Báo Công An Đà Nẵng

Sách cũ vẫn "sống" giữa thời hiện đại

Thứ ba, 25/02/2014 10:40

(Cadn.com.vn) - Giữa lúc sách cũ đang ở con dốc bên kia của thời hoàng kim thì sự hỗ trợ của những phương tiện thông tin hiện đại đã làm thay đổi thực sự "đời sống" của từng trang sách, không chỉ trên mạng Internet mà ở cả đời thực...

Đà Nẵng không có phố sách cũ như Hà Nội, TPHCM mà chỉ có những tiệm sách nhỏ nép mình khiêm nhường ở những góc phố, nhiều nhất là gần các trường học hoặc nơi tập trung đông người. Chị Nga, chủ tiệm sách cũ 504-Tôn Đức Thắng cho hay: "Hằng ngày, sinh viên từ các trường Đại học Bách Khoa, Sư phạm, Cao đẳng Kinh tế Kế hoạch vẫn thường hay đến đây mua sách. Nhiều nhất là giáo trình, sách chuyên đề và truyện". Giữa thời đại ebook, chỉ cần một chiếc điện thoại hay laptop thì ở bất cứ đâu cũng có thể đọc sách, giá tiền tính ra cũng rất rẻ, những tưởng số phận của những tiệm sách như của chị Nga sẽ bị "khai tử". Thế nhưng tiệm sách của chị vẫn mở cửa đều đặn gần 15 năm nay.

Cô D.Anh (giáo viên dạy văn Trường THCS Phan Đình Phùng) nói: "Tôi hay tìm mua các tác phẩm văn học và phê bình, lý luận văn học ở những tiệm sách cũ trên đường Ông Ích Khiêm và Lê Hồng Phong. Đọc sách "ảo" trên mạng tiện thật đấy nhưng nếu mua để học tập, nghiên cứu tôi vẫn chọn sách cũ bởi giá rẻ và chất lượng khỏi chê". N.Thủy (21 tuổi, SV Đại học Sư phạm) cho hay: "Mình tìm cuốn Mặt Trận Giữa Rừng của Nguyễn Thọ Sơn (NXB Thanh Niên năm 1978). Trên ebook thì chịu rồi, tìm sách mới cũng không có, lùng sục mãi ở các tiệm sách cũ, cuối cùng cũng tìm được cuốn sách cần mua. Cảm giác này sung sướng lắm". Chị Nga cho biết: "Mỗi lần có nguồn sách hay, sách quý về đều có người đặt hàng tôi trước. Nhiều người ở tận Huế, TPHCM còn nhờ tôi tìm sách và sẵn sàng trả giá cao. Họ nói, sách mới bây giờ tái bản nhiều, bị cắt xén nội dung, đọc sách cũ vẫn sướng nhất".

Giới trẻ vẫn mê sách cũ hơn ebook.

Tuy là sách cũ nhưng giá cả cũng chênh lệch nhiều, có cuốn trừ giá bìa chừng 30% hoặc 50 - 60%. Còn đối với những cuốn "càng cũ càng quý", sách chưa tái bản hay số năm xuất bản càng "cũ" có giá vài trăm, thậm chí lên đến cả triệu vẫn có người tìm mua.

Thời gian gần đây, trên facebook xuất hiện hàng loạt trang chuyên bán sách cũ như: Thế giới sách cũ, sách cũ Đà Nẵng, Booksale... Anh T.Thanh (36 tuổi, chủ trang sách cũ Đà Nẵng) chia sẻ: "Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, chúng ta đã có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn tri thức của nhân loại. Tuy nhiên, một số tác phẩm kinh điển không còn xuất bản và bây giờ thuộc "hàng cổ". Với trang xã hội này, mình mong các bạn có thể chia sẻ với cộng đồng những cuốn truyện như vậy và một phần cũng mong giúp các bạn yêu sách thỏa mãn phần nào nhu cầu của mình".

Tiệm sách của anh T.Thanh nằm gần Trường THPT Thái Phiên, một năm trở lại đây bắt đầu đăng các thông tin về tiệm cũng như các đầu sách lên facebook để bán qua mạng. Mỗi lần trang face của anh đăng tải hình ảnh và thông tin về những cuốn sách cũ, ngay lập tức có người "like" và đặt sách. Sau đó, các giao dịch mua bán diễn ra tại tiệm hoặc anh Thanh trực tiếp đi giao hàng. Ngoài ra, trên các diễn đàn, việc trao đổi, mua bán sách cũng diễn ra khá sôi động. Chị Nga cho biết, đối với những bộ sách giáo khoa hay truyện đủ bộ chị thường nhờ con chụp ảnh rồi đăng tải lên diễn đàn sachxua.net. Đây được xem là "đại bản doanh" của sách cũ, ở đó các thành viên sẽ được chia sẻ thông tin, những câu chuyện về sách hay giao dịch mua bán.

Chị Nga tỉ mẩn bọc lại những cuốn sách cũ
để chuẩn bị giao cho khách.

Giữa lúc sách cũ đang ở con dốc bên kia của thời hoàng kim thì sự hỗ trợ của những phương tiện thông tin hiện đại đã làm thay đổi thực sự "đời sống" của từng trang sách, không chỉ trên mạng internet mà ở cả đời thực. Nhờ những trang mạng "kết nối" này mà dường như không còn ranh giới giữa thế giới thực và "ảo". Tại tiệm sách của anh Thanh, định kỳ mỗi quý một lần tổ chức buổi "offline" cho những người mê sách.

Đây là cơ hội để các bạn học sinh, sinh viên đến trao đổi sách. Những cuốn sách cũ các bạn không dùng nữa được anh Thanh thu mua và đổi lại bằng những cuốn sách có giá trị tương đương. Anh Thanh thú thật: "Tôi cũng là một người mê sách, nên mỗi lần tổ chức "offline" tôi đều cố gắng giới thiệu cho các bạn những đầu sách hay. Bên cạnh đó, nhiều người cũng mang đến tiệm những cuốn sách tôi đang tìm. Hy vọng với cách làm này, vừa tạo ra một môi trường đọc sách văn minh vừa không làm cho sách cũ chết dần chết mòn".

Những người như anh Thanh, chị Nga hằng ngày vẫn ngụp lặn giữa hàng ngàn cuốn sách cũ vừa để mưu sinh vừa cố lưu giữ vốn tri thức quý của nhân loại. Dù những buổi "offline" hay những phiên giao dịch tại chợ sách "ảo" còn mang tính cá nhân nhưng những gì nó mang lại cũng đủ khiến chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng về một tương lai mới cho sách cũ.

HP - MV – TZ