Báo Công An Đà Nẵng

Sắc vàng háo hức đợi xuân

Thứ năm, 22/01/2015 07:00

(Cadn.com.vn) - Bên sông Ly Ly, giữa làng An Lạc (xã Duy Thành, H. Duy Xuyên, Quảng Nam), những đóa vạn thọ vàng rực một màu hoàng cung, xếp thẳng tắp, là cách để thiên nhiên gửi gắm lòng cho dân quê ngày Tết.

NHỮNG HẠT GIỐNG ĐẦU TIÊN

Con đường về làng An Lạc, cây cầu tre quá ư lắt lẻo ngày trước đã thay thế bằng cầu đập pa-ra kiên cố. Ngày chưa xa, mảnh đất bờ đông sông Ly Ly tựa ốc đảo, chưa in dấu vòng xe bốn bánh. Bây giờ, ngày cận Tết, rộn rã lắm. Xe tải tấp nập vận chuyển hoa, xe bò rêu rao khắp. “Trồng hoa với tôi không chỉ để mưu sinh, còn là một thú vui. Nghĩ xem, vườn nhà được phủ rợp bởi hoa, rồi công việc trồng và bán hoa, ai không cảm nhận được không khí thực sự của ngày xuân”, ông Ngô Văn Liệng (56 tuổi) chia sẻ. Ông Huỳnh Tấn Hỷ (65 tuổi) thì cho biết: “Năm 2000, theo sự gợi ý của một người bà con trong Sài Gòn, chúng tôi học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người để trồng vạn thọ bán nhân dịp Tết. Tưởng làm chơi ai ngờ hiệu quả nên mỗi năm tôi lại tăng quy mô vườn hoa lên một ít”.

Vạn thọ con được trồng trong rọ.

Chỉ mới 15 năm trở lại đây thôi, người ta mới biết đến cái tên “làng hoa An Lạc”, khởi sự từ chuyện 2 anh em họ, ông Ngô Văn Liệng và ông Huỳnh Tấn Hỷ đem những hạt giống đầu tiên về gieo trong vườn. Về thăm nhà của 2 anh em ông vào ngày cận Tết, khách sẽ thấy 2 mái nhà xây liền kề, được “ôm ấp” bởi 1 vườn vạn thọ, với những cụm cây tròn trịa, xanh thẫm, xếp thẳng tắp. Đến năm nay, các ông đã gầy dựng vườn hoa của mình lên đến hơn 5.000 cây, trên ruộng hoa có diện tích hơn 3 sào. Và, từ 3 năm khi hai ông bắt đầu trồng hoa, nhiều hộ dân An Lạc thấy việc trồng vạn thọ bán ngày cận Tết cũng “có lý”, lại đẹp sân vườn, mới học kinh nghiệm, bỏ vốn để gầy nên ruộng hoa cho riêng mình.

Mùa đón tết năm nay, An Lạc có gần 60 hộ trồng vạn thọ, đấy là chưa kể những hộ trồng “lẻ tẻ”, với chừng 100 gốc hoa trở xuống nhờ tận dụng những khoảnh đất nhỏ trong vườn nhà.

Bây giờ, vạn thọ đã xanh tươi, hứa hẹn một mùa hoa thắm.

NÉT VĂN HÓA LÀNG

Ba tháng cận Tết Nguyên đán là ba tháng hối hả với người An Lạc. Thường, cứ đến đầu tháng 10 Âm lịch là bắt đầu ươm giống. Trước đó, họ nhờ những người quen ở Sài Gòn mua giống trong đó rồi gửi về. Giá một gói bông 150 nghìn đồng. Không rủ nhau, nhưng cùng một lần, họ bắt đầu chặt tre, vót thanh, đan rọ, làm giàn ươm. Sau 25 ngày ươm, một gói bông cho ra chừng 320 cây vạn thọ con, số cây này được chuyển ra vườn để thành những vạn thọ mẹ.

Tuy nhiên, để cho ra một vườn hoa ưng ý thì công chăm sóc hoa rất công phu. Này là tưới nước, bón phân mỗi ngày. Này là thường xuyên tỉa nhánh, bấm ngọn để cụm hoa được tròn trịa, nẻ ra nhiều nhánh, mới cho ra được nhiều bông. Ngoài ra, trồng vạn thọ cũng phải biết dự báo thời tiết, bởi hoa được trồng “ngoài trời” mà không chủ động được nhiệt độ; nên, khi đoán trời trong 3 tháng cận Tết Nguyên đán sẽ lạnh thì phải trồng hoa sớm, tức trước tháng 10 Âm lịch, bởi lúc này hoa sinh trưởng chậm. Còn nếu đoán “trời sẽ nóng” thì phải trồng trễ hơn. Việc dự đoán này dựa trên những kinh nghiệm dân gian của nhà nông.

Trong khoảng 10 ngày cận Tết, hoa được thu hoạch, bán với giá 10 nghìn đồng 1 cây. Nhiều người tự đúc chậu, bán với giá 15 nghìn đồng cả hoa lẫn chậu. Hầu như số hoa đều được bán hết trong dịp tết bởi theo họ, giống vạn thọ của họ là giống vạn thọ lùn, rất được ưa chuộng ở thị trường hoa. Ngoài việc bán sỉ cho các thương lái ở Hội An, Điện Bàn, Đà Nẵng (các thương lái tự thuê xe đến chở hoa về), họ còn bán lẻ, bằng cách xếp hoa lên xe bò chở đi bán dạo khắp nơi.

Sự phối màu giữa xanh của lá, vàng của hoa và nâu của những tấm áo trên những chuyến xe bò chan hòa cùng sắc xuân rộn rã. “Vừa đi bán dạo vừa đi ngắm cảnh Tết, tức vừa đi làm vừa đi chơi, Tết thế mới là Tết”, ông Lê Trung Thành (53 tuổi), chủ một ruộng hoa khoảng 100 cây, hồ hởi.

Chúng tôi nhẩm tính, nếu không tính tiền công tự bỏ ra, và dựa theo thông tin từ ông Liệng, chi phí phân bón để nuôi một gói bông đến ngày đơm hoa khoảng 100 nghìn đồng, thì số lãi ròng từ việc ươm một gói bông sẽ khoảng 3 triệu đồng. Như vậy, trồng hoa không những giúp trang trải những chi phí của ngày Tết, mà còn có thêm tiền dôi dư. Nhưng với người An Lạc, trồng hoa còn là một cái gì đó văn hóa, một thứ văn hóa thầm lặng, bình dị tô đậm nét xuân.

Ông Lê Trung Xuân, Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho biết: “Nói không ngoa, làng hoa An Lạc là làng hoa lớn nhất của Duy Xuyên. Chính quyền xã chủ trương đề nghị phòng Công Thương đăng ký làng nghề, tạo điều kiện tăng thu nhập cho người dân, cũng để phát huy một bản sắc đặc trưng của xã”.

Những xe tải đang tấp nập vận chuyển hoa, những chuyến xe bò rao khắp xóm. Đừng nói đời sống văn minh hơn thì làng quê bớt đi thơ mộng. Này còn đó những đóa vạn thọ, vàng rực một màu hoàng cung, xếp thẳng tắp, là cách để thiên nhiên gửi gắm lòng cho dân xứ quê. Và cũng là cách để dân quê gửi gắm lòng cho mùa xuân thiên nhiên, thơm như chuyện cổ tích.

Mai Thành Dũng