Báo Công An Đà Nẵng

Sắc lệnh di trú bị phong tỏa: Du khách ồ ạt đến Mỹ

Thứ ba, 07/02/2017 09:04

(Cadn.com.vn) - Du khách các nước, nhất là các quốc gia Hồi giáo vốn bị cấm vào Mỹ, ồ ạt đến cường quốc số 1 thế giới này trong bối cảnh sắc lệnh di trú gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump đang bị phong tỏa.

Các luật sư tình nguyện mở quầy tư vấn cho du khách tại Sân bay quốc tế Los Angeles
ở California, Mỹ. Ảnh: AFP

Khung cảnh tại các sân bay quốc tế Mỹ trở nên hỗn loạn và rối rắm hơn bao giờ hết sau khi một tòa án phúc thẩm liên bang bác yêu cầu của Bộ Tư pháp về việc phục hồi ngay lập tức sắc lệnh di trú của Tổng thống Donald Trump, vốn cấm người tị nạn và công dân 7 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào nước này.

Theo AFP, hàng ngàn du khách từ các nước trên, vốn có thị thực hợp lệ, đổ xô đến Mỹ trong bối cảnh sắc lệnh di trú tạm thời bị đình chỉ và Nhà Trắng cảnh báo sẽ dành mọi nỗ lực ưu tiên cho cuộc chiến pháp lý này để đi đến chiến thắng cuối cùng. Đây là diễn biến gay cấn mới nhất trong mạch chuyện bắt đầu vào ngày 27-1, khi ông Trump ban hành sắc lệnh cấm tất cả những người tị nạn và du khách từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen đến Mỹ.

Tại New York, bác sĩ 33 tuổi Kamal Fadlalla, người Sudan, tỏ rõ sự vui mừng khi vừa xuống sân bay Mỹ. Trong 1 tuần qua, anh bị chặn tại sân bay quê nhà sau khi ông Trump ban hành sắc lệnh di trú. “Tôi cảm thấy tuyệt vời”, Fadlalla nói với AFP khi đến sân bay quốc tế John F. Kennedy.

“Đó là một tuần khó khăn thực sự”, sinh viên Iran tên Sara Yarjani, người ban đầu đã bị trục xuất theo sắc lệnh của ông Trump, đã nói như vậy khi vừa đến Los Angeles. “Tôi rất biết ơn tất cả các luật sư và những người đã giúp tôi trong cuộc chiến này”, cô nói trong nước mắt.  Tại Syria, một luật sư 25 tuổi cho biết, anh đã lái xe đến thủ đô Beirut của Lebanon hôm 5-2 để bắt đầu chuyến bay đến Amman và sau đó là đến New York. “Tôi nhảy cẫng lên và không thể ngủ kể từ đó. Tôi sững sờ”, luật sư này nói.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho phép những người có thị thực hợp lệ được nhập cảnh vào Mỹ ngay sau khi Thẩm phán James Robart thuộc tòa án liên bang tại thành phố Seattle ra phán quyết chặn sắc lệnh di trú của Tổng thống Trump. Trong tuyên bố mới nhất, bộ này cho biết, tất cả những người từ 7 quốc gia Hồi giáo bị cấm tiếp tục được phép đến Mỹ miễn là có thị thực chưa bị hủy bỏ và hợp lệ.

Tuy nhiên, trên thực tế, sắc lệnh di trú chỉ bị phong tỏa tạm thời và cuộc chiến vẫn chưa ngã ngũ. Chính quyền Tổng thống Trump tỏ ra lạc quan về khả năng sẽ sớm phục hồi sắc lệnh gây tranh cãi này. Tổng thống Trump thậm chí đã viện đến vấn đề an ninh quốc gia trong cuộc chiến này. Ông chủ mới của Nhà Trắng đã cáo buộc thẩm phán James Robart gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia bằng phán quyết chặn sắc lệnh di trú. “Không thể tin một thẩm phán đặt đất nước chúng ta vào tình thế nguy hiểm như vậy. Nếu có điều gì xảy ra, đó là lỗi của ông và hệ thống tòa án”, ông Trump nêu rõ trên Twitter.

Có thể thấy rằng, Tổng thống Trump, dù mới lên nắm quyền chưa đầy 1 tháng đã thật sự khuấy đảo nước Mỹ đúng như cảnh báo của giới chuyên gia. Không chỉ ban hành sắc lệnh di trú gây sóng gió này, ông Trump còn khiến người Mỹ chia rẽ với những quyết định gây tranh cãi như bãi bỏ Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), đình chỉ Obamacare... Giới truyền thông Mỹ trong những ngày qua tràn ngập những lời chỉ trích nhằm vào ông Trump – nhà lãnh đạo mà họ đánh giá là “kẻ tập sự chính trị”.

Khả Anh

Người Mỹ muốn truyền thông bớt khắt khe với Tổng thống Trump

Theo thăm dò dư luận mới do hãng Gallup công bố hôm 5-2 (giờ Mỹ), mặc dù còn nhiều chia rẽ, đa số người Mỹ vẫn muốn giới truyền thông không nên quá khắt khe đối với tân Tổng thống Donald Trump.

Theo kết quả, 36% người Mỹ cho rằng truyền thông đã quá khắt khe với ông Trump, trong khi 31% nói rằng, truyền thông đã đúng khi đưa tin về ông Trump. Trong khi đó, 28% người cho rằng truyền thông đã không đủ cứng rắn khi đưa tin về ông Trump. Về chính trị, con số thăm dò cho thấy khoảng cách rất lớn giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa. Phần lớn người theo đảng Cộng hòa khẳng định, truyền thông quá khắt khe với ông Trump nhưng những người theo đảng Dân chủ cho rằng truyền thông không đủ cứng rắn.

T.L