Báo Công An Đà Nẵng

Rút quân khỏi Syria - chiến lược đàm phán và mặc cả của Mỹ?

Thứ bảy, 07/04/2018 11:58

Sau cuộc tranh luận nội bộ gay gắt, Nhà Trắng cho thấy, việc rút quân khỏi chiến trường Syria không phải là việc sắp xảy ra, mà thực chất vẫn nằm trong kế hoạch. Nhưng một số nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Donald Trump đã sẵn sàng xoay trục chiến lược và các nguồn lực quân sự sang Châu Á, đặc biệt là Triều Tiên.

Một binh sĩ thuộc quân đội Mỹ làm nhiệm vụ ở Manbij, Syria.   Ảnh: AP

Cuối năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã công bố chi tiết kế hoạch cho thấy Mỹ vẫn ở lại Syria trong tương lai dài - sau khi nhóm cực đoan IS bị đánh bại. Theo đó, Washington sẽ chuyển sang vai trò ổn định để đảm bảo IS không thể trở lại và để nắm giữ lá bài quan trọng trong trò chơi ngoại giao (một trò chơi bao gồm Nga và Iran) để tìm một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến ở Syria.

Tuy nhiên, trong tuần này, Tổng thống Trump, người trước đó đã ký vào kế hoạch của Bộ trưởng Mattis, đã gửi một thông điệp khác với vị thuyền trưởng của Lầu Năm Góc: mọi việc không xảy ra như thế. Tại cuộc vận động tranh cử ở Ohio hồi tuần trước, ông Trump tuyên bố sẽ kéo quân đội Mỹ ra khỏi Syria “rất sớm” và mới đây nhất là đồng ý sửa đổi một chút lịch trình trong khi vẫn thận trọng với bất kỳ kế hoạch khổng lồ nào cho một vai trò mở rộng của Mỹ ở quốc gia Trung Đông này. Các quan chức Nhà Trắng cho hay, khoảng 2.000 lính Mỹ ở Syria có thể sẽ chỉ còn hoạt động ở Syria trong vài tháng, trong khi vai trò của Mỹ trong bất cứ hoạt động nào khác, ngoài việc hoàn thành cuộc chiến chống lại IS, sẽ bị thu hẹp.

Các nhà phân tích an ninh quốc gia nói rằng, quyết định của ông chủ Nhà Trắng, từ bỏ kế hoạch mở rộng hoạt động ở Syria, phản ánh hình ảnh “một tổng thống đơn độc” khi không có đội ngũ an ninh quốc gia đầy đủ. Tổng thống Trump đang không hài lòng khi những cuộc chiến ở Trung Đông chưa từng kết thúc – điều thường được thể hiện trong chiến dịch tranh cử năm 2016 - đồng thời báo hiệu một điều gì đó rộng lớn hơn cho những bạn bè và kẻ thù của Mỹ ở Trung Đông.

Chuyển hướng sang Triều Tiên

Thông điệp rõ ràng trong “quyết định Syria” lần này của ông Trump là Washington thực sự đang muốn rút quân khỏi Trung Đông và định hướng lại kế hoạch tập trung vào Châu Á - đặc biệt là vấn đề Triều Tiên.

Các nhà phân tích nói rằng, các đồng minh từ Saudi Arabia đến Israel nên chuẩn bị để làm nhiều hơn cho chính họ tại Syria, đặc biệt trong bối cảnh Iran đang nổi lên mạnh mẽ hơn. “Quyết định này chắc chắn sẽ làm giảm đòn bẩy của Mỹ ở Syria, nhưng nó sẽ gửi thông điệp rõ ràng hoặc có lẽ là lời nhắc nhở rằng, Washington muốn rời khỏi Trung Đông nói chung”, một chuyên gia nhận định. Thực tế, những người khác thì thấy rõ, ông Trump đang muốn cân bằng những cam kết trong chiến dịch tranh cử: đưa Mỹ ra khỏi các cuộc chiến ở Trung Đông và buộc các đồng minh phải làm nhiều hơn (phải trả tiền nhiều hơn) để bảo đảm an ninh của họ. Cũng theo tính toán của Tổng thống Trump, Mỹ cần phải sắp xếp mọi việc để có thể đối đầu với Triều Tiên.

Nhưng đồng thời, việc ông Trump khăng khăng rút khỏi Syria cũng phản ánh một sự thay đổi trong chiến lược tập trung vào Châu Á và thách thức từ Triều Tiên.

Người thắng, kẻ thua

Tuy nhiên, dù quyết định của ông Trump có nghĩa là quân đội Mỹ sẽ ra khỏi Syria trong vòng vài tháng hoặc vẫn còn hiện diện trên mặt đất trong 1 năm, tín hiệu mà nhà lãnh đạo này muốn gửi đi đã được những quốc gia tham chiến chống khủng bố trong cuộc xung đột Syria lắng nghe. Bởi chính nó sẽ có ý nghĩa đối với những người chiến thắng và thua cuộc trong khu vực.

Có thể thấy, bên chiến thắng là Iran, Nga, và chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và kể cả Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đang nỗ lực đánh bại người Kurd ở Syria – một lực lượng được Mỹ hậu thuẫn. Các nhà lãnh đạo của Nga, Iran, và Thổ Nhĩ Kỳ đã bàn về vấn đề Syria tại một hội nghị thượng đỉnh ba bên ở Ankara hôm 4-4. Trong đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng, sự hiện diện của Washington tại Syria chỉ làm tăng thêm sự “không an toàn” của quốc gia bị chiến tranh tàn phá, ngay cả khi người Mỹ thất bại trong mục tiêu lật đổ ông Assad.

Vậy còn những người thua cuộc thì sao? Đứng đầu danh sách này là lực lượng người Kurd, vốn được Washington xem như là đối tác tốt nhất. Trong khi đó, Liên minh Dân chủ Syria là lực lượng đang cảm thấy bị bỏ rơi. Cũng lâm vào thế thua cuộc với quyết định rút lui của ông Trump là Israel. Như các quan chức Israel lo sợ khi nói về ý định của Mỹ, việc Lầu Năm Góc rút quân chắc chắn sẽ như mở đường lớn cho Iran- một kẻ thù truyền kiếp của Tel Aviv.

Rủi ro và lợi ích

Sau cuộc tranh luận nội bộ gay gắt, Nhà Trắng cho thấy, việc rút quân khỏi chiến trường Syria không phải là việc sắp xảy ra, mà thực chất vẫn nằm trong kế hoạch. Một số nhà phân tích cũng nói rằng, những lo lắng về quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Trump đã bị thổi phồng - đặc biệt khi xét đến tính chất nhỏ bé của việc Mỹ triển khai quân sang Syria.

Daniel Davis, chuyên gia quân sự của Defense Priorities cho rằng, Tổng thống Trump đã đúng khi muốn rút quân khỏi Syria, nơi mà Washington sẽ chẳng thu được gì với 2.000 quân ở đây. Chuyên gia Davis cho rằng, so với kế hoạch của Bộ trưởng Mattis, quyết định rút quân của ông Trump là đúng. “Tôi biết rõ chiến lược của ông Mattis, nhưng không có gì trong danh sách của ông có thể đạt được. Chúng ta cần phải ra khỏi đó và tập trung vào an ninh quốc gia cốt lõi”, chuyên gia này nói.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, có một nguy cơ chiến lược rất lớn. Các quan chức Mỹ ước tính rằng IS đã mất đi 95% lãnh thổ mà chúng từng có ở Syria và Iraq. Tuy nhiên, các nhánh nhỏ của IS đã “phát triển trở lại thành một lực lượng nổi dậy truyền thống” và với lực lượng 2.000 quân, Washington khó có thể làm được gì. Ông Davis đưa ra ví dụ rõ ràng về thực tế 140.000 lính Mỹ ở Afghanistan cũng không thể đánh bại Taliban trong nhiều năm qua.

KHẢ ANH