Rượu, bia và nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông
Hệ lụy từ bia, rượu
(Cadn.com.vn) - Tai nạn giao thông (TNGT) vốn đã là nỗi ám ảnh của những ai đã từng điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường phố. Nỗi ám ảnh đó càng trở nên đáng sợ hơn khi phải chứng kiến những "hung thần tốc độ" đua nóng, chạy bạt mạng, bất chấp hiểm nguy cho chính mạng sống của mình mà còn đe dọa cướp đi sinh mạng của người khác khi đã có men bia, rượu.
Thế nhưng vẫn có người cứ bao biện bởi câu nói "Nam vô tửu như kỳ vô phong" và thế là rượu, bia đã trở thành thói quen tiêu dùng của không ít người; thậm chí có người lạm dụng rượu, bia quá mức cần thiết. Thế nhưng, điều đáng sợ nhất là khi đã uống rượu, bia mất tầm kiểm soát, người ta lại điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì quả thật hết sức nguy hiểm.
Bởi một trong những nguyên nhân hàng đầu gây TNGT, mà theo bất cứ báo cáo nào về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao (TTATGT) của các địa phương trong nhiều năm qua đều có nêu ra, là do người điều khiển phương tiện khi đã có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép.
Thượng tá Lê Ngọc, Trưởng Phòng CSGT CATP Đà Nẵng mới được bổ nhiệm ngày 1-10-2014 khi đề cập đến số vụ TNGT đường bộ trong 10 tháng đầu năm 2014 đã cho biết, toàn thành phố xảy ra 142 vụ TNGT, làm chết 77 người, bị thương 137 người; hỏng 50 xe mô-tô, 6 xe ô-tô, 3 xe thô sơ, thiệt hại tài sản trị giá 117 triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu so sánh với cùng kỳ năm 2013, TNGT trên địa bàn TP Đà Nẵng đều được khống chế giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng qua công tác tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm về TTATGT, lực lượng CSGT đã thống kê được có tất cả 152 trường hợp vi phạm đều có nồng độ cồn quá quy định.
Tất nhiên, con số đó chưa thể phản ảnh hết thực tế hiện nay về tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã qua sử dụng rượu bia quá mức cho phép. Khi nhìn vào con số xử lý vi phạm tốc độ 3.677 trường hợp trong 10 tháng đầu năm 2014 của lực lượng CSGT CATP Đà Nẵng, người viết cũng không loại trừ có yếu tố bia, rượu của người vi phạm.
Một con số thống kê khác do BSCK1 Trần Thanh Nhân, Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đà Nẵng cung cấp cũng làm cho nhiều người phải suy nghĩ. Đó là, trong vòng 8 tháng đầu năm 2014, đã có 6.482 ca đưa vào bệnh viện cấp cứu. 23 trường hợp trong số đó đã tử vong khi chưa được điều trị do quá nặng.
Hệ lụy là đã có không ít vụ TNGT đau lòng xảy ra trên địa bàn TP Đà Nẵng từ đầu năm đến nay liên quan đến vấn đề này.
Lực lượng CSGT CAQ Thanh Khê kiểm tra xử lý các lỗi vi phạm. |
Những vụ TNGT đau lòng
Trung tá Phạm Bảy, Đội trưởng Đội CSGT CAQ Thanh Khê kể về một vụ TNGT chết người liên quan đến bia, rượu mới xảy ra lúc 20 giờ 50 ngày 14-9-2014. Vào thời điểm ấy, anh Alexander Francis Cone (1976), quốc tịch Ailen, trú 24 - Trung Nghĩa 6, P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu điều khiển xe mô-tô, BKS 29M3.1752 chạy trên đường Điện Biên Phủ, hướng từ đường Lê Độ về Hà Huy Tập.
Khi đến trước nhà số 264 - Điện Biên Phủ, xe này đã tông vào xe mô-tô, BKS 92K6.7292 do anh Phạm Văn Nở (1996), trú xã Điện Quang, H.Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, chở sau anh Lê Văn Dũng (1995) đi cùng chiều phía trước và đang chuyển hướng từ phải sang trái. Hậu quả là anh Lê Văn Dũng bị chấn thương sọ não nặng và đã chết sau đó một ngày; 2 xe mô-tô hư hỏng.
Nguyên nhân sau đó được xác định là anh Alexander Francis Cone không giữ khoảng cách an toàn và điều khiển phương tiện trong trạng thái có nồng độ cồn vượt mức quy định. Cũng với nguyên nhân trên mà vào lúc 20 giờ ngày 13-4-2014, xe mô-tô BKS 43T1.9950 do ông Phan Thuận (1967), trú P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu điều khiển hướng từ Hòa Khánh đi Hòa Hiệp, đến trước nhà số 966 - Nguyễn Lương Bằng, P.Hòa Hiệp Nam đã va chạm với bà Nguyễn Thị Đẩu (90 tuổi), trú 966 - Nguyễn Lương Bằng đi bộ qua đường.
Hậu quả là bà Đẩu đã chết lúc 20 giờ ngày 15-4-2014 tại bệnh viện. Nguyên nhân được xác định là ông Thuận điều khiển xe quá tốc độ và có uống rượu, bia. Cũng có những vụ tự gây TNGT như vụ xảy ra trước nhà số 48 - Lê Đình Dương. Lúc đó, vào tầm 2 giờ sáng, xe mô-tô BKS 82K3.4708 do Phan Văn Tuấn (1986), trú Hàm Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình điều khiển hướng từ Trần Phú về Phan Châu Trinh.
Khi đến địa điểm trên do đã sử dụng rượu, bia, không làm chủ tốc độ đã tự tông vào lề đường gây tai nạn dẫn đến tử vong. Hai vụ tự gây TNGT khác diễn ra chỉ cách nhau 2 ngày cũng dẫn đến hậu quả bị thương nặng. Đó là vụ anh Lê Đức Quy (1990), trú Thiệu Đô, Thiệu Phong, Thanh Hóa điều khiển xe mô-tô, BKS 36F3.4632 chạy từ Sơn Trà về hướng Tiểu La đã đâm vào trụ đèn 14T12-9 đường 2-9, Q.Hải Châu. Hoặc vụ anh Nguyễn Duy Hưng (1981), Hòa Thắng, Phú Hòa, Phú Yên điều khiển xe mô-tô BKS 43H4.1103 đâm vào trụ điện số 472E1141, ngã tư Nguyễn Hữu Thọ-Nguyễn Tri Phương, Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng...
Cần tiếp tục có những giải pháp mạnh tay
Đánh giá về tình hình liên quan đến TTATGT từ đầu năm đến nay, thượng tá Lê Ngọc, Trưởng Phòng CSGT CATP Đà Nẵng cho rằng, đơn vị đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp công tác đảm bảo TTATGT. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời tăng cường TTKS trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT; mở các đợt cao điểm, chuyên đề tổng kiểm soát, xử lý ô-tô, mô-tô vi phạm... Qua đó, tình hình TTATGT được đảm bảo, duy trì ổn định, ùn tắc giao thông kéo dài không diễn ra. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của thượng tá Lê Ngọc, tình hình TTATGT vẫn còn diễn biến phức tạp.
Liên quan đến dự án "Sáng kiến cải thiện tình trạng sử dụng chất có cồn và điều khiển phương tiện" hiện đang được tiếp tục triển khai. Sau 2 năm tập trung triển khai trên 2 địa bàn trực tiếp can thiệp của dự án là Q.Hải Châu và H.Hòa Vang, trong năm 2014 này đã được tiếp tục triển khai mô hình hoạt động tuyên truyền và cưỡng chế trên địa bàn Q.Liên Chiểu.
Và từ cuối tháng 8-2014, Phòng CSGT cũng đã có Kế hoạch xử lý chuyên đề vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn Q.Liên Chiểu. Những thông điệp "Đã uống rượu, bia-Không lái xe", "Lạm dụng rượu bia-Hiểm họa tai nạn giao thông", "Hãy nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông"... của dự án đã trở thành quen thuộc với nhiều người.
Không ít người cho rằng, tuyên truyền, phổ biến, vận động là cần thiết, quan trọng nhưng bên cạnh đó cần phải tăng cường các biện pháp chế tài: Tăng lực lượng cảnh sát giao thông TTKS trên các tuyến đường trọng điểm và thường xuyên kiểm tra nồng độ cồn, tập trung ở những nơi có thể xảy ra nhiều TNGT; trang bị thiết bị đo nồng độ cồn bảo đảm đạt tiêu chuẩn; tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có độ cồn vượt quá quy định cho phép.
"Trong khi ý thức của người dân còn hạn chế thì việc tăng cường các biện pháp chế tài là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giảm thiểu TNGT do rượu, bia gây ra"- ông Nguyễn Văn Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND Q.Thanh Khê đã có lần trao đổi với người viết như thế tại một hội nghị về ATGT cấp quận.
Phương Kiếm