"Sa tặc" âm thầm rút ruột sông Đại An
(Cadn.com.vn) - Hiện nay, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra âm ỉ trên sông Đại An, đoạn chảy qua địa phận một số xã thuộc H. Phù Cát và H. Tuy Phước (Bình Định). Để qua mặt chính quyền địa phương và ngành chức năng, các đối tượng khai thác cát trái phép thường hoạt động vào ban đêm hoặc thứ 7, Chủ nhật. Thời gian gần đây, nhiều người đặt máy bơm hút cát dọc theo dòng sông để khai thác cát trái phép thường xuyên diễn ra, nhất là trên địa phận xã Cát Thắng. Đáng nói, các máy hút cát đặt cách chân đê không xa, tiềm ẩn nguy cơ gây rỗng chân đê, làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến mức độ an toàn đê sông, nhất là vào mùa lũ lụt.
Theo quan sát của phóng viên, trên đoạn sông dài hơn 3km, từ khu vực đập Lão Tâm (xã Cát Thắng) đến thôn Chánh Đạt (xã Cát Tiến, H. Phù Cát) thường xuyên có 2 - 3 máy bơm hút cát được đặt nổi giữa lòng sông. Ban ngày, các đối tượng khai thác cát trái phép "án binh bất động", đợi khi đêm xuống mới dùng thuyền bơi ra khu vực đặt máy tiến hành bơm hút cát. Riêng vào thứ 7, Chủ nhật và các ngày lễ, các đối tượng khai thác cát trái phép hoạt động cả ngày lẫn đêm. Lượng cát hút từ sông được tập kết ngay tại những bãi đất trống ven 2 bên bờ. Tại khu vực tràn Mỹ Bình (bờ Bắc) và tràn Phú Giáo (bờ Nam) của sông Đại An (thuộc địa phận xã Cát Thắng), chúng tôi ghi nhận nhiều điểm tập kết cát với khối lượng hàng ngàn mét khối, đều có đường "công vụ" để phương tiện cơ giới ra vào chở cát đi tiêu thụ. Theo người dân địa phương, vào sáng sớm hoặc chiều tối, xe tải thường vào các bãi tập kết này để "ăn" cát rồi chở đi nhiều nơi tiêu thụ với giá từ 300.000 - 500.000 đồng/xe.
Máy bơm hút cát đặt trên sông Đại An, đoạn giáp ranh giữa xã Cát Thắng và Cát Tiến. |
Một người dân ở thôn Phú Giáo (xã Cát Thắng) cho hay, các đối tượng hút cát trộm chỉ cần bỏ ra 5- 7 triệu đồng để mua sắm phương tiện máy móc và chỉ hoạt động chừng 1 tuần là thu hồi vốn. Chính hoạt động này đem lại lợi nhuận cao nên ngày càng có nhiều người tham gia "rút ruột" lòng sông. Việc hút cát tràn lan trên sông Đại An làm thay đổi dòng chảy, gây nạn sa bồi thủy phá nhiều chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thắng, cho rằng: "Các đống cát ở dọc 2 bên bờ sông Đại An là khối lượng cát sa bồi vào đợt lũ cuối năm 2016 còn sót lại (?)". Thế nhưng, khi xem qua những hình ảnh mà phóng viên chụp những đống cát với khối lượng hàng ngàn mét khối được tập kết gọn gàng, có rào chắn bảo vệ thì ông Hồng mới nói: "Tôi sẽ cho cán bộ địa chính- môi trường kiểm tra lại. Giữa tháng 5-2017, UBND xã cũng đã mời một số hộ dân trong xã có máy bơm hút cát trên sông Đại An đến làm việc, nhắc nhở và yêu cầu cam kết không khai thác cát trái phép. Tới đây, UBND xã sẽ thành lập đoàn kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác cát trái phép trên khu vực sông Đại An".
Đường dẫn vào bãi tập kết cát tại xã Cát Thắng. |
Qua tìm hiểu được biết, không chỉ trên địa bàn xã Cát Thắng, tình trạng bơm hút cát trái phép còn xảy ra tại hạ lưu sông Đại An, nơi tiếp giáp với đầm Thị Nại (đoạn qua địa phận xã Phước Hòa và Phước Thắng, H. Tuy Phước). Tại đây, máy bơm hút cát cũng được các đối tượng đặt nổi giữa sông rồi dùng thuyền kéo đi nhiều nơi, chờ đêm xuống để hút cát. Việc bơm hút cát trái phép trên sông Đại An không chỉ vi phạm các quy định về quản lý tài nguyên khoáng sản, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đê sông. Do đó, chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm.
C.Luận