Báo Công An Đà Nẵng

Rượu – bia & góc nhìn trái

Thứ năm, 24/10/2013 08:39

* BÀI 1: NGHÈO VÌ NHẬU!

(Cadn.com.vn) - Một vấn đề thiết thân liên quan đến mạng sống, sức khỏe, uy tín của mỗi người và của quốc gia là chuyện rượu, bia nhậu nhẹt. Có quá nhiều việc cần có rượu, bia mới nên chuyện như giỗ chạp, cưới hỏi, ma chay... Rượu là kết tinh của văn minh nhân loại, không chỉ là thức uống mà còn là một nét văn hóa của từng dân tộc. Nhưng cũng có quá nhiều khốn khổ của con người do tửu thần gây ra. Đó là tệ nạn xảy ra do “tửu vào lời ra”, do quá chén. Trong loạt bài dài kỳ này, chúng tôi sẽ cùng bạn đọc luận về mặt trái từ việc sử dụng rượu, bia như một lời nhắc nhở để cùng nhắc nhau làm chủ mỗi khi nâng ly đều ý thức được điểm dừng.

NGƯỜI NGƯỜI NHẬU...

Ngày xưa, bố tôi là ngư dân có tiền ở làng biển Thượng Luật (Quảng Bình). Tôi nhớ một tuần hay nửa tháng ông mới mời các bạn già có chữ trong xóm đến nhà hàn huyên một lần. Cuộc vui chỉ 3-4 người và một nậm rượu, những cái chén sứ mắt trâu bằng ngón chân cái. Rượu lâu lâu mới rót. Các cụ ngồi nhâm nhi, nói chuyện nhân tình thế thái. Rượu chước 3 lượt là hết. Nghĩa là mỗi cụ được 3 chén mắt trâu rượu là ăn cơm rồi chia tay. Bây giờ thanh niên làng tôi ngày nào cũng nhậu. Đi biển về có con mồi gì ngon là nướng lên nhậu. Nhậu suốt ngày đêm mà đã nhậu là phải tính đủ mỗi người một chai bảy rượu gạo (0,7 lít). Kinh thật!

Không hiểu sao ở Việt Nam ai ai cũng nhậu. Người già nhậu. Người trẻ nhậu. Đàn ông nhậu. Phụ nữ cũng nhậu. Nhậu sáng. Nhậu trưa. Nhậu chiều. Nhậu đêm. Nhậu ngày chủ nhật. Nhậu cả trong giờ làm việc. Nhậu trong nhà hàng sang trọng, nhà hàng bình dân, ở quán cóc vỉa hè. Nhậu trên thuyền, nhậu ngoài bãi biển. Lãnh đạo nhậu. Cán bộ nhậu. Công nhân nhậu. Sinh viên nhậu. Học sinh nhậu... Ở các thành phố như Huế, Vinh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Nha Trang, Nam Định, Ninh Bình... mà tôi thường lui tới, nhà hàng, quán nhậu nhiều vô kể. Các bãi biển, bờ sông, lề đường ở Huế, Cửa Lò, hay Sầm Sơn (Thanh Hóa), Đà Nẵng... quán nhậu đông đúc.

Một tuyến “phố nhậu” trên đường Trường Sa, Đà Nẵng. Ảnh: N.M

NHỮNG CON SỐ GIẬT MÌNH

Một con số mà Đài RFI đưa ra năm 2008 làm cho chúng ta giật mình: Người Việt Nam chi gần 360 triệu USD mỗi năm cho ăn nhậu. Số tiền này bằng thu nhập GDP/năm của nhiều tỉnh ở miền Trung cộng lại. Đây quả là một con số khổng lồ đối với quốc gia đang còn nằm trong danh sách các nước nghèo trên thế giới như Việt Nam, nơi mà đại đa số dân chúng thu nhập không tới 2 USD (40.000 đồng) mỗi ngày. Đó là chưa kể những tiêu tốn cho gia đình và xã hội do hậu quả của rượu bia gây nên.

Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á về mức tiêu thụ bia với gần 2,6 tỷ lít bia trong năm 2011, vượt xa 2 nước đứng ở vị trí tiếp theo là Thái Lan (1,8 tỷ lít) và Philippines (1,62 tỷ lít). Theo thống kê của Euromonitor International, lượng tiêu thụ bia của 6 nước tiêu thụ ít nhất gồm Myanmar, Singapore, Lào, Campuchia, Malaysia và Indonesia cộng lại chỉ bằng 25% nước ta. Đó là mới nói về bia. Mỗi năm Việt Nam sản xuất gần 350 triệu lít rượu. Lượng rượu tiêu thụ ở Việt Nam (gồm rượu gạo nấu thủ công), rượu vodka đóng chai sản xuất trong nước, rượu ngoại nhập các loại cũng thuộc loại nhiều nhất Đông Nam Á.

Cảnh người ngồi như nêm trong một quán nhậu trên đường Hoàng Sa, Đà Nẵng.

NGHÈO VÌ NHẬU

Vật giá thị trường ngày càng leo thang. Một mớ rau bây giờ cũng 5 - 10 ngàn đồng, con gà cũng tới 200 ngàn đồng. Thế mà có anh công chức lương chỉ hơn 3 - 4 phẩy nhưng tuần nào cũng nhậu. Mỗi lần nhậu ít nhất phải chi khoảng 300-400 ngàn đồng, 4 lần/tháng cũng mất 1,5 - 1,6 triệu đồng, tức gần nửa tiền lương. Đó là nhậu bình dân, chứ còn sang trọng thì ít nhất một bữa cũng phải 1,5-2 triệu đồng, một chai rượu ngoại cũng tới 3-4 triệu đồng thì tiền đâu chịu thấu. Tôi quen anh bạn làm thợ sửa xe, vợ bán cháo bún. Kiếm ăn từng bữa toát mồ hôi. Thế rồi anh chồng đêm đi nhậu say về tông phải cô gái đi học đêm, chấn thương nặng, nằm viện cả tháng trời. Gia đình anh phải nuôi, phải chịu tiền thuốc, tính ra gần cả trăm triệu đồng. Thế là đã túng lại bấn.

Nếu mở một chiến dịch khảo sát về khoản chi cho ăn nhậu hằng năm của người Việt Nam chắc chắn chúng ta sẽ không khỏi rùng mình trước khoản tiền quá lớn đó. Công nhân, dân thường nhậu ắt phải “đếm đầu chia xôi”, sau đó nghèo thì cắn răng chịu. Các làng bản ở các tỉnh, huyện miền núi được dự án thủy điện, giao thông đền bù giải tỏa được vài trăm triệu đồng một hộ, cánh đàn ông uống rượu vài ba tháng là hết. Thế là đến nơi định cư ruộng mất, không nghề nghiệp, con đông, sinh đói kém, nheo nhóc. Nhậu nhiều “làm nghèo gia đình” là thế.

Một câu hỏi lớn đặt ra là cán bộ công chức thu nhập thấp, làm sao có tiền để nhậu nhiều thế? Lương vài ba triệu đồng, tiền đâu chi trả cho những cuộc nhậu kín mít cả 7 ngày/tuần? Nhiều người cho biết, có một thực tế, các cuộc nhậu của một số cán bộ có quyền thường tổ chức ở những nơi cố định. Nhậu xong ký nợ. Đến khi tiếp khách của cơ quan thì thanh toán một lần. Thế là nhậu thoải mái vì tiền đã có “ngân sách chịu”. Cũng có nhiều trường hợp quan chức tỉnh, ngành ới nhau nhậu, sau đó gọi một giám đốc doanh nghiệp đến cùng tham gia. Được trả tiền cho sếp nhậu, doanh nhân cảm ơn lắm lắm, nên mấy cũng trả...

Ngoài tiền, một lãng phí lớn vì nhậu là việc tốn quỹ thời gian mà họ bỏ ra để lê la trong quán nhậu là quá khủng khiếp. Một cuộc nhậu 4-5 tiếng đồng hồ, có khi thâu đêm suốt sáng. Ước tính mỗi ngày 20 triệu dân Việt Nam (khoảng 25%) đi nhậu, lãng phí mất 60 triệu ngày công lao động. Hậu quả tiếp theo là  không biết bao nhiêu người vợ phải chịu cảnh đòn roi, ngược đãi. Đó là chưa kể tốn phí cho việc chăm nuôi những con bệnh gút, gan, tim... do nhậu gây nên.

(còn nữa)
Ngô Minh