để rồi gây ra những hậu quả bi kịch nhãn tiền...
Uống bia, rượu đúng mực sẽ giúp chúng ta tránh được những hậu quả đáng tiếc |
Tôi thường gặp người đàn ông ấy trên đường đi tập thể dục hằng đêm. Lần gặp nào cũng thấy ông trong tình trạng say khướt. Có lần, một thanh niên điều khiển phương tiện giao thông dừng xe "nộ" ông một trận: "Muốn chết hả? Đồ say!". Bị chửi "Đồ say", ông ta ngước lên nhìn, phát hiện người chửi đáng tuổi con mình liền nổi đóa: "Thằng nhãi ranh! Đường tao, tao đi. Đường mày, mày đi. Đồ mất dạy!". Biết gặp phải "thứ dữ", người thanh niên nọ đành lên xe bỏ đi, không quên ném lại câu chửi thề!
Có lúc, tôi lại thấy ông ngồi bệt trên vỉa hè, gióng mắt vào nhà chửi bới vợ con với những lời lẽ cay nghiệt. Một lần, trong cơn say, ông ta chửi cô con gái đang ngồi ngoài hiên: "Mày không muốn học thì nghỉ. Muốn "làm gái" hả? Tao dắt đi cho! 10 giờ đêm đi là có khách liền! Học không lo học, tao cho nghỉ chừ, nghỉ chừ...!". Những lời lẽ cay nghiệt đó khiến tôi tò mò nhìn xem người bị mắng là người như thế nào. Đó là cô bé trạc 14, 15 tuổi, gương mặt sáng. Cô bé ăn mặc giản dị với áo sơ-mi trắng, quần tây xanh. Chắc vừa mới đi học thêm về. Nghe cha "nộ", cô bé đứng im. Duy chỉ có ánh mắt nhìn cha là đầy vẻ oán giận. Người đàn ông vẫn cứ thả ra những lời lẽ cay độc làm đau lòng cô bé. Cụm từ "làm gái" được lặp đi lặp lại khiến tôi bất giác có ác cảm với ông. Gần nhà cô bé là những quán nhậu. Tiếng "zô", "zô" vọng ra càng khiến gương mặt cô bé đanh lại...
Bẵng đi một dạo, tôi chẳng thấy ông ta đâu, ngang qua ngôi nhà ấy, thấy cửa đóng im ỉm. Lân la hỏi thăm thì được biết, vợ chồng ông đã chuyển đi chỗ khác ở. Đây chỉ là nhà ở thuê...
Nhiều người ở khu vực Đà Sơn (Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) không lạ gì chuyện ông P.V.L (46 tuổi) say xỉn như cơm bữa. Người hiểu tính khí của ông cho biết, khi không có rượu, ông trông hiền khô. Vậy mà chỉ cần có chút hơi men là ông như "có tà", về nhà đánh vợ con, đập phá đồ đạc. Cũng bởi cái tật nghiện rượu không bỏ được đó đã ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến ông phải thôi làm công nhân khi chưa tròn 50 tuổi. Ở nhà làm thợ "đụng" nên bệnh nghiện rượu ngày càng nặng. Hễ có rượu vào là ông trở thành người khác hẳn, suy diễn lung tung, đâm ra ghen tuông vô cớ với vợ... Thiếu úy Nguyễn Văn Tịnh - CSKV P. Hòa Khánh Nam cho biết, CAP đã từng lập biên bản xử phạt hành chính 2 lần đối với ông L. về hành vi uống rượu say về nhà quậy phá, đánh đập vợ con, gây mất TTCC. Vậy nhưng ông vẫn không chừa, cứ chứng nào tật nấy.
Ở Đà Sơn còn có một "đệ tử Lưu Linh" khác, không thua kém gì ông L. là ông P.V.T (49 tuổi). Là thợ nề nên sau một ngày làm việc nặng nhọc về, ông T. lại tìm đến rượu để... giãn gân cốt. Giãn đâu thì không biết, chỉ biết từ một người bình thường trông hiền lành là thế, khi có hơi men vào thì ông chướng không ai chịu nổi. Mà cái cớ của kẻ say rượu chẳng ai có thể nói lại được. Nghe đâu, có lần đi nhậu say về không thấy vợ đâu, ông nổi giận đùng đùng. Vợ vừa xuất hiện ở cửa, đã hất hàm hỏi: "Mi đi đâu chừ mới về?". Vợ bảo: "Tui đi mua dầu gội". Chưa kịp đi xuống bếp, chị đã bị ông... tặng cho mấy cú đánh. Có lúc nhậu "sương sương" về, ông hoạnh họe vợ "tiền đâu, đưa cho tao một ít tiêu", vợ nói "làm gì có tiền mà đưa" liền bị ông "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay". Có lần không chịu nổi cơn say kiếm cớ đánh vợ của ông, cậu con trai mới lớn nổi đóa gây sự với cha dẫn đến cha con đánh nhau, phải nhờ sự can thiệp của lực lượng CAP mới yên.
Ông P.V.L. (bìa phải) được CAP Hòa Khánh Nam đưa ra kiểm điểm trước dân |
Ông H. (ở P. Hòa Hiệp Nam) mỗi vào uống rượu vào là mất tần số kiểm soát. Có lần ông H. tổ chức nhậu tại gia cùng một nhóm bạn. Rượu vào thì lời ra dẫn đến mâu thuẫn đánh nhau khiến hàng xóm phải gọi điện đến đường dây nóng nhờ CAP can thiệp. Khi được điệu về trụ sở làm việc, trong cơn say, ông H. tiếp tục có hành vi quậy phá CAP. Tình hình buộc CAP phải đợi cho ông H. "giải cơn men" rồi mới làm việc. Tỉnh cơn say, ông H. không nhớ mình đã làm gì. Mãi đến lúc CAP cho xem lại đoạn clip quay hình ảnh quậy phá của mình, ông H. mới thấy xấu hổ, nhận lỗi, hứa sẽ không tái phạm nữa...
Nhiều CSKV mà tôi có dịp tiếp xúc, trao đổi công việc tâm sự rằng, trong quá trình xử lý các vụ việc liên quan đến ẩu đả, gây rối TTCC tại các khu dân cư, điều họ quan ngại nhất chính là tiếp xúc với các "Chí Phèo" thời nay. Bởi, phần lớn họ không kiểm soát được hành động của mình. Có nhiều trường hợp khi có hơi men vào trở nên chướng lạ lùng và thường "lý sự cùn". Nếu không có phương pháp tiếp cận cùng cách xử lý khéo sẽ dẫn đến "tác dụng" phụ.
P.Thủy
(còn nữa)