Báo Công An Đà Nẵng

Sắc màu trang phục truyền thống của phụ nữ Mông

Thứ sáu, 22/02/2019 11:38

Huyện Krông Bông (Đắc Lắc) có 24 dân tộc cùng chung sống, chiếm tỷ lệ 39% dân số toàn huyện, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, ngoài cư dân bản địa Ê Đê, Mnông sống lâu đời, vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, đồng bào dân tộc Mông từ các tỉnh phía Bắc di trú đến lập nghiệp, mang theo nhiều bản sắc văn hóa góp phần làm cho nền văn hóa của huyện thêm phong phú và đa dạng. Một trong những bản sắc đó là trang phục truyền thống của phụ nữ. Khi nhìn vào bộ trang phục người ta có thể nhận diện được đâu là người Mông hoa, Mông trắng, Mông đen, Mông đỏ hoặc Mông xanh. Nếu như bộ trang phục của phụ nữ Mông trắng thiên về màu lạnh như màu trắng, màu xanh lá cây, màu xanh da trời làm chủ đạo, thì trang phục của phụ nữ  Mông hoa, Mông đen và Mông xanh thường có màu nóng như đỏ, vàng làm chủ đạo.

Những bộ trang phục rực rỡ, cầu kỳ của phụ nữ người Mông. 

Ông Giàng Mí Lình dân tộc Mông xanh, Thôn phó thôn Ea Khiêm (xã Hòa Phong) cho biết: ngày nay, qua quá trình giao thoa giữa cộng đồng các dân tộc Mông, những cái đẹp luôn được tôn vinh, trong đó có trang phục phụ nữ. Theo chân ông Hoàng Văn Bằng, Phó Bí thư Chi bộ thôn Noh prông, chúng tôi được gặp bà Dương Thị Mỵ (90 tuổi), người Mông trắng ở thôn Noh Prông. Bà Mỵ cho biết: xưa kia, để làm ra được một bộ trang phục cho người phụ nữ rất cầu kỳ và công phu, để có sợi dệt vải, người Mông phải tự trồng (cây maj) tức là cây lanh, vì vải dệt từ cây lanh có độ bền cao.

Cây lanh được gieo sạ dày để tạo cho cây mọc thẳng đứng chất lượng tốt hơn, đến thời kỳ thu hoạch, họ cắt bó về phơi nắng từ 7 ngày đến nửa tháng cho khô đem tước thành sợi, đưa vào cối giã mềm rồi nối lại, sau đó cuốn thành từng cuộn tròn và mang đi giặt cho sạch sẽ, công đoạn tiếp theo là luộc cho tới khi sợi lanh mềm và trắng thì mang phơi rồi guồng chia sợi trước khi mắc vào khung cửi. Ngày nay, với sự tiến bộ của công nghệ dệt may, nhiều chất liệu mới được bày bán trên thị trường, nên nghề trồng cây lanh dệt vải không còn phổ biến, người phụ nữ Mông thường mua về thêu, may thành những bộ trang phục có đính hạt cườm, kim tuyến rất lộng lẫy. Tuy nhiên, dù được làm bằng chất liệu nào bộ trang phục của phụ nữ Mông cũng vẫn giữ nguyên được cái "hồn", tạo nên một sắc thái riêng khó nhầm lẫn với các dân tộc khác. Một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mông đầy đủ gồm có: mũ hoặc khăn xếp, áo xẻ ngực, váy, thắt lưng và xà cạp.

Bà Vàng Thị Mai (70 tuổi) ở thôn Ea Khiêm  lý giải: trong bộ trang phục truyền thống của người Mông không thể thiếu xà cạp, do người Mông thường mặc váy ngắn chỉ ngang hoặc dưới đầu gối, đồng bào lại sống ở trên các rẻo núi cao thời tiết lạnh.  Vì thế việc quấn xà cạp càng to, càng dày vừa để ấm đôi bắp chân, vừa làm đẹp và đồng thời còn thể hiện sự mạnh mẽ đôi chân của người phụ nữ, đây cũng là tiêu chí để các chàng trai lựa chọn cho mình một người vợ khỏe mạnh. Người Mông đánh giá tài năng, vẻ đẹp của người phụ nữ qua khả năng thêu, dệt và bộ trang phục. Vì vậy, ngay từ khi 9, 10  tuổi, các bé gái đã được các mẹ, các chị dạy cho cách thêu thùa, may, vá đến khi lấy chồng các cô gái dù giàu hay nghèo đều có một bộ trang phục truyền thống làm của hồi môn.

Trải qua nhiều thời kỳ thăng trầm của lịch sử, người Mông dù cư trú ở vùng miền nào, vẫn có sự kế thừa truyền thống và tiếp thu những tinh hoa của nền văn hóa khác, phát triển theo chiều hướng riêng của mình và trở thành một bộ phận không tách rời trong nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Mai Viết Tăng